Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 7322 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và đời sống
Bụi phanh ô tô có thể gây hại hơn khí thải diesel (18/03/2025)
Ô nhiễm không khí có liên quan đến khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới. Khi nhắc đến ô nhiễm không khí đô thị, khí thải diesel thường được coi là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất ở Anh cho thấy bụi từ má phanh ô tô có thể gây hại cho phổi hơn cả khí thải diesel.
Bụi sinh ra từ sự mài mòn của mặt đường, lốp xe và phanh; được gọi là “khí thải không do động cơ”; hiện là nguồn phát thải chính từ giao thông đường bộ, vượt qua khí thải từ động cơ ở nhiều quốc gia châu Âu. Trong số đó, bụi phanh thường là nguồn đóng góp lớn nhất nhưng vẫn chưa bị kiểm soát bởi các quy định hiện hành. So với bụi khí thải diesel, tác động sức khỏe của bụi phanh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm để mô phỏng niêm mạc phổi và tiếp xúc các tế bào này với bụi phanh và bụi khí thải diesel. Kết quả cho thấy bụi phanh có hại đáng kể hơn đối với tế bào phổi, đặc biệt là liên quan đến các bệnh như ung thư phổi và hen suyễn. Điều thú vị là khi loại bỏ đồng khỏi bụi phanh, tác động tiêu cực này giảm đi đáng kể.
Mặc dù vậy, các quy định hiện hành tại Vương quốc Anh chỉ tập trung vào khí thải từ động cơ. Phát hiện cho thấy cần khẩn trương xem xét việc kiểm soát các loại khí thải không do động cơ, trong đó có bụi phanh. Một trong những giải pháp tiềm năng là cải tiến công thức chế tạo má phanh để giảm thiểu tác động đến sức khỏe.
Trước đây, má phanh từng chứa sợi amiăng để chịu nhiệt, nhưng amiăng đã bị cấm tại Anh vào năm 1999 do có liên quan đến các bệnh về phổi. Ngành công nghiệp ô tô sau đó đã phát triển các loại má phanh mới, trong đó phổ biến nhất là má phanh hữu cơ không chứa amiăng (NAO).
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy bụi từ loại má phanh NAO; được thiết kế để thay thế má phanh chứa amiăng; có độc tính cao nhất đối với tế bào phổi. Thậm chí, nó còn gây hại nhiều hơn không chỉ so với các loại má phanh khác mà còn so với bụi khí thải diesel. Một số tác động quan sát được có liên quan đến các bệnh như ung thư phổi, xơ phổi, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các kim loại trong bụi ô nhiễm không khí có thể gây hại cho sức khỏe. Khi phân tích thành phần kim loại trong bụi phanh và bụi khí thải diesel, nhóm tác giả phát hiện hàm lượng đồng cao là đặc điểm nổi bật của bụi từ má phanh NAO. Đồng này có thể xâm nhập vào tế bào phổi, và khi xử lý bụi phanh bằng hóa chất trung hòa đồng, mức độ độc hại giảm đáng kể. Điều này cho thấy đồng có thể là một trong những yếu tố chính gây tác động tiêu cực của bụi phanh.
Gần một nửa lượng đồng trong không khí mà con người hít thở đến từ mài mòn phanh và lốp xe. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã cho thấy phơi nhiễm đồng ở nồng độ cao có liên quan đến suy giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ tử vong.
Xe điện không phải giải pháp hoàn hảo
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy bụi trong không khí gây hại cho sức khỏe con người. Đáng tiếc, dù xe điện có thể loại bỏ khí thải động cơ, chúng không thể xóa bỏ hoàn toàn bụi từ đường, lốp xe và phanh. Thực tế, do thường có trọng lượng nặng hơn, xe điện có thể tạo ra lượng bụi không từ ống xả cao hơn so với xe chạy xăng hoặc diesel. Điều này cho thấy khái niệm “không phát thải” của xe điện chưa thực sự chính xác.
Một số xe điện được trang bị hệ thống phanh tái tạo, cho phép động cơ hoạt động như một máy phát điện giúp giảm tốc xe. Tuy nhiên, xe điện vẫn cần hệ thống phanh ma sát để dừng xe hoàn toàn, do đó vẫn tạo ra bụi phanh. Các tiêu chuẩn khí thải Euro 7, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11/2026, sẽ áp đặt giới hạn đối với bụi phanh. Điều này có thể thúc đẩy sự đổi mới trong việc phát triển vật liệu phanh mới hoặc cơ chế bẫy bụi. Đồng thời, các chính sách này cũng có thể khuyến khích các giải pháp như kiểm soát giao thông và thiết kế đường nhằm giảm thiểu tình trạng phanh gấp, qua đó giảm lượng bụi phát sinh. Việc cải tiến công thức sản xuất má phanh có thể giúp giảm tổng lượng bụi phát thải hoặc loại bỏ các thành phần độc hại, tương tự như cách amiăng từng bị loại bỏ trước đây. Tại Mỹ, cả bang California và Washington đã ban hành luật nhằm giảm hàm lượng đồng trong má phanh, dù mục tiêu chính là ngăn chặn đồng chảy vào nguồn nước, gây hại cho hệ sinh thái thủy sinh.
Các phát thải không từ ống xả hiện chiếm khoảng 60% tổng lượng ô nhiễm hạt mịn từ phương tiện giao thông tại Vương quốc Anh. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận thức rằng không có mức phơi nhiễm nào đối với ô nhiễm không khí được xem là an toàn. Khi thế giới chuyển sang sử dụng xe điện, khoa học và chính sách cần bắt kịp thực tế này để đảm bảo rằng những cải tiến trong công nghệ giao thông thực sự mang lại lợi ích cho sức khỏe con người và môi trường./.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/, 2/2025
Ngày cập nhật: 03/03/2025
https://www.vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-doi-song/bui-phanh-o-to-co-the-gay-hai-hon-khi-thai-diesel-10873.html
- Gel lignin sinh học - giải pháp dưỡng tóc bền vững (02/04/2025)
- Sản xuất vải từ màng sinh học kombucha (04/03/2025)
- Uống trà xanh giúp làm giảm tổn thương chất trắng trong não người lớn tuổi (17/02/2025)
- Kem điều trị ung thư da đầu tiên trên thế giới có thể thay thế phẫu thuật và xạ trị (04/02/2025)
- Phát hiện phân tử có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa khi áp dụng chế độ ăn hạn... (16/01/2025)