Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 67213
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Các biện pháp giảm hao phí thức ăn trong chăn nuôi lợn (19/02/2019)

         Chi phí cám trong chăn nuôi lợn chiếm từ 65 - 70% giá thành. Nếu chương trình thức ăn chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ khoa học, người chăn nuôi có thể tiết kiệm đến cả tấn thức ăn cho lợn.

Có nhiều yếu tố làm thức ăn chăn nuôi hao hụt hoặc bị mất. Cộng hưởng của các yếu tố trên có thể làm hao phí lên đến 1,5 đến 2 lạng cám/lợn/ngày, thậm chí nhiều hơn tùy thuộc vào điều kiện quản lý của trại. Thông thường, bà con không hề để ý đến con số này. Tuy nhiên, con số tích lũy của nó sau một lứa có thể lên đến hàng tấn cám. Để tăng năng suất chăn nuôi và hiệu quả kinh tế bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Thay đổi cách cho lợn ăn

Bà con thường cho lợn thịt ăn tự do, để chúng tăng trọng lượng nhanh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nên cho lợn ăn một lượng thức ăn nhất định 4 - 5 lần/ngày, để chúng ăn hết thức ăn và sau đó có khoảng thời gian nghỉ 1 giờ hoặc ít hơn. Điều này có 2 lợi ích: Thứ nhất, nó làm giảm kích thích cơ học của việc tiêu thụ thức ăn thường thấy trong chế độ cho ăn liên tục cả ngày; Thứ hai, trong suốt thời gian không ăn, lợn thường im lặng, ít vận động và điều này có thể làm cải thiện việc sử dụng thức ăn tốt hơn do giảm nhu cầu dinh dưỡng.

2. Sử dụng máng ăn hợp lý

Để tránh rơi vãi thức ăn, bà con nên sử dụng máng ăn công nghiệp chuyên dụng cho lợn, trên máng ăn có bộ phận điều tiết tốc độ chảy cám tự động.

Số máng ăn phải được bố trí phù hợp với lượng lợn trong chuồng, giúp tăng hiệu quả cho ăn, tránh tình trạng cho ăn không đồng đều trong đàn lợn.

Lượng thức ăn trong máng chỉ nên duy trì ở mức 1/3 so với chiều cao của máng, để tránh hiện tượng thừa thãi thức ăn dẫn đến rơi vãi và mất độ thơm ngon của thức ăn.

3. Bảo quản thức ăn

 - Thức ăn cho lợn phải được bảo quản cẩn thận, tránh để hư hỏng và bị nhiễm nấm mốc. Đặc biệt đối với miền Bắc nước ta, ẩm độ môi trường quá cao dễ ảnh hưởng tới chất lượng thức ăn.

- Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý đến sự phá hoại của chuột. Một con chuột trong 1 ngày có thể ăn được số lượng thức ăn bằng trọng lượng cơ thể nó. Do đó các trại chăn nuôi cần quản lý và kiểm soát tốt vấn đề này.

4. Chăm sóc và nuôi dưỡng

 - Cần cắt cám trước khi xuất chuồng 6 tiếng, vì nếu cho lợn ăn quá no trước khi xuất bán sẽ dẫn tới hiện tượng bị stress do di chuyển, cám không tiêu hóa hết sẽ khiến chất lượng thịt bị sụt giảm, tỉ lệ móc hơi thịt giảm sút theo.

- Chuồng trại phải đảm bảo đủ ấm, khi nhiệt độ giảm 1 độ thì tương ứng với nó lượng cám ăn vào phải tăng 1% để lợn có thể sản xuất đủ nhiệt lượng sưởi ấm cơ thể.

- Các giai đoạn khác nhau, cần cung cấp chế độ dinh dưỡng khác nhau để đáp ứng nhu cầu của cơ thể:

+ Lợn ở giai đoạn 20 - 60 kg, khoảng 70 - 130 ngày tuổi, tỷ lệ dinh dưỡng cần cho ăn: Đạm thô 18 - 19%, năng lượng từ 3.200 Kcal/kg trở lên. Cần lưu ý không nên cho lợn ăn dư thừa quá nhiều, cho ăn dư thừa ở giai đoạn này dễ dẫn tới tình trạng lợn tích lũy thành mỡ sớm, bị bệnh.

+ Lợn ở giai đoạn từ 60 kg đến xuất chuồng, trong khoảng 131 - 165 ngày tuổi, đạm thô nên cho ăn với tỷ lệ khoảng 16 - 17%, năng lượng khoảng 3.000 - 3.200 Kcal.

- Ngoài ra cần bổ sung thêm các loại men vi sinh, tiêm phòng một số bệnh về đường tiêu hóa cho lợn để tăng khả năng hấp thu và tiêu thụ thức ăn, giảm chi phí thức ăn./.

Nguồn: Sở NNPTNT Vĩnh Phúc