Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 16877
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và đời sống

Các biện pháp hạn chế tác hại của rác thải nhựa (08/10/2019)

Hiện nay túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần đã quá phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Mặc dù đem lại sự tiện lợi, giá thành rẻ cho người dùng, nhưng việc sử dụng các sản phẩm này ngày càng nhiều đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khoẻ con người và những thảm hoạ khôn lường cho môi trường sinh thái.

Bức ảnh được chụp tại chợ Tuy Phong, Bình Thuận.

Tác hại:

Khi thực phẩm được chứa, đựng trong các túi ni-lông, màng bọc thực phẩm và nhất là trong các loại túi ni-lông có màu xanh, đỏ,… hay các hộp được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng; các hóa chất như: chất hoá dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… từ túi, hộp sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người sử dụng thực phẩm. Theo thời gian, các hóa chất này có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ. làm thay đổi mô, lỗi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ luỵ khác cho sức khoẻ con người.

Rác thải nhựa, ni-lông đã qua sử dụng khi được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc trong đó có Dioxin và Furan, là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là gây ung thư khi phơi nhiễm thường xuyên.

Rác thải nhựa, túi ni-lông khi bị chôn lấp lẫn vào đất tồn tại hàng trăm năm, sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi ni-lông bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh, tổn hại đến các loài thuỷ sinh vật, đặc biệt là cá. Rác thải nhựa thải ra đại dương có thể gây chết sinh vật biển do bị vướng phải hoặc ăn phải các mảnh nhựa, túi ni-lông… Sự gia tăng lượng rác thải ra biển nguy cơ phá vỡ môi trường tự nhiên, ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái biển.

Biện pháp:

Hạn chế tối đa, tiến tới không sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Sử dụng sản phẩm đựng đồ được làm từ những nguyên liệu dễ phân hủy trong môi trường như giấy, tre, nứa, cói...

Khi đi mua hàng hoặc đi chợ nên mang theo làn, giỏ, túi, hộp đựng thực phẩm...  hoặc sử dụng giấy, các loại lá như lá chuối, lá sen...  để bao gói.

Trường hợp cần sử dụng túi ni-lông thì nên để các loại thực phẩm, hàng hóa có thể để chung trong cùng một túi.

Tái sử dụng rác thải nhựa vào các mục đích không gây độc hại cho con người. Không vứt chung các loại rác thải nhựa, túi nilon với các loại rác dễ phân huỷ giúp thuận lợi cho việc thu gom, tái sản xuất thành các sản phẩm có ích khác.

Giảm lượng rác thải phát sinh, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa vào các mục đích khác góp phần giảm những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khoẻ con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội