Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1093
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Các giải pháp kỹ thuật bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão (12/08/2020)

           Mưa bão làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm; đồng thời cũng là điều kiện cho vi rút, vi khuẩn phát triển; có thể có vật nuôi chết trôi nổi từ vùng này sang vùng khác làm lây lan dịch bệnh. Để chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe đàn vật nuôi và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bà con cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

1.     Theo dõi thông tin thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng

- Hàng ngày cần chú ý theo dõi thông tin về diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp kỹ thuật, che chắn, bảo vệ đàn vật nuôi.

2.     Chủ động kiểm tra, nâng cấp, cải tạo chuồng nuôi

- Trước thời điểm xảy ra mưa bão, cần tu sửa, gia cố chuồng trại chăn nuôi vững chắc, chằng chống lại chuồng trại bằng cách gia cố mái chuồng để tăng độ vững chắc; dùng dây thép, bao cát đè lên mái để hạn chế tốc mái khi có bão.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống cung cấp nước uống, nước rửa; hệ thống thoát  nước chung của cả khu vực, hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần phải tôn cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ lụt, làm sàn kê cao, làm rèm che chắn để tránh mưa tạt, gió lùa và có phương án di chuyển vật nuôi khi có ngập lụt.

- Khu chứa chất thải cần bố trí xa chồng nuôi, khu sinh hoạt, nguồn nước, cuối hướng gió và ở vị trí thấp nhất để hạn chế ô nhiễm môi trường khi có mưa to hoặc ngập úng.

3.     Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng

- Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm để chống lại các tác động bất lợi, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với giống, lứa tuổi, và mục đích sản xuất.

- Chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi cụ thể: Đối với trâu bò cần dự trữ thức ăn xanh, cỏ khô, thân cây ngô, thân cây lạc, đậu tương. Nên tiến hành thu gom rơm thành đống đậy kín để tránh mưa ướt hoặc ủ rơm với Ure để nâng cao giá trị dinh dưỡng và tăng tỷ lệ tiêu hóa. Đối với lợn và gia cầm cần dự trữ thức ăn tinh (ngô, sắn…) và thức ăn giàu đạm (bột cá, đỗ tương, khô dầu lạc, khô dầu đậu tương…). Thức ăn dự trữ bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc và kém chất lượng.

- Dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết như: Vitamin, trợ sức trợ lực, men tiêu hóa dùng cho vật nuôi khi thời tiết thay đổi.

- Đảm bảo luôn có đủ nước uống sạch cho gia súc, gia cầm khi có ngập, lụt xảy ra. Đối với các vùng chưa có nước máy, cần khử trùng nước trước khi cho gia súc, gia cầm uống. Khử trùng nguồn nước bằng cloramin B hoặc cloramin T (liều lượng 3 - 5g/m3 nước).

  - Đối với những ngày mưa bão lớn thường hay mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, trấu… để sưởi ấm.

  - Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầm đến tuổi xuất bán thì nên xuất bán để hạn chế khả năng rủi ro do bão lũ.

4. Về công tác thú y

- Chủ động phòng bệnh bằng vaccin cho đàn vật nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin thường gặp như: Tụ huyết trùng cho trâu bò; Dịch tả lợn, Tụ dấu lợn, Phó thương hàn, Lở mồm long móng, Tai xanh cho lợn; Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, tụ huyết trùng cho gà; Dịch tả vịt, tụ huyết trùng cho ngan ,vịt.

- Tăng cường vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1 -2 lần/ tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uể chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi.

5.     Thường xuyên theo dõi, giám sát đàn vật nuôi

- Hàng ngày quan sát và theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn vật nuôi phát hiện khi có biểu hiện bất thường như ủ rũ, bỏ ăn, tiêu chảy phải tách ngay ra khỏi đàn, xử lý và điều trị kịp thời. Đồng thời báo cho thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để xử lý, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Nguồn: Khuyến nông Thái Bình