Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8723
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Cách xử lý chất độn chuồng gà (20/10/2020)

           Nuôi gà trên nền nếu chúng ta biết cách xử lý chất độn chuồng tốt sẽ giúp cho gà mau lớn, giảm bệnh tật, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Để gà tránh được nhiều bệnh đường hô hấp, không bị lạnh chân,  ỉa chảy, chuồng  phải khô ráo, chất độn chuồng thường dùng là phoi bào hoặc trấu.

Gà ỉa và đái xảy ra cùng một lúc từ lỗ huyệt, vì vậy chúng ta nên sử dụng chất độn chuồng có khả năng hút nước tốt. Chất độn tốt nhất là phoi bào, nhưng không nên dùng phoi bào gỗ lim vì phoi bào gỗ lim khi tiếp xúc với phân gà tạo ra khí độc, không có lợi cho gà. Các chất độn khác như rơm rạ, trấu, lá cây, cỏ tranh, cói khô khả năng hút nước kém và dễ bị nấm mốc, nếu dùng phải thay thường xuyên gây tốn kém.

Chất độn dùng nhiều hay ít phụ thuộc vào nền chuồng, thời tiết, số lượng gà, mức độ thông thoáng, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng và thời gian nuôi. Thông thường phoi bào có thể đổ dày 15-20 cm và gà nuôi trên lớp phoi bào này cho đến 45-50 ngày tuổi và không cần phải thay hoặc chỉ cần thay tại những nơi máng uống nước chảy ra đẫm ướt. Nếu lớp phoi bào dày chỉ được 8-10 cm thì sau 3-4 tuần phải thay lớp khác.

Khi nào thấy chất độn chuồng bị ướt phải thay ngay. Gà không ưa ẩm ướt, thích khô ráo, do đó thay chất độn chuồng vào lúc nào là tùy tình hình cụ thể của chuồng nuôi, miễn sao chuồng và nền chuồng gà luôn luôn phải khô.

Chú ý: Các chất độn trước khi đưa vào sử dụng phải được phơi thật khô, phun thuốc khử trùng: 100-150kg chất độn, dùng 1-2 lít formon 1% phun đi, phun lại cho thật đều, rồi lại phơi khô, cho vào bao tải để nơi khô ráo hoặc đưa thẳng vào chuồng nuôi nếu chuồng nuôi đó đã được làm vệ sinh cơ học sạch sẽ và đã được phun thuốc khử trùng ít nhất là 2 lần./.

Nguồn: Khuyến nông Lâm Đồng