Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7805
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN trong nước

Chuyển đổi số - điều kiện thuận lợi để Việt Nam thay đổi thứ hạng (07/11/2022)

Tại Kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội nhận định chuyển đổi số có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020. Mục tiêu đề ra là nỗ lực đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng...

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định chuyển đổi số có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế-xã hội, từ đó góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt và đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, xu thế kinh tế số là bước phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia và là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.

Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á ghi nhận rằng quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3/6 thị trường lớn nhất của ASEAN và xếp thứ 14/50 quốc gia thuộc khu vực châu Á. Thanh toán điện tử bùng nổ tăng 3000% về giá trị so với năm 2016.

Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 về thu hút vốn khởi nghiệp, dẫn đầu nhóm 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp với thứ hạng 44 trên 132 về chỉ số đổi mới toàn cầu.

Đại biểu Lê Hoàng Hải đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành kịp thời và thống nhất quan điểm, định hướng chiến lược của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 và đồng tình với các ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội khi đặt ra vấn đề mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 sẽ chiếm tỷ trọng 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực là tối thiểu 20%... là những mục tiêu rất thách thức.

Bên cạnh những kết quả rất ấn tượng, câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức về thể chế, việc đo lường vĩ mô về chuyển đổi số, vấn đề số liệu lớn và truyền dữ liệu xuyên biên giới, hạ tầng số hay chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, rủi ro an toàn và an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, văn hóa số, lộ trình và giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số, mức độ sẵn sàng huy động nguồn lực khi chuyển số của doanh nghiệp...

Đại biểu Lê Hoàng Hải đề xuất xem xét 5 nhóm giải pháp để thực hiện Chính phủ số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Đầu tiên là hoàn thiện thể chế kinh tế số, bao gồm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy các giao dịch điện tử kinh tế an toàn, tin cậy, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, xây dựng khung pháp lý có kiểm soát để hỗ trợ, thúc đẩy các mô hình đổi mới sáng tạo kinh doanh số, tài sản số, huy động vốn cộng đồng, bất động sản số, bảo hiểm số, y tế số..., đồng thời xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số theo giá trị gia tăng chứ không phải theo doanh thu.

Ngoài ra, đại biểu đề xuất sớm nghiên cứu và thử nghiệm tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương xây dựng cơ chế thúc đẩy, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia; xây dựng chương trình hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số.

Nhóm giải pháp thứ hai là tạo lập môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; tăng cường phối hợp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Nâng cao hiệu quả của cơ chế hợp tác công tư trong nghiên cứu phát triển công nghệ mới, an ninh mạng.

Nhóm tiếp theo là nâng cao chất lượng hạ tầng số và nguồn nhân lực số, các tần số phải đi trước 1 bước, thúc đẩy việc phổ cập danh tính điện tử cho toàn dân, tạo một nền tảng dữ liệu quốc gia có thể chia sẻ giữa các tổ chức và doanh nghiệp; phủ sóng 5G, tăng đầu tư cho đào tạo gắn với chuyển số.

Thứ tư là khả năng sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp, công thức chuyển số của doanh nghiệp cần phải nhấn mạnh tới sự hiểu biết về tầm quan trọng sống còn của chuyển số song song với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và hành động đột phá của doanh nghiệp. Ngành công nghệ thông tin có vai trò rất lớn trong định hướng, dẫn dắt, lan tỏa nhu cầu và khả năng chuyển đổi số cho các ngành kinh tế khác.

Đại biểu Lê Hoàng Hải cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các bộ, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để chuyển giao và tạo ra các sản phẩm "make in Việt Nam" trong các công nghệ số hàng đầu thế giới, qua đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả chủ trương chuyển số và thực hiện bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Nhóm thứ năm là xây dựng các kịch bản chuyển đổi số trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, bất ổn và nguồn lực tài chính có hạn. Việc xây dựng các kịch bản chuyển đổi số và thường xuyên đánh giá, cập nhật kịch bản có thể giúp khắc phục kịp thời những khó khăn, thách thức mà thực tiễn khách quan đặt ra. Như thế, các mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030 như chương trình đã sẽ trở nên khả thi hơn, đồng thời giúp các ngành, các doanh nghiệp có hướng đi đúng đắn và thích ứng kịp thời hơn với xu thế mới.

Công nghệ đi đôi với năng lực quản trị

Liên quan tới quản lý đồng tiền kỹ thuật số, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang cho hay trong bối cảnh nền kinh tế mở hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế là rất cần thiết. Kinh tế Việt Nam muốn phát triển thì không thể chậm chân trong lĩnh vực này, đặc biệt trong mảng tài chính với công nghệ blockchain. Tuy nhiên, công nghệ cần đi đôi với năng lực quản trị, nhận thức của doanh nghiệp và người dân trong việc tham gia vào thị trường kinh tế số.

Ở giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng blockchain là hợp lý nhưng phải có bước đi chắc chắn, hiệu quả, không nóng vội, không vội vàng để tạo kẽ hở cho tội phạm mạng, làm lũng đoạn nền kinh tế. Đây là bài học trong quản lý kinh tế-xã hội trước đây từng gặp phải; tránh để lực lượng lợi dụng thâu tóm, thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích đất nước.

Ảnh minh họa.

Cũng theo đại biểu, năng lực và trình độ công nghệ cũng là vấn đề cơ quan quản lý cần tập trung nâng cấp để đáp ứng yêu cầu về quản trị, vận hành hệ thống. Cùng với đó, doanh nghiệp và người dân cũng cần phải có sự am hiểu nhất định. Muốn quản lý, vận hành lĩnh vực này một cách an toàn, đồng bộ đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức và các ngành chức năng đều phải quan tâm và ưu tiên đầu tư.

Hành lang pháp lý về blockchain hiện còn thiếu, vì đây vẫn là lĩnh vực mới, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh hệ thống chính sách pháp luật của lĩnh vực này được xây dựng cách đây một vài năm và cũng đã chậm chân so với công nghệ. Trong khi đó, luật đang đi theo thực tiễn và nhất là lĩnh vực công nghệ thường phát triển rất nhanh. Vậy nên, cần kịp thời rà soát, xem xét sửa đổi, điều chỉnh pháp luật cho phù hợp, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh, đoàn An Giang nhận định giao dịch tiền điện tử qua hệ thống blockchain còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Vì được tiến hành chủ yếu trên hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài nên giao dịch này có thể coi là rất khó kiểm soát.

Do đó, cần sớm có những hiệp định với các công ty, tập đoàn quản lý những trang mạng này để đảm bảo nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh ngoài ý muốn, tránh những tổn thất, đổ vỡ về tài chính cho người dân và doanh nghiệp.

Việc chấp nhận đồng tiền công nghệ số cần tiếp tục được đánh giá, xem xét và đạt sự đồng thuận về quan điểm chỉ đạo; cũng như việc thực thi của cả hệ thống chính trị. Bởi lẽ đây là lĩnh vực mới, có rất nhiều vấn đề phát sinh kèm theo. Dù có nhiều ý kiến quan ngại khi thống nhất chủ trương phát triển đồng tiền số song cũng có không ít ý kiến đồng tình bởi đây là một lĩnh vực nhiều tiềm năng và phù hợp với xu thế chung của các nền kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới mà Việt Nam không nên đứng ngoài cuộc./.

Ngọc Quỳnh- Diệp Anh (TTXVN/Vietnam+)

Ngày cập nhật: 2/11/2022

https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-so--dieu-kien-thuan-loi-de-viet-nam-thay-doi-thu-hang/826888.vnp