Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 40987
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Công nghệ thu gom, xử lý khí đồng hành nhằm đảm bảo an ninh năng lượng (30/11/2022)

 

Cụm công trình thu gom, xử lý, sử dụng khí do Tổng Giám đốc Vietsovpetro và 25 đồng tác giả thực hiện đã, đang làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỷ đồng, có hiệu quả trong bảo vệ môi trường sinh thái.

Tiến sỹ Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Vietsovpetro. (Nguồn: nangluongvietnam).

Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận" là 1 trong 17 công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Cụm công trình này do Tiến sỹ Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Vietsovpetro và 25 đồng tác giả thực hiện đã và đang làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỷ đồng, góp phần thiết thực, hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Đặt nền móng xây dựng, phát triển ngành công nghiệp khí-điện-đạm

Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gomxử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận" là kết quả nghiên cứu sáng tạo trong ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ trong điều kiện đặc thù tại thềm lục địa Việt Nam.

Nghiên cứu đã mang lại những thành tựu đặc biệt xuất sắc, đưa ra các giải pháp sớm thu gom và sử dụng khí đồng hành, tránh lãng phí nguồn tài nguyên không tái tạo, tận dụng đến 95% lượng khí đồng hành, tạo lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo điều kiện sống của dân cư, nơi khai thác dầu khí, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Cụm công trình cũng đã đặt nền móng và là cơ sở đầu tiên để Việt Nam xây dựng và phát triển được ngành công nghiệp Khí-Điện-Đạm hoàn chỉnh như hiện nay.

Tiến sỹ Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Vietsovpetro, tác giả chính chia sẻ thành công của công trình bắt đầu từ năm đầu tiên của thập niên 90, khi Liên doanh Vietsovpetro mới khai thác được dầu tại Bạch Hổ, nhưng công nghệ thời đó chỉ khai thác dầu, còn khí đồng hành phải đốt bỏ. Vì vậy, xuất phát từ thực tế đất nước đang thiếu điện trầm trọng để phát triển kinh tế-xã hội mà khí đồng hành phải đốt bỏ, đã thôi thúc các cán bộ, kỹ sư của Vietsovpetro nghiên cứu và thực hiện việc thu gom khí, vận chuyển, chế biến đưa khí đồng hành vào bờ để phát điện, sản xuất phân đạm.

Chính sự nỗ lực, miệt mài của các cán bộ, kỹ sư cùng với những giải pháp khoa học và công nghệ đột phá, năm 1995, mặc dù khai thác dầu trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, Vietsovpetro đã "tiên phong" đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ, tạo nên bước nhảy vọt của ngành Dầu khí Việt Nam, tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp khí hiện đại.

Tiến sỹ Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết cụm công trình đã sáng tạo ra giải pháp làm khô khí để đưa vào bờ không cần thiết bị làm lạnh; lần đầu tiên áp dụng thành công máy nén khí piston để nâng công suất vận chuyển đến 3-5 triệu m3 khí, làm tiền đề để triển khai công nghệ khai thác dầu bằng gaslift (quy trình tách các chất cứng trong đó một dòng khí chảy ngược nâng chất rắn dạng bột hoặc dạng hạt trong một dây chuyền kín từ một bộ phận hay từ thùng chứa tới bộ phận khác, thường nằm trong khu vực có độ bay hơi cao); nghiên cứu sử dụng khí đồng hành để khai thác dầu bằng gaslift mang lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện mỏ Bạch Hổ, hình thành quy trình sử dụng khí để sản xuất điện thay thế dầu tại ngoài khơi, đảm bảo cho Vietsovpetro vận hành ở mọi điều kiện thời tiết biển.

Quá trình nghiên cứu, thực hiện cụm công trình này thành công đã thu gom, xử lý và vận chuyển được khí đồng hành với sản lượng 1 triệu m3 khí/ngày vào bờ đến Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa, thay thế nguồn nguyên liệu dầu DO nhập ngoại của Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa.

Giải pháp này đã mở ra kỷ nguyên sử dụng khí đồng hành làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp Việt Nam, làm tiền đề cho việc ra đời các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, góp phần giải quyết khủng hoảng năng lượng, tình trạng cắt điện luân phiên của thập niên 90.

Tạo hiệu quả kinh tế thiết thực

Việc ứng dụng các nghiên cứu và sử dụng hiệu quả khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro nhờ áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ đã và đang đem lại lợi ích kinh tế-xã hội. Giải pháp của cụm công trình nghiên cứu đã mang đến kết quả sử dụng hiệu quả được trên 90% khí đồng hành mà trước đó 100% phải đốt bỏ ngoài khơi, là thành tựu xuất sắc nhất của Cụm công trình.

Giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ thuộc PVN. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Giải pháp sớm đưa khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng về bờ và giải pháp Ejector phối trộn khí cao áp và thấp áp để gia tăng lượng khí đưa về bờ làm nhiên liệu cho Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa, Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 đã mang lại hiệu quả kinh tế hơn 4.000 tỷ đồng (tương đương 280 triệu USD).

Giải pháp của cụm công trình khai thác dầu bằng phương pháp gaslift khi máy nén chưa đưa vào hoạt động giai đoạn 1995-1997 đã tiết kiệm cho Vietsovpetro khoảng 6,9 tỷ đồng (tương đương 0,61 triệu USD chi phí vận hành (OPEX).

Đặc biệt, giai đoạn 2013-2019 với các giải pháp sử dụng khí đồng hành cho Turbin khí thay thế hệ thống máy phát điện Diesel tại công trình biển của Vietsovpetro và giải pháp thu gom khí tại tàu chứa dầu VSP-02 để làm nhiên liệu đốt nồi hơi thay thế dầu FO, Vietsovpetro đã tiết kiệm hơn 4.500 tỷ đồng (tương đương 206,72 triệu USD) chi phí vận hành.

Bên cạnh đó, ứng dụng các giải pháp của Cụm công trình đã tạo điều kiện thuận lợi để thu gom được khí đồng hành ở các mỏ hiện đang khai thác ở Bồn trũng Cửu Long, thềm lục địa Nam Việt Nam. Các công trình của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro thực sự đã trở thành trung tâm kết nối và lưu chuyển từ các mỏ ở khu vực này, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác các mỏ dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Vietsovpetro, cho biết kết quả nghiên cứu và các giải pháp của cụm công trình đã mang lại ý nghĩa sâu sắc cho nền kinh tế Việt Nam, thay thế nguồn nguyên liệu dầu DO truyền thống tại các nhà máy nhiệt điện, là tiền đề tạo ra các sản phẩm mới cho đất nước như đạm, LPG, nguyên liệu cho các nhà máy hóa dầu, là cơ sở ban đầu cho sự phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đô thị hóa phục vụ dân sinh, làm thay đổi nguyên liệu của nhiều ngành nghề tiểu thủ công, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Thành tựu xuất sắc của cụm công trình, đã đưa Vietsovpetro vào danh sách các công ty sử dụng khí đồng hành cao, mở ra những cơ hội lớn trong đầu tư và phát triển thu gom khí đồng hành từ các mỏ dầu lân cận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đối tác đang và sẽ khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.

Những thành tựu khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng và phát triển thành công của cụm công trình đã được cấp bằng sáng chế, sáng kiến và công bố rộng rãi trên các tạp chí chuyên ngành.

Cụm công trình được cấp 1 bằng sáng chế độc quyền, 26 giải pháp được công nhận là sáng kiến, 42 báo cáo khoa học tại các diễn đàn khoa học trong và ngoài nước, xuất bản 8 cuốn sách chuyên khảo./.

HL (TTXVN/Vietnam+)

Ngày cập nhật: 23/11/2022

https://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-thu-gom-xu-ly-khi-dong-hanh-nham-dam-bao-an-ninh-nang-luong/830763.vnp