Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 26504
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thành phố (29/05/2015)

Đây là đề án nghiên cứu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì vừa được Hội đồng KH&CN cấp thành phố tổ chức đánh giá. Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (VHNT) của Hải Phòng, đề án cũng đưa ra những đánh giá chung, những giải pháp nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động này của thành phố Cảng.

Theo đánh giá của cơ quan chủ trì đề án, công tác đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực VHNT tại Hải Phòng trong những năm qua đã và đang dần hoàn thiện. Cụ thể là hệ thống các thiết chế văn hóa (Trung tâm văn hóa thành phố; Trung tâm Văn hóa - Thông tin các quận, huyện; Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn…) tương đối hoàn chỉnh; Công tác quản lý, đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; Đặc biệt phải kể đến vai trò của trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng - đây được coi là một trong những cái nôi đào tạo bao lớp thế hệ có những thành công, tạo được dấu ấn nhất định trong lĩnh vực VHNT trên cả nước.

 

 

Biểu diễn hát xẩm trong chương trình nghệ thuật dân gian của các Hội viên Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Hải Phòng. 

Ảnh: Thu Hiền

Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực VHNT của thành phố còn tồn tại nhiều hạn chế, việc phát triển chương trình đào tạo chưa được quan tâm đúng mức, phương tiện, cơ sở phục vụ đào tạo còn thiếu, vấn đề đội ngũ giảng viên chưa hoàn chỉnh ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo…

Để giải quyết các vấn đề này, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực VHNT thành phố, đề án đề xuất các giải pháp: Thứ nhất, đối với công tác quản lý nhà nước, đề án cho rằng cần nghiên cứu đổi mới quy trình phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng năng khiếu cho từng lớp tuổi, hoàn thiện khung chương trình đào tạo ở tất cả các bộ môn nghệ thuật, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở đào tạo, có kế hoạch bố trí nguồn vốn cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ phù hợp. Thứ hai, đối với các cơ sở đào tạo và đội ngũ giảng dạy cần phải luôn đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo đảm bảo tính hiệu quả; tăng cường hợp tác; đảm bảo đội ngũ giảng dạy. Thứ ba, đối với phương pháp giảng dạy phải đảm bảo tính toàn diện của công tác đào tạo, không ngừng động viên khích lệ nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh, sinh viên…

Đóng góp để hoàn thiện đề án, Hội đồng đánh giá cho rằng đề án còn quá khái quát, chưa có những giải pháp cụ thể mang tính chất riêng biệt của Hải Phòng, thiếu những căn cứ: chế độ, chính sách; các căn cứ để tuyển chọn…; đề án còn bị “bó” bởi việc nâng cấp, hoàn thiện trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng nên chưa đưa ra những lý giải, luận điểm sâu sát. Nội dung đề án cần được cụ thể hóa để có thể được triển khai trong thực tiễn.

Nguyễn Lưu