Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 37502
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN trong nước

Đại biểu Quốc hội: Việc chi cho đầu tư khoa học, công nghệ còn nhiều tồn tại (15/06/2023)

Để giải quyết được những vướng mắc trong chi ngân sách cho khoa học-công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính sẽ phối hợp sửa các quy định về cơ chế tài chính, đầu tư trong lĩnh vực này.

Các quy định về chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn sẽ được bổ sung.

Trong phiên chất vấn về lĩnh vực khoa học công nghệ tại Quốc hội hôm nay 7/6, các đại biểu quốc hội cho rằng việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn tới việc đầu tư chưa hiệu quả.

Sẽ sửa quy định về cơ chế đầu tư

Giải trình về chi cho đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%, trong khi đó Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.

“Điều này cho thấy, các bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Bổ sung thêm thông tin giải trình về bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2023 tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%, năm 2022 tỷ lệ chi ngân sách này là 1,01%.

Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học.

Để giải quyết được những vướng mắc trong chi ngân sách cho khoa học công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.

Về cơ chế quản lý sản phầm khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn.

Xác định mũi nhọn nghiên cứu cơ bản cần đầu tư

Cũng tham gia giải trình về những vấn đề có liên quan đến khoa học công nghệ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng thời gian qua lĩnh vực khoa học công nghệ nước ta cũng đã có những đóng góp quan trọng, tốc độ đổi mới trong lĩnh vực này đạt mục tiêu đề ra. Một số lĩnh vực khoa học công nghệ có đột phá như Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham gia lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là lĩnh vực mang tính liên ngành. Do vậy để giải quyết những tồn tại ấy cần phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý…

Liên quan đến vấn đề quản lý các quỹ trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng cần phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của quỹ… đồng thời hoàn thiện các quy định và có chính sách đặc thù bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả khi chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cần phải ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để quản lý khoa học công nghệ bằng cách xây dựng dữ liệu về tiêu chí đánh giá sản phẩm khoa học công nghệ.

Về thay đổi cơ chế khi đặt hàng khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng khẳng định Nhà nước phải xác định được mũi nhọn nghiên cứu cơ bản để đầu tư hạ tầng, đội ngũ cán bộ, nguồn lực, cơ chế chính sách.... còn việc nghiên cứu ứng dụng, triển khai phải do doanh nghiệp thực hiện.

“Trong thời gian tới chúng ta chỉ tập trung cho các lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, còn đối với doanh nghiệp thì cần có cơ chế khuyến khích, cho vay từ quỹ. Khi doanh nghiệp thực hiện có sản phẩm tăng giá trị gia tăng thì thu lại về quỹ để quay vòng quỹ phát triển khoa học công nghệ bền vững,” Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh quan điểm phải có cơ chế riêng giữa quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và tách bạch trách nhiệm của Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Quỹ phát triển khoa học công nghệ cũng nên tách bạch nghiên cứu khoa học cơ bản, đổi mới sáng tạo phải chấp nhận rủ ro và cần có cơ chế riêng, phù hợp./.

Nguồn: Nhóm PV/vietnamplus.vn

Ngày cập nhật: 07/6/2023

https://www.vietnamplus.vn/dbqh-viec-chi-cho-dau-tu-khoa-hoc-cong-nghe-con-nhieu-ton-tai/866919.vnp