Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 20692 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Đánh giá tải lượng và vận chuyển chất gây ô nhiễm từ thượng nguồn đến các sông lớn khu vực Hải Phòng (14/01/2024)
Trong bối cảnh sức ép khai thác sử dụng tài nguyên (đất đai, nguồn nước, không gian vùng cửa sông ven biển) trên địa bàn thành phố Hải Phòng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng lên. Mặt khác, trước yêu cầu của thành phố về sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên này, gắn khai thác, sử dụng với duy trì, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, kinh tế - xã hội của nước ta cũng có những bước tiến mạnh mẽ, các nguồn chất gây ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế - xã hội khác nhau trên các lưu vực sông thượng nguồn đưa xuống vùng hạ lưu có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Tuy vậy, cho đến nay chưa có nghiên cứu đánh giá nào được thực hiện nhằm xác định tải lượng chất gây ô nhiễm từ hệ thống sông Hồng - Thái Bình, qua các sông trên địa bàn Hải Phòng đưa ra vùng cửa sông ven biển thành phố. Trước thực tế đó, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã chủ trì thực hiện đề tài "Đánh giá tải lượng và vận chuyển chất gây ô nhiễm từ thượng nguồn đến các sông lớn tại Hải Phòng" trong 02 năm, từ tháng 12/2020 đến tháng 12/2022.TS. Vũ Duy Vĩnh làm chủ nhiệm. Bên cạnh nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm có liên quan, mục tiêu khoa học của đề tài, nhóm nghiên cứu cũng phân tích, đánh giá hiện trạng địa hình, thủy văn, môi trường nước; đánh giá tải lượng các chất gây ô nhiễm, từ đó thiết lập mô hình thủy động lực, chất lượng nước, vận chuyển trầm tích và chất gây ô nhiễm trên 5 sông lớn tại Hải Phòng (Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình) và đề xuất giải pháp quản lý môi trường.
Sơ đồ phạm vi khu vực nghiên cứu và các vị trí khảo sát của đề tài.
Để phục vụ cho việc đánh giá tải lượng và vận chuyển chất gây ô nhiễm từ thượng nguồn các sông lớn khu vực Hải Phòng, một hệ thống tư liệu về điều kiện tự nhiên, địa hình, thủy văn, hiện trạng môi trường nước ở 5 sông lớn khu vực Hải Phòng đã được nhóm nghiên cứu thu thập, khảo sát bổ sung, phân tích và đánh giá. Nghiên cứu đo đạc, khảo sát được thực hiện trong 4 đợt (tháng 1, tháng 5, tháng 7 và tháng 10) năm 2021 nhằm đưa ra kết quả mô phỏng của mô hình thủy động lực, mô hình chất lượng nước ở khu vực 5 sông lớn này, tải lượng nước và vận chuyển chất gây ô nhiễm vào thượng nguồn và từ các sông chính khu vực Hải Phòng đưa ra biển cũng đã được phân tích đánh giá. Theo đó, hằng năm khu vực tiếp nhận khoảng: 55 tỷ m3 nước, 132.710 tấn BOD, 214.560 tấn COD, khoảng trên 3 triệu tấn trầm tích lơ lửng, 5.557 tấn NH4+, 27.126 tấn NO3-, 2.211 tấn PO43-, 2,1 tấn Cd, 202 tấn Pb, 29.659 tấnFe, 418 tấn Cu, 1.332 tấn Zn, 129 tấn As và 0,0034 tấn Hg. Trong đó, sông Văn Úc và sông Cấm thường là các nơi tiếp nhận lượng vật chất từ thượng nguồn nhiều nhất với giá trị biến đổi khoảng 67-89% tổng lượng của các nhóm chất này từ thượng nguồn vào các sông Hải Phòng.
Hình ảnh khảo sát trong khuôn khổ đề tài.
Tổng lượng vật chất đưa ra vùng ven bờ qua 05 cửa sông chính của Hải Phòng cũng đã được xác định với lượng đưa ra biển hàng năm khoảng 55 tỷ m3 nước, 14.1322 tấn BOD, 223.005 tấn COD, 4,3 triệu tấn trầm tích lơ lửng, 6.804 tấn NH4+, 24.933 tấn NO3, 2.169 tấn PO43-, 4,7 tấn Cd, 287 tấn Pb, 47.098 tấn Fe, 418 tấn Cu, 1.554 tấn Zn, 153 tấn As và 0,165 tấn Hg. Các nguồn vật chất đưa ra vùng biển ven bờ khu vực Hải Phòng chủ yếu vẫn là các nguồn từ các sông thượng lưu thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình đưa xuống. Trong đó, các chất hữu cơ từ bên ngoài đưa vào các sông Hải Phòng chiếm khoảng 94-97%, trầm tích lơ lửng chiếm hơn 70%, các chất ô nhiễm dinh dưỡng chiếm trên 81%, các kim loại nặng từ bên ngoài đưa vào chiếm từ 44 đến trên 99% tổng tải lượng các kim loại nặng từ các sông đưa ra vùng ven biển Hải Phòng. Theo thời gian, các nguồn chất gây ô nhiễm đưa vào thượng nguồn các sông Hải Phòng và từ các sông này đưa ra vùng ven biển cũng luôn luôn biến động theo dao động của mực nước thủy triều và các nguồn nước từ sông Hồng - Thái Bình đưa xuống. Theo chu kỳ ngày, tải lượng chất gây ô nhiễm biến động từng giờ theo mực nước thủy triều. Trong khi đó, với quy mô thời gian lớn hơn, các tháng trong mùa mưa sẽ có tải lượng chất gây ô nhiễm đưa vào và ra biển rất lớn so với các tháng còn lại trong mùa khô.
Từ những phân tích đánh giá tổng hợp về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu của đề tài, các đề xuất quản lý môi trường nước, nguồn ô nhiễm của các sông chính khu vực Hải Phòng đã được đưa ra nhằm khai thác hiệu quả, bền vững các tiềm năng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm hiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nước sông, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, gồm:
Một là, thực thi có hiệu quả các quy định về bảo vệ các nguồn tài nguyên nước. Việc thực thi các quy định này ở Hải Phòng vẫn còn có nhiều hạn chế, ví dụ như xác định/kiểm kê các nguồn chất thải đưa vào các sông vẫn còn chưa đầy đủ, vẫn còn nhiều điểm nguồn thải phát sinh chưa được kiểm soát, đánh giá... Chính vì vậy, cần thiết phải thực thi có hiệu quả các quy định về bảo vệ các nguồn tài nguyên nước ở các sông chính khu vực Hải Phòng.
Hai là, tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp với các tỉnh bạn trong quản lý các nguồn nước sông. Các kết quả nghiên cứu trong đề tài này cho thấy, phần lớn các chất gây ô nhiễm vào các sông chính khu vực Hải Phòng là từ các sông thượng lưu. Chính vì vậy, để quản lý hiệu quả, giám sát và đánh giá đầy đủ các nguồn ô nhiễm phát sinh vào các sông lớn khu vực Hải Phòng, rất cần có sự chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giữa các địa phương lân cận của Hải Phòng, đặc biệt là tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh trong việc kiểm soát, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về các nguồn ô nhiễm đi vào các lưu vực sông liên quan. Về lâu dài, cần có một sự phối hợp quản lý liên vùng giữa các địa phương cho khu vực đồng Bắc bộ và vùng Duyên hải phía Đông Bắc bộ. Sự phối hợp liên vùng này nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực do hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất công nghiệp, xả thải chất ô nhiễm ở các tỉnh/thành phía trên thượng nguồn sông Hồng - Thái Bình (như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương,...) nhưng lại làm ô nhiễm cho các địa phương ven biển ở phía dưới hạ lưu như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Ba là, tăng cường kiểm soát các nguồn xả thải vào các sông Hải Phòng. Nghiên cứu cho thấy, ngoài các nguồn kim loại nặng do các sông thượng nguồn đưa xuống thì hầu hết các nguồn kim loại nặng từ 5 sông Hải Phòng đưa ra biển đều có sự đóng góp từ các nguồn phát sinh trên địa bàn thành phố (từ 1-55%). Chính vì vậy, cần thiết tăng cường kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ hoạt động cảng vào các sông Hải Phòng, đặc biệt là các nguồn làm phát sinh các kim loại nặng vào môi trường nước sông như đóng mới, sữa chữa, phá dỡ tàu cũ, vận tải bốc dỡ phế liệu, hóa chất.
Bốn là, tăng cường điều tra, nghiên cứu cứu về tác động của các nguồn ô nhiễm. Ở vùng cửa sông ven biển Hải Phòng, các quá trình động lực, trao đổi vật chất, lan truyền, chuyển hóa chất gây ô nhiễm diễn ra cực kỳ phức tạp do sự chi phối của các quá trình sinh - địa hóa dưới ảnh hưởng của dao động mực nước và biến động về môi trường do sự thay đổi của độ mặn. Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá tải lượng và vận chuyển chất gây ô nhiễm trong nghiên cứu này cho các sông chính khu vực Hải Phòng cho năm 2021 mới chỉ là bước đầu. Rất cần thiết hỗ trợ cho các nghiên cứu liên quan về vấn đề này và được lặp lại trong nhiều năm để có thể cung cấp cơ sở khoa học vững chắc hơn về tải lượng ô nhiễm, các quá trình chuyển hóa, vận chuyển chất gây ô nhiễm, làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, quản lý các nguồn tài nguyên nước và môi trường nước ở các sông chính khu vực Hải Phòng.
Năm là, xây dựng chương trình quản lý tài nguyên nước và môi trường các sông Hải Phòng. Sự dâng cao mực nước do biến đổi khí hậu đang có dấu hiệu tăng nhanh vào những năm gần đây (và thời gian tới) có thể làm suy giảm các nguồn tài nguyên nước, tăng nguy cơ ô nhiễm, đe dọa sự tồn tại của các hệ động thực vật cho vùng cửa sông Hải Phòng. Chính vì vậy, dựa trên các kết quả nghiên cứu đánh giá về vận chuyển, lan truyền chất gây ô nhiễm ở các sông lớn khu vực Hải Phòng, rất cần thiết xây dựng chương trình quản lý tài nguyên nước và môi trường các sông khu vực Hải Phòng. Chương trình này nhằm bảo vệ các nguồn nước, vùng đất ngập nước ở vùng cửa sông ven biển Hải Phòng; bảo vệ, duy trì chất lượng nước các sông thuộc Hải Phòng trước các áp lực phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu; bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên thiên (thực vật, các loài sinh vật đặc hữu, ..) ở vùng cửa sông ven biển Hải Phòng; tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các sông chính khu vực Hải Phòng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)