Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 19115
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Đề xuất giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo trong các trường phổ thông ở Hải Phòng (26/02/2024)

Đạo đức nhà giáo là một hệ thống các quy tắc, nguyên tắc, những định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng quyết định, chi phối, điều chỉnh hành vi của nhà giáo với bản thân, với đồng nghiệp, học sinh, với mọi người và với các công việc của một nhà giáo, một công dân. Nâng cao đạo đức nhà giáo là quá trình tăng thêm, hoàn thiện hơn ở đạo đức nhà giáo, là kết quả tổng hợp các giải pháp của từng cá nhân nhà giáo trong rèn luyện về đạo đức; các giải pháp của cơ sở giáo dục và đào tạo của toàn xã hội nhằm làm cho đạo đức của nhà giáo đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của giáo dục và đào tạo trước sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước.

Nghiên cứu đạo đức nhà giáo và việc nâng cao đạo đức nhà giáo để từ đó xây dựng hệ thống giải pháp và những kiến nghị cho quá trình rèn luyện, tổ chức bồi dưỡng nâng cao đạo đức nhà giáo nhằm đáp ứng nhiệm vụ ngày càng cao, đồng thời khắc phục những tồn tại, phù hợp với thực tiễn của ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng là mục đích của đề tài khoa học cấp thành phố triển khai năm 2018: Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo trong các trường phổ thông ở Hải Phòng, đề tài do Hội Cựu Giáo chức Hải Phòng chủ trì, CN Nguyễn Văn Điền làm chủ nhiệm.

Quang cảnh hội nghị nghiệm thu đề tài.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nghiên cứu lý luận và thực tiễn ở trong và ngoài nước về đạo đức, đạo đức nhà giáo và nâng cao đạo đức nhà giáo là cơ sở lý luận và thực tiễn để tiến hành nghiên cứu khoa học của đề tài. Nâng cao đạo đức nhà giáo là quy luật tất yếu khách quan, trong lịch sử phát triển của xã hội, là đòi hỏi thường xuyên của nghề dạy học. Có được nâng cao thường xuyên thì người thầy giáo mới có đủ năng lực và phẩm chất để hành nghề - nghề đào tạo những người làm chủ tương tai của đất nước, làm chủ nền kinh tế- xã hội không ngừng phát triển, nâng cao theo kịp xu thế đi lên của thời đại.Đề tài đã xây dựng phương án điều tra xã hội học với 7 mẫu phiếu với 700 phiếu cho các đối tượng điều tra là các nhà quản lý trong và ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo của 4 quận, huyện; Cán bộ nhà trường; Giáo viên; Phụ huynh học sinh; Học sinh.

Đề tài tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đạo đức nhà giáo trong các trường phổ thông ở Hải Phòng: thực trạng phẩm chất chính trị, thực trạng đạo đức nghề nghiệp, thực trạng lối sống và tác phong, thực trạng giữ gìn và bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo. Đồng thời, đề tài đánh giá thực trạng nâng cao đạo đức nhà giáo ở Hải Phòng dựa trên thực trạng công tác quản lý nhà nước về nâng cao đạo đức nhà giáo, thực trạng quản lý đạo đức nhà giáo, thực trạng tự rèn luyện nâng cao đạo đức của đội ngũ giáo viên và các nhân tố tác động đến đạo đức nhà giáo. Nghiên cứu cho thấy, thời gian qua, các cấp quản lý giáo dục đã chú trọng nâng cao đạo đức nhà giáo. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về đời sống và chịu nhiều áp lực từ xã hội, từ học sinh, phụ huynh học sinh, áp lực từ chính ngành giáo dục - đào tạo, nhưng các thầy cô tự ý thức được vị trí, vai trò của nghề giáo đã cố gắng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người thầy, được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, tôn trọng, kính yêu; công tác triển khai, xây dựng chương trình hành động theo chỉ thị, nghị quyết về nâng cao đạo đức nhà giáo đã được tiến hành khá tốt.

Bên cạnh đó, việc nâng cao đạo đức nhà giáo còn hạn chế như: việc tổ chức thực hiện, nhất là khâu thanh - kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật đôi lúc còn chưa tốt; một bộ phận nhỏ giáo viên phổ thông ở Hải Phòng chưa nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp, không cố gắng tu dưỡng, rèn luyện lối sống, tác phong của nghề giáo, dẫn tới sai sót, khuyết điểm gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng tới uy tín của người thầy và giảm sự tin tưởng của xã hội dành cho ngành giáo dục. Nguyên nhân của những tồn tại này xuất phát từ tác động tiêu cực của cơ chế thị trường; từ chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng hay dư luận xã hội đôi khi còn thái quá; việc thực hiện các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, thông tư về nâng cao đạo đức nhà giáo ở một số cấp quản lý giáo dục, của một số nhà trường chưa hiệu quả, bản thân một số nhà giáo nhận thức không đầy đủ về nghề nghiệp, không cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, chạy theo lối sống đám đông, thị trường.

Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 nhóm giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo trong các trường phổ thông ở Hải Phòng gồm:

Một là, Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo: nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của đạo đức nhà giáo với sự nghiệp trồng người, phân cấp quản lý giáo dục hợp lý, nghiên cứu cụ thể hóa, rà soát, bổ sung tiêu chí đạo đức nhà giáo cho phù hợp với các cơ sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng nội dung, có thời gian cụ thể cho từng đối tượng thực hiện đồng thời tổ chức tốt khâu thực hiện và kiểm tra đánh giá.

Hai là, Nâng cao hiệu quả quản lý nhà trường trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo: Các giải pháp phải có nội dung và hình thức cụ thể, trực tiếp tổ chức thực hiện và đánh giá quá trình đó. Mặt khác các trường phổ thông là nơi các nhà giáo được thể hiện mọi khả năng của mình thông qua hoạt động giáo dục, thể hiện mọi năng lực, phẩm chất đạo đức nhà giáo. Nhà trường cần thường xuyên động viên các nhà giáo không ngừng nâng cao đạo đức của chính họ, nhà trường cần lấy việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh vừa là nội dung vừa là phương pháp thể hiện trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp về nâng cao đạo đức nhà giáo.

Ba là, Bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức nhà giáo của đội ngũ giáo viên: giúp nhà giáo nhận thức cho đúng về vai trò, vị trí đạo đức nhà giáo hiện nay, cần phải xây dựng kế hoạch tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhà giáo, ý chí và nghị lực cũng cần được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên mọi lúc mọi nơi để có thể phát triển bền vững, phải rèn luyện, tranh thủ có hiệu quả sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ các nguồn lực có liên quan. Nâng cao đạo đức nhà giáo là trách nhiệm thường xuyên của các cấp QLGD, phải có những chỉ thị, nghị quyết phù hợp, kịp thời với từng giai đoạn để nâng cao đạo đức nhà giáo. Có kế hoạch thực hiện cụ thể như là một trong những việc quan trọng nhất của ngành. Thường xuyên kiểm tra, tạo điều kiện, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt công tác nâng cao đạo đức nhà giáo như công tác chuyên môn hiện nay. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.

Bốn là, Phát huy tính tích cực của môi trường xã hội, truyền thông trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo: đây là cơ hội để chúng ta nắm bắt tri thức của nhân loại, nâng cao phẩm chất và năng lực của thầy giáo theo kịp bước tiến của nhân loại. Phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ kiến thức, không ngừng mở rộng hiểu biết xã hội là để rèn luyện nâng cao đạo đức nhà giáo. Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về Giáo dục và Đào tạo, giúp cho xã hội có nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng của Giáo dục và Đào tạovới xã hội nói chung và với từng người, với mỗi gia đình nói riêng. Trước hết ngành Giáo dục và Đào tạo phải chủ động kết hợp với truyền thông làm tốt, làm thường xuyên để xã hội ngày càng hiểu sâu sắc hơn về một ngành mà đã được Đảng xác định là quốc sách hàng đầu.

Năm là, Điều chỉnh môi trường sư phạm, đề xuất cơ chế chính sách đãi ngộ đội ngũ giáo viên trong việc nâng cao đạo đức nhà giáo.Ngành Giáo dục và Đào nghề dạy học là nghề đặc thù – nghề đào tạo con người cho xã hội, nên chịu tất cả các tác động từ xã hội. Vì vậy trong nhà trường hiện nay cần có sự điều chỉnh từ môi trường xã hội, môi trường sư phạm, điều chỉnh tác động của truyền thông… sao cho mọi tác động, mọi môi trường đều có tác dụng khuyến khích, biểu dương, động viên, tạo điều kiện cho ngành Giáo dục và Đào, cho từng nhà giáo yên tâm, cảm nhận được sự tôn trọng của xã hội, phấn đấu cho sự nghiệp mà mình đã lựa chon để phục vụ, đó là đào tạo những thế hệ công dân tương lai cho đất nước.

Tính mới, tính sáng tạo của kết quả nghiên cứu, đó là: Trong sự tác động mạnh của mặt trái trong cơ chế thị trường, thời đại công nghệ 4.0 tạo ra nhiều thang bậc giá trị mới, trong đó có giá trị đạo đức và đạo đức nhà giáo. Đề tài đã chỉ ra rằng: Trong sự thay đổi của những tác động xã hội hiện nay, nhiều giá trị đã được bổ sung vào nội dung đạo đức nhà giáo, những giá trị về truyền thống với nhà giáo thì không thay đổi. Đề tài cũng đưa ra khuyến nghị ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cần xây dựng một kế hoạch truyền thông thường xuyên và dài hạn trên đài phát thanh, truyền hình và báo Hải Phòng về đạo đức nhà giáo và nâng cao đạo đức nhà giáo; cần tổ chức hội thảo chuyên đề (trong và ngoài ngành) về đạo đức nhà giáo và nâng cao đạo đức nhà giáo ở Hải Phòng. Thông qua đó làm cho xã hội cũng như chính bản thân nhà giáo hiểu đầy đủ hơn về đạo đức nhà giáo và nâng cao đạo đức nhà giáo và các chủ trương, chính sách, quy định của các cấp, các ngành về vấn đề này. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.