Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5763
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại thành phố Hải Phòng (03/01/2024)

Để có căn cứ khoa học về lý luận, thực tiễn khách quan, đầy đủ, toàn diện phục vụ công tác tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, năm 2022 UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt triển trai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhiệm vụ do Ban Dân vận Thành ủy chủ trì thực hiện.

Từ kết quả nghiên cứu đã cho thấy: Giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có nhiều đổi mới về tư duy, sâu sát, cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, rộng rãi dân chủ ở mọi cấp, mọi ngành; mở rộng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở các loại hình (xã, phường, thị trấn; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp); đặc biệt, đã ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội, là những bước đi thành công ban đầu trong việc hiện thực hóa mục tiêu “dân thụ hưởng” trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra ngày càng nhiều giá trị thụ hưởng tương ứng với mở rộng đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của thành phố còn nhiều hạn chế cụ thể: Việc cụ thể hóa thực hiện dân chủ ở một số địa phương, đơn vị chưa phục vụ thiết thực, hiệu quả nhiệm vụ chính trị, có nơi, có việc còn máy móc, dập khuôn, thiếu chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở; nhiều nội dung phải công khai để Nhân dân biết thực hiện còn hình thức, chưa đầy đủ; có nội dung, hình thức lấy ý kiến Nhân dân tham gia chưa phù hợp; có lúc, có việc, thực hiện dân chủ còn hình thức, nhất là thực hiện dân chủ trong các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một bộ phận người dân còn thờ ơ trong thực hiện quyền làm chủ của mình, có cá nhân lợi dụng dân chủ để đòi hỏi quyền lợi chưa chính đáng hoặc vi phạm pháp luật. Kết quả thực hiện dân chủ chưa đồng đều ở các loại hình cơ sở, còn nhiều hạn chế trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp.

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội, những yêu cầu đặt ra đối với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và nhiệm vụ chính trị của thành phố; Ban Chủ nhiệm Đề tài đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại thành phố Hải Phòng trong thời gian tới gồm 3 nhóm giải pháp lớn, từng giải pháp thuộc các nhóm đã xác định rõ nội dung, phương pháp và chủ thể thực hiện. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở có thể nghiên cứu, vận dụng, ban hành cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã nghiên cứu và đề xuất một số nội dung mới như: xác định nội hàm “dân biết”, “dân bàn”, dân làm”, “dân kiểm tra”, “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”; chỉ ra những yếu tố đặc trưng vùng, miền, địa phương trong quá trình thực hiện dân chủ của thành phố Hải Phòng; tổng kết những kết quả nổi bật, riêng có về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thể hiện sự mạnh dạn trong tư duy và đổi mới trong hành động của Đảng bộ thành phố để từng bước hiện thực hóa mục tiêu “dân thụ hưởng” thành quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố; được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; sau này, được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ghi nhận, tổng kết, bổ sung vào phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đề cập tới sáu vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại thành phố Hải Phòng; dự báo tình hình kinh tế - xã hội thành phố, những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng, tác động đến việc thực hiện dân chủ tại thành phố Hải Phòng; một số yêu cầu đặt ra đối với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố trong tình hình mới.

Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đề xuất các giải pháp có tính đổi mới, đồng bộ, toàn diện để đẩy mạnh thực hiện dân chủ trên địa bàn thành phố; nhất là giải pháp thể chế, cụ thể hóa thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân ở các loại hình cơ sở bằng những quy định, quy chế cụ thể và cơ chế trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị như: Quy định về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm giải quyết những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đẩy lùi tình trạng quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tiêu cực, nhũng nhiễu dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định kết quả thực hiện dân chủ là một tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng hằng năm; quy định về trách nhiệm giải trình của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; Quy định về trách nhiệm giải quyết cam kết của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong đối thoại trực tiếp với Nhân dân; Đề án thí điểm xây dựng các Trung tâm hòa giải, đối thoại tạo hiệu quả tích cực trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại các quận, huyện; Đề án “Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố”; Quy chế thực hiện dân chủ trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; Quy chế thực hiện dân chủ trong tổ chức các lễ hội trên địa bàn thành phố; Quy định về cung cấp thông tin, định hướng cơ quan báo chí, truyền thông khi xảy ra các vụ việc phức tạp, “điểm nóng”; Quy định về giám sát, phản biện xã hội của báo chí đối với việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền; Quy định về đối thoại với các tổ chức tôn giáo.

Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đề xuất đổi mới nội dung, hình thức, đối tượng tuyên truyền, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền; xây dựng chuyên mục “Hỏi - đáp” trên Hệ thống thông tin công tác dân vận trên không gian mạng để tuyên truyền về thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về dân chủ; tiếp tục xác định đối thoại là khâu đột phá, chỉ tiêu công tác dân vận hằng năm của Đảng bộ thành phố, các cấp ủy, tổ chức Đảng và đổi mới hình thức đối thoại theo chuyên đề, ngành, nghề, giới; các nội dung, hình thức cụ thể để mở rộng thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; các loại hình doanh nghiệp so với quy định của pháp luật hiện hành; thực hiện công khai, dân chủ trong thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết số 35/2021/QH15; thực hiện dân chủ trong xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; xây dựng trang web công khai văn bản do UBND các cấp ban hành, theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị; sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn các tiêu chí đánh giá, chấm điểm thi đua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; tiến hành trưng cầu ý dân bằng hình thức tiến hành điều tra xã hội học và đảm bảo nguồn kinh phí điều tra xã hội học để trưng cầu ý dân đối với những công trình, dự án quy mô lớn, tác động mạnh đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; hướng dẫn bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố; xây dựng nghị quyết của cộng đồng dân cư theo hướng quy định rõ trách nhiệm và biện pháp bảo đảm thi hành của Nhân dân đối với các quyết định, quy định đã có hiệu lực…

Sản phẩm nghiên cứu của Đề tài là căn cứ lý luận và thực tiễn khoa học để tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực; giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị thành phố nghiên cứu, vận dụng, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy tối đa nội lực thực hiện thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Đây còn là nhiệm vụ có ý nghĩa lâu dài nhằm hiện thực hóa quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết Đảng - Dân, hướng tới thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu xếp loại xuất sắc, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, ngày 21/11/2022 Thành ủy Hải Phòng đã ban thành Chỉ thị số 15-CT/TU về đẩy mạnh thực hiện dân chủ theo phương phâm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực để phát triển thành phố; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.