Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 55322
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Điều trị bệnh phân trắng cho tôm (14/08/2019)

              Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ dày, cải tạo ao không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật… là những yếu tố làm cho bệnh phân trắng trên tôm lây lan nhanh làm giảm năng suất, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.

1. Nguyên nhân

Phân trắng là loại bệnh phổ biến trong tôm nuôi, thường bắt đầu gặp từ thời điểm tôm nuôi được 40 ngày trở đi; có nhiều tác nhân có thể gây bệnh: Thức ăn kém chất lượng hoặc bị nấm mốc, độc tố; Tảo độc; Ký sinh trùng; Nhóm vi khuẩn Vibrio...

2. Triệu chứng

Những con tôm bị nhiễm bệnh nặng sẽ trở nên sậm màu hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan tụy và đường ruột sẽ đổi thành màu trắng. Với các biểu hiện cụ thể như sau:

- Tôm yếu ăn (hoặc bỏ ăn nếu bị bệnh nặng), phân tôm nổi lên mặt nước và tập trung nhiều ở cuối hướng gió. Khi quan sát đường ruột tôm thấy trống thức ăn hoặc thức ăn bị đứt quãng.

- Hệ thống đường ruột bị viêm nhiễm nặng, không hấp thụ được thức ăn, phân tôm có màu trắng, thịt tôm không chứa đầy vỏ, vỏ mềm.

- Bệnh phân trắng nếu phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời, khả năng bắt mồi của tôm sẽ trở lại bình thường; nếu không cường độ bỏ ăn ngày càng cao. Tôm bệnh ngày một gia tăng, đến mức độ nào đó sẽ thấy hiện tượng tôm chết rải rác ở đáy ao, từ vài con đến hàng trăm con/ngày và mỗi ngày một tăng.

3. Điều trị

- Ngừng cho ăn hoàn toàn trong vòng 1 - 2 ngày.

- Chạy quạt tăng cường ô-xy nhiều nhất có thể nhằm hỗ trợ nhanh chóng phân hủy chất thải trong ao nuôi.

- Thay nước sạch đã xử lý 30 - 50% (chú ý thay chậm để không làm tôm sốc).

- Tìm các giải pháp phù hợp để làm giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao (nếu ao thường xuyên xi phông thì dùng chất lắng tụ rồi xi phông sạch ra ngoài. Trường hợp ao không được xi phông trước đó thì chỉ dùng vi sinh, không được làm xáo trộn đáy ao khiến khí H2S khuếch tán vào nước gây chết tôm).

- Sử dụng vi sinh với liều cao gấp 3 lần so với liều bình thường xử lý nước và đáy ao.

- Trộn xen kẽ các nhóm vi sinh tiêu hóa và tỏi (10g/kg) vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh).

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong vòng 5 ngày liên tục.

4. Phòng bệnh

- Ao nuôi cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thả giống. Đối với ao đất, toàn bộ chất cặn bã, bùn phải được loại bỏ hoàn toàn. Nước cấp vào ao nuôi cần phải được xử lý hóa chất để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.

- Kiểm soát Vibrio trong ao bằng cách luôn duy trì nồng độ thấp các chất hữu cơ như: Quản lý lượng thức ăn đúng nhu cầu và theo nhiệt độ nước, xi phông loại bỏ chất thải, duy trì mật độ tảo, sử dụng vi sinh phân hủy các chất hữu cơ đáy ao và nước.

- Cho ăn lượng thức ăn theo nhiệt độ nước: Khi nhiệt độ nước tăng cao > 320C, tôm thường ăn nhiều hơn nhưng thời gian thức ăn đi qua hệ thống tiêu hóa rất ngắn làm tăng lượng chất thải trong ao. Nhiệt độ cao cũng làm vi khuẩn phát triển nhanh hơn. Do vậy, khi nhiệt độ nước tăng cao, không tăng lượng thức ăn theo cách kiểm tra bằng sàng, vó thông thường.

- Chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, thức ăn có chất lượng, đầy đủ dưỡng chất. Cho tôm ăn thức ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi, với lượng thức ăn phù hợp và không bị dư thừa. Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố.

- Bổ sung đầy đủ các chất tăng cường sức khỏe của tôm như vitamin, men vi sinh và khoáng chất thiết yếu. Kiểm soát tốt các loài tảo độc, độ kiềm trong ao.

- Luôn duy trì cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong ao bằng việc bổ sung thường xuyên vi sinh và duy trì hàm lượng ô-xy thấp nhất là 3,5 - 4 ppm.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam