Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7818
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và đời sống

Dùng thuốc hạ sốt sai hại sức khỏe trẻ (05/07/2019)

             Cha mẹ rất lo lắng khi con bị sốt, đặc biệt sợ sốt cao liên tục có thể xảy ra các cơn co giật. Nhưng hạ sốt không đúng, dùng quá nhiều loại thuốc hạ sốt có thể gây tác hại đến sức khỏe của trẻ.

 

Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ em trong nhiều bệnh cảnh khác nhau. Trong từng trường hợp cụ thể, cần xem xét kỹ để tìm nguyên nhân trẻ bị sốt. Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần phải biết cách để tránh tổn hại sức khỏe của trẻ.

 

Dùng nhiều loại thuốc gây độc cho gan

 

Đối với trẻ nhỏ paracetamol được ưu tiên lựa chọn đầu tiên vì có tác dụng hạ sốt nhanh và dung nạp tốt. Khi trẻ sốt cao việc dùng paracetamol phải tuân theo liều lượng quy định là 15mg cho mỗi kg cân nặng trong mỗi tiếng, tức là mỗi 6 tiếng cho trẻ dùng 1 lần. Ví dụ trẻ nặng 20 kg thì cứ cách 6 giờ cho trẻ dùng 300mg paracetamol, không nên nôn nóng cho trẻ dùng nhiều loại thuốc hạ sốt sẽ dẫn đến vượt quá liều quy định. Paracetamol dùng liều cao liên tục gây độc gan. Cho dù dùng dạng hạ sốt nào cũng cần quan tâm đến tổng liều paracetamol xem có vượt quá ngưỡng quy định hay không. 

 

Ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, còn có các biện pháp vật lý không dùng thuốc để hạ nhiệt. Nếu nhiệt độ của trẻ vượt quá 38,5 độ C, cần cho trẻ mặc quần áo mỏng nhẹ, thấm mồ hôi, phòng cần thoáng nhưng phải kín gió. Cho trẻ uống nhiều nước, có thể là nước Oresol pha đúng hướng dẫn. Nên dùng khăn thấm nước để lau người cho bé, nhất là các bộ phận như nách, bẹn. có thể cho trẻ tắm trong chậu ở nơi kín gió với nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ khoảng 2 độ C. Nhiều bà mẹ sợ khi trẻ đang sốt thì không đụng đến nước nhưng đây chính là biện pháp hạ sốt tốt nhất. Không chườm đá hay dầu gió và tránh gió cho trẻ. Nếu trẻ vẫn tiếp tục sốt cao, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Cẩn thận dị ứng miếng dán

 

Hiện nhiều người thích dùng miếng dán hạ sốt cho con, tuy nhiên biện pháp này không khuyến khích vì đôi khi làm hại da trẻ, nhất là với những trẻ đã bị dị ứng, mẩn đỏ. Đa số các miếng dán hạ sốt tạo cảm giác mát lạnh, chứa thành phần hydrogel, một số loại có tinh dầu vì thế khi đắp lên trán bé có thể có cảm giác khó chịu.

 

Miếng dán hạ sốt chỉ là dùng ngoài da nên khả năng chữa sốt rất hạn chế, không giải quyết tận gốc đến cơ chế điều nhiệt của cơ thể như thuốc hạ sốt.

 

Hiện chưa có công trình khoa học nào chứng minh miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt ở cả trẻ em và người lớn. Một số trường hợp sốt quá cao mà chỉ cho hạ sốt bằng miếng dán, trẻ có thể bị co giật.

 

Nhiều bệnh tránh dùng thuốc nhét

 

Trẻ bị sốt có thể dùng nhiều dạng thuốc khác nhau, không nhất thiết phải dùng đường uống. Đối với dạng tiêm chỉ dùng trong bệnh viện hoặc cơ cở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu chống sốc. Dạng thuốc nhét hậu môn có nhiều ưu điểm vì bé ít bị nôn trớ, tác dụng nhanh.

 

Cách sử dụng thuốc nhét hậu môn rất đơn giản: để viên thuốc trong ngăn mát tủ lạnh vài phút, bóc viên thuốc, cắm viên thuốc hướng đầu đạn vào hậu môn. Trước khi đặt thuốc cần vệ sinh sạch sẽ hậu môn của trẻ. Đặt tư thế dốc lên để dễ dàng đặt thuốc và phải nhẹ nhàng khi đặt. Có những trường hợp cháu bé gồng người lên khi đặt thuốc nên bố mẹ dùng sức để đưa thuốc vào hậu môn làm cho trẻ đau. Ngoài ra, khi bị bệnh tiêu chảy, bệnh gan, bị bệnh về thận... hay dị ứng thuốc paracetamol thì không nên dùng thuốc đặt hậu môn.

 

Nguồn: Khoa  học đời sống