Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 53491
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

FingerReader: Thiết bị đọc sách dành cho người khiếm thị (19/09/2014)

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm thuộc Học viện MIT cho biết họ vừa phát triển thành công một thiết bị có khả năng trợ giúp người bị khiếm thị. Thiết bị đeo mới có tên gọi FingerReader, được thiết kế dưới hình dạng của một chiếc nhẫn đeo trên ngón tay trỏ và sử dụng một camera tích hợp và bộ truyền động xúc giác để đọc to chữ khi người sử dụng lần theo từng dòng chữ in.

Các nhà nghiên cứu cho biết sử dụng FingerReader mang lại cảm giác tự nhiên hơn các giải pháp hỗ trợ tương tự hiện có trên thị trường. Theo các nhà nghiên cứu, các sản phẩm như: bút đọc chữ, máy quét và các ứng dụng như TextGrabber và ZoomReader với khả năng hỗ trợ người khiếm thị thông qua hình thức xử lý văn bản cần được cải thiện dựa trên kinh nghiệm của người sử dụng.

FingerReader được thiết kế với chức năng kết hợp phản hồi âm thanh theo thời gian thực với cảm giác xúc giác tự nhiên khi lần đầu ngón tay dọc theo đường văn bản in, do đó, người sử dụng sẽ cảm nhận việc đọc thực tế hơn, tự nhiên hơn.

Người khiếm thị sử dụng FingerReader rất dễ dàng, với các cử chỉ quen thuộc và hoạt động theo thời gian thực, tuân theo tốc độ dò của ngón tay.

Mỗi khi sử dụng, người dùng đeo thiết bị vào ngón tay như đeo nhẫn. Sau đó, dò ngón tay theo dòng văn bản được in trên sách, báo, tạp chí… camera trên thiết bị sẽ quét và đọc to văn bản lên theo tốc độ dò ngón tay của người dùng.

Sử dụng thuật toán quét nhiều từ cùng lúc, thiết bị sẽ rung lên hoặc phát âm thanh cảnh báo người dùng mỗi khi họ chuyển dòng hay dò ngón tay ra sai vị trí dòng đang được quét.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng cho biết chiếc nhẫn đặc biệt này có khả năng hoạt động tìm kiếm từ gần như là ngay lập tức, trong khi, với các giải pháp tương tự khác, người sử dụng có thể mất một vài phút để phát hiện, dò từ, phụ thuộc vào sự thay đổi của điều kiện ánh sáng và môi trường.

Các nhà nghiên cứu cho biết tiềm năng của FingerReader không chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ người khiếm thị mà còn có thể giúp họ phát âm từ trong nhiều ngôn ngữ khác nhau cũng như hướng dẫn phương pháp đọc cho trẻ em.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy mặc dù chưa được trang bị chức năng dịch các ngôn ngữ khác theo thời gian thực, FingerReader hoàn toàn có thể cạnh tranh, thậm chí là đánh bại các ứng dụng smartphone khác với cùng mục đích hiện có.

Hiện FingerReader chỉ đơn thuần là một mẫu thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu cho biết họ hy vọng một ngày nào đó, đối tượng sử dụng thiết bị không chỉ dừng ở mức 3% dân số Hoa Kỳ bị khiếm thị mà sẽ được mở rộng, bao gồm cả người già, thanh niên, sinh viên ngoại ngữ và khách du lịch.

Mục tiêu của họ giờ đây là phát triển FingerReader lên mức độ cao hơn, bao gồm các tiêu chí: nhanh hơn, đáng tin cậy hơn và nhỏ gọn hơn, đồng thời nghiên cứu phương thức thúc đẩy, nâng cao thiết bị thông qua kết nối với các thiết bị di động.

Nguồn: www.vista.vn (Theo www.gizmag.com)