Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 20304
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Giải pháp bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố Hải phòng đến năm 2030 (27/02/2024)

Lễ hội là một dạng thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng địa phương nơi sản sinh ra nó nói riêng và của dân tộc nói chung. Lễ hội là sự tổng hòa của các yếu tố linh thiêng và trần tục được thể hiện thông qua những nghi thức tế lễ mang tính quy chuẩn, trang nghiêm và phần hội vui tươi, hấp dẫn, mang tính cố kết cộng đồng và giải trí cao. Lễ hội cũng chính là dịp để nhân dân thành kính tưởng nhớ đến công đức của các vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, cũng là dịp để người dân chiêm ngưỡng các nghi thức thể hiện rõ nét truyền thống văn hóa tốt đẹp đặc trưng của từng vùng miền.

Lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa mang tính hệ thống, tính phức hợp, một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, bao gồm gần như tất cả các phương diện khác nhau của đời sống xã hội của con người: sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội, các sinh hoạt diễn xướng dân gian. Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, trong đó có thành phố Hải Phòng, hằng năm diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ. Bên cạnh những mặt tích cực, không ít lễ hội xa dần nội dung truyền thống hoặc bị thương mại hóa, công tác quản lý Nhà nước bất cập hoặc buông lỏng. Nhằm nhận diện nội dung, giá trị của lễ hội truyền thống và đề xuất các giải pháp bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị lễ hội tryền thống trên địa bàn thành phố Hải Phòng, năm 2019 Bảo tàng Hải Phòng đã thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Đề xuất giải pháp bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030”,CN. Đỗ Xuân Trung làm chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá với kết quả đạt loại Xuất sắc năm 2020.

Nghiên cứu cho thấy, Hải Phòng, thành phố duyên hải bên bờ biển Đông của Tổ quốc cũng mang trong mình một khối lượng không nhỏ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc trong đó lễ hội truyền thống Hải Phòng như một đại diện tiêu biểu cho văn hóa và phong vị của vùng đất miền biển và con người Hải Phòng. Qua bao năm tháng, lễ hội truyền thống Hải Phòng được phục hồi, được sống lại với không gian thiêng liêng của phần lễ, với không khí hào sảng, mạnh mẽ, đậm chất văn hóa của người dân miền biển qua phần hội, với niềm tin tâm linh, với lòng tự hào và ngưỡng vọng về truyền thống đánh giặc ngoại xâm, dựng làng, dựng nước, đối ứng với thiên nhiên và cải biến cuộc sống từ bàn tay tạo dựng của cha ông. Bao truyền thống tốt đẹp ấy đã đúc kết thành những giá trị độc đáo của lễ hội truyền thống Hải Phòng được nhân dân và du khách thập phương biết đến, trầm trồ mỗi lần nhắc tới với những cái tên tiêu biểu như: Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu Hoàng Châu, hội Vật làng Vĩnh Khê, lễ hội Minh Thề, Lễ hội Vật cầu Kim Sơn…

Bầu không khí trang nghiêm của buổi khai hội diễn ra tại lễ hội Hải Phòng Minh Thề. (Ảnh: Báo Văn Hóa)

Hiện nay, thành phố Hải Phòng có 463 lễ hội truyền thống, được bảo tồn và thực hành ở 14/15 quận huyện. Các lễ hội truyền thống rất phong phú về số lượng, đa dạng cả về loại hình, địa điểm, thời gian, không gian, quy mô tổ chức đến các nhân vật được vinh danh, thờ tự và nghi thức, nghi lễ nhưng lại có những nét rất đặc thù riêng biệt. Các lễ hội truyền thống ở Hải Phòng có đặc điểm gắn liền với lịch sử vùng đất, quá trình mở đất, lập làng; gắn với các anh hùng dân tộc, những nhân vật lịch sử có công với quê hương, đất nước; gắn với Phật giáo; lễ hội truyền thống Hải Phòng quy chuẩn về nghi lễ, phong phú về sinh hoạt cộng đồng và mang đặc trưng văn hóa biển.

Nghiên cứu đã phân tích, làm rõ thực trạng bảo tồn các hoạt động lễ hội; bảo tồn di tích, không gian tổ chức lễ hội; công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học lễ hội truyền thống. Báo cáo chỉ ra thực trạng quản lý lễ hội truyền thống trên các mặt: công tác chỉ đạo, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lễ hội truyền thống; các cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức lễ hội truyền thống; công tác thanh, kiểm tra, quản lý tài chính trong lễ hội truyền thống. Báo cáo cũng đánh giá thực trạng phát huy lễ hội truyền thống ở các mặt: sự tham gia của cộng đồng đối với lễ hội truyền thống; công tác tuyên tuyền, quảng bá lễ hội truyền thống và phát huy gắn với hoạt động du lịch.Bên cạnh những mặt tích cực, không ít lễ hội phát triển xa dần nội dung truyền thống hoặc bị thương mại hóa, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập và buông lỏng, nhiều lễ hội chưa được chú trọng bảo tồn, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học thể để đưa vào Danh mục lễ hội truyền thống quốc gia...

Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đã làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị lễ hội truyền thống và đề xuất các nhóm giải pháp bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị lễ hội truyền thống cụ thể:

Một là, Đối với hoạt động bảo tồn lễ hội truyền thống, thực hiện quán triệt sâu sắc và toàn diện về chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước về công tác bảo tồn; thực hiện kiểm kê khoa học, lập hồ sơ khoa học các lễ hội truyền thống tiêu biểu đề nghị công nhận và ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tổ chức hội thảo lấy ý kiến để xây dựng đề án bảo tồn, phát huy; không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về việc bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp về bảo tồn lễ hội truyền thống; Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo tồn lễ hội truyền thống trong nhân dân.

 Hai là, Đối với hoạt động quản lý lễ hội truyền thống, cần xây dựng mô hình tổ chức cũng như cơ chế chính sách trong việc quản lý lễ hội, cần tổ chức lễ hội phù hợp với đặc trưng và yếu tố văn hóa, lịch sử cũng như tâm linh có trong lễ hội; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và cộng đồng dân cứ đối với việc quản lý lễ hội, chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội, trân trọng và tích cực chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng hiện nay; tăng cường công tác quản lý di tích lịch sử nơi diễn ra lễ hội; thanh kiểm tra tài chính, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong hoạt động lễ hội.Việc tổ chức lễ hội phải phù hợp với yêu cầu và khả năng thực tế của địa phương; khai thác nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, đóng góp cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lễ hội.

Ba là, Đối với hoạt động phát huy giá trị lễ hội truyền thống, cần phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng để phát huy giá trị lễ hội truyền thống, lễ hội truyền thống là một sản phẩm mang tính lịch sử, văn hóa của cộng đồng dân cư nơi sản sinh ra nó chính cộng đồng là chủ thể của lễ hội truyền thống, là người trực tiếp lưu giữ, thực hành, bảo vệ, phát huy và thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần do lễ hội truyền thống mang lại; tăng cường tuyên truyền, quảng bá về nguồn gốc, nội dung, giá trị lễ hội; cần phát huy giá trị lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch, sự kết hợp giữa lễ hội và di tích lịch sử – văn hoá đã tạo nên sự hấp dẫn kỳ diệu đối với du khách, giúp khai thác tốt hơn các loại hình du lịch.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài “Đề xuất giải pháp bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030” sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho các cán bộ quản lý ở các địa phương có lễ hội trong việc bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị lễ hội truyền thống. Các lễ hội được thực hành, bảo tồn, quản lý, phát huy theo đúng nghi thức truyền thống đảm bảo không bị sai lệch, biến dạng. Đề tài khoa học này cũng là cơ sở để hoạch định các chính sách đối việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung cũng như giá trị di sản lễ hội truyền thống nói riêng của thành phố Hải Phòng, góp phần phát triển kinh tế du lịch tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư nơi diễn ra lễ hội. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.