Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 20408 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Giải pháp phòng ngừa và can thiệp trầm cảm sau sinh tại Hải Phòng (28/02/2024)
Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm thần thường gặp ở phụ nữ, bệnh thường xuất hiện trong vòng 4 tuần đến 1 năm sau sinh. Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh có biểu hiện suy nhược cơ thể, lo lắng, mất ngủ, kém tập trung, thờ ơ với bản thân, không chăm sóc con và gia đình, nặng hơn bà mẹ có thể có ý nghĩ và hành vi tự sát. Những vấn đề về trầm cảm sau sinh đã được nghiên cứu bao gồm: tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng hoặc các quần thể có nguy cơ cao, các test sàng lọc trầm cảm sau sinh, các yếu tố nguy cơ của bệnh, tiến triển của trầm cảm sau sinh và những ảnh hưởng của nó đến bà mẹ, trẻ sơ sinh, gia đình và xã hội, các biện pháp phòng ngừa, các biện pháp điều trị và theo dõi sau điều trị. Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 10% những phụ nữ đang mang thai và 13% phụ nữ sau sinh có rối loạn tâm thần, chủ yếu là trầm cảm.
Các triệu chứng trầm cảm sau sinh bao gồm: Suy nhược cơ thể: người phụ nữ cảm thấy buồn chán, tương lai ảm đạm, vô vọng sau sinh, khóc nhiều và rất dễ khóc mà không có lý do. Mất quan tâm, hứng thú, cảm thấy mệt mỏi nhiều sau một công việc rất nhỏ, thờ ơ với công việc nhà, thậm chí là vệ sinh cá nhân; Lo lắng: đây là triệu chứng hay gặp của trầm cảm sau sinh. Sản phụ có thể lo cho bản thân, cảm giác ám thị là mình bị đau hoặc bị bệnh nặng không chữa được và bi quan. Một số trường hợp lo lắng cho con, nghĩ con cũng bị bệnh hoặc không có tương lai; Căng thẳng, hoảng hốt: dễ hoảng hốt với các tình huống hàng ngày. Cảm thấy căng thẳng, dễ cáu gắt, bực tức với người xung quanh; Cảm giác bị tội: một số trường hợp có cảm giác có lỗi khi chăm sóc em bé, cảm giác không xứng đáng với vai trò làm mẹ. Họ có thể có cảm giác ám ảnh về một người hoặc một việc gì đó, cảm thấy thiếu tự tin khi đi ra ngoài, tiếp xúc với người khác, vì vậy họ có xu hướng thu mình lại, giảm giao tiếp với cả người thân kể cả qua điện thoại hoặc thư từ; Mất tập trung: người bị trầm cảm sau sinh thường giảm trí nhớ, giảm độ tập trung khi đọc sách, xem tivi hoặc khi nói truyện. Giảm khả năng diễn đạt chính xác khi nói hoặc viết; Mất ngủ: mất ngủ là triệu chứng thường gặp của trầm cảm sau sinh. Bệnh nhân thường rất khó ngủ, ngủ chập chờn, thậm chí không thể ngủ được trong nhiều giờ. Càng mất ngủ cơ thể càng suy nhược, căng thẳng và bệnh càng trầm trọng hơn; Suy giảm tình dục: một số trường hợp cảm thấy mất hứng thú tình dục, sợ tiếp xúc với chồng; Các triệu chứng tâm lý khác như cảm giác chán ăn, bỏ bữa hoặc ngược lại, ăn rất nhiều, luôn thèm ăn, lòng tự trọng thấp.
Phụ nữ mang thai và sau sinh cần được sàng lọc và phát hiện trầm cảm – từ cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và cơ sở y tế. Các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ phụ nữ mang thai và sau sinh trầm cảm cần có sự kết nối và được phổ biến rộng rãi mới có thể giảm được tỷ lệ trầm cảm sau sinh. Trong bối cảnh chung của cả nước, sự tham gia của y tế tuyến xã, huyện ở Hải Phòng vào mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế, thường những sản phụ trầm cảm sau sinh chỉ đến khám và điều trị ở bệnh viện Tâm thần khi ở giai đoạn muộn. Đến thời điểm nghiên cứu, vẫn chưa có một nghiên cứu nào về trầm cảm sau sinh được tiến hành ở địa bàn Hải phòng. Với mục tiêu đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phòng ngừa và can thiệp trầm cảm sau sinh ở Hải Phòng, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố: “Đánh giá thực trạng trầm cảm sau sinh tại Hải Phòng, đề xuất giải pháp phòng ngừa và can thiệp”, ThS. Đào Thị Hải Yến làm chủ nhiệm, đề tài được nghiệm thu đánh giá năm 2020.
Quy trình sàng lọc trầm cảm trước sinh.
Nghiên cứu tiến hành khảo sát 1000 sản phụ sau sinh trong khoảng thời gian 4 tuần đến 1 năm, sống tại Hải Phòng, đưa con đi tiêm chủng mở rộng tại 30 cơ sở y tế xã phường và 300 nhân viên y tế. Độ tuổi trung bình của các đối tượng tham gia nghiên cứu là 28,33 tuổi. Trong đó phần lớn nằm ở nhóm tuổi 25 - 35 với 623 người chiếm 62,3%, tiếp đó là nhóm 18 - 25 với 241 người chiếm 24,1%. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trầm cảm sau sinh ở những sản phụ sau sinh năm 2019 tại Hải Phòng là 14,3%; tuổi được cho là một yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh nhất là mang thai ở các độ tuổi đặc biệt như tuổi vị thành niên hoặc phụ nữ lớn tuổi; các yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh là: tình trạng trẻ khóc đêm, giới tính của trẻ không như ý, bệnh lý sau sinh, trình độ học vấn của mẹ thấp, thu nhập bình quân của mẹ thấp.
Nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp phòng ngừa và phát hiện sớm trầm cảm sau sinh tại Hải Phòng dựa trên thực tế địa phương và kết quả nghiên cứu cung cấp. Quy trình áp dụng cho các sản phụ sẽ bao gồm 2 bước: Bước 1: Dự phòng trầm cảm sau sinh cho thai phụ quản lý thai nghén tại tuyến; Dự phòng trầm cảm sau sinh cho thai phụ ngay sau sinh đang nằm viện; Dự phòng trầm cảm sau sinh trong 1 năm cho các đối tượng sau sinh đưa con tiêm chủng tại cơ sở y tế. Bước 2: Sàng lọc phát hiện sớm trầm cảm sau sinh cho các đối tượng trên bằng test EDP. Quy trình đề xuất giải pháp phối hợp các cơ sở y tế sàng lọc, can thiệp gồm 4 bước. Bước 1: Sàng lọc đối tượng nguy cơ cao trước sinh chuyển tư vấn điều trị. Bước 2: Sàng lọc tất cả các đối tượng ngay sau sinh trong thời gian nằm viện tại khoa sản và Bệnh viện sản. Bước 3: Sàng lọc tất cả các sản phụ sau sinh đưa con đi tiêm chủng mở rộng ở các cơ sở y tế. Bước 4: Phát hiện sản phụ có điểm test sàng lọc cao chuyển bệnh viện chuyên khoa tâm thần.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị cần phải: Triển khai khám sàng lọc đối với các sản phụ sau sinh tại các cơ sở y tế, đồng thời khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ cao để có thể phát hiện sớm và đưa ra hường xử trí kịp thời góp phần giảm tỷ lệ sản phụ mắc trầm cảm sau sinh; Thực hiện tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để mọi người có cái nhìn đúng đắn về trầm cảm sau sinh và cùng chung tay góp phần giảm tỷ lệ sản phụ mắc trầm cảm sau sinh để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra; Các nhà quản lý nên xây dựng kế hoạch, chính sách có cơ sở để đưa ra những quyết định liên quan đến phát hiện sớm, quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh trầm cảm sau sinh; Tiến hành sàng lọc trầm cảm trước sinh cho thai phụ tại các cơ sở y tế có quản lý thai nghén (cả công lập và tư nhân) bằng test EDPS. Tiến hành tư vấn và triển khai bài nói về trầm cảm sau sinh tại các lớp tiền sản.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)