Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 18715
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Hai học sinh lớp 10 biến vật phế thải thành thiết bị quan sát phóng xạ (29/05/2015)

Thiết bị quan sát sự chuyển động của hạt phóng xạ do hai học sinh Trường THPT Đơn Dương (Lâm Đồng) chế tạo thành công chủ yếu từ các vật thải trong cuộc sống hằng này. Giá thành của thiết bị này cũng không quá 150.000 đồng khiến mọi người ngạc nhiên, thán phục.

 

 

 

Hai học sinh Bảo Khang và Thanh Hải bên thiết bị quan sát sự chuyển động của hạt phóng xạ.

 

Tác giả là hai em Phạm Trần Bảo Khang và Nguyễn Thanh Hải, học sinh lớp 10. Trước đó, nhà trường phát động cuộc thi thiết kế, chế tạo thiết bị học tập dành cho học sinh toàn trường. Cô Nguyễn Thị Thanh Nga, giáo viên Vật lý, cũng là người hướng dẫn lý thuyết đề tài trên cho hai học sinh Bảo Khang và Thanh Hải cho biết, vốn là người đam mê môn Vật lý nên khi nghe nhà trường phát động cuộc thi, hai học sinh này lập tức bắt tay vào tìm hiểu và cuối cùng các em quyết định chọn đề tài chế tạo thiết bị quan sát sự chuyển động của hạt phóng xạ. “Đây là đề tài không dễ đối với học sinh lớp 10, đặc biệt là việc tìm kiếm nguồn phóng xạ để quan sát từ thiết bị đã chế tạo”, cô Nga cho biết.

Tuy nhiên, niềm đam mê đã thắng. Hằng ngày, một buổi tới trường học, buổi còn lại hai em tìm đến nhiều nơi trong thị trấn tìm mua lại những vật liệu cần thiết, chủ yếu là những vật thải không còn giá trị sử dụng, đó là hộp nhựa, đĩa nhôm, dải mút, cồn 90 độ, giấy bạc và đèn pin… Khó khăn nhất trong lúc thực hiện đề tài là hai em không tìm đâu ra loại đá khô dù đã rong ruổi khắp nơi trong huyện Đơn Dương, phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhà trường. Cuối cùng, để có được loại đá này, ba cô trò phải đặt mua từ TP Hồ Chí Minh.

Sau 3 tháng chế tạo với sự tư vấn về lý thuyết của cô Nguyễn Thị Thanh Nga, thiết bị quan sát sự chuyển động của hạt phóng xạ đã hoàn thành. Thế nhưng, khi thiết bị đã xong thì không có nguồn phóng xạ để quan sát, trong khi phóng xạ ở tự nhiên hầu như không có. Vậy là cô trò lại phải liên hệ với Trung tâm đào tạo, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nhờ sự giúp đỡ về nguồn phóng xạ.

Có được nguồn phóng xạ nhưng khi đưa vào thiết bị thì không quan sát được, năm lần bảy lượt thử lại kết quả đều như thế. “Hết lần này đến lần khác thiết bị đều bị lỗi. Khi thì chưa chính xác, khi thì thiếu chi tiết này chi tiết kia. Mỗi lần như vậy tụi em phải làm lại từ đầu, cắt gọt tỉ mỉ hơn, dán keo kỹ càng hơn. Cứ sau một lần thất bại, tụi em lại rút kinh nghiệm dần dần” – Bảo Khang kể lại. Còn cô Nga thì cho biết, học sinh lo một thì cô lại lo mười. Cô từng nhiều lần mất ngủ để tìm cách giúp học sinh của mình hoàn thành đề tài một cách hiệu quả.

Thế rồi, một ngày của tháng thứ 7 kể từ khi hai em bắt tay vào công việc chế tạo thiết bị quan sát sự chuyển động của hạt phóng xạ thì niềm vui của 3 cô trò vỡ òa. “Giây phút đó chúng em sung sướng không thể nào tả xiết khi chứng kiến những hạt phóng xạ từ từ chuyển động thông qua thiết bị quan sát do chính chúng em chế tạo ra…” - Bảo Khang cho biết - “Dưới tác dụng làm lạnh của đá khô được đặt phía dưới và bên ngoài (tiếp xúc với tấm kim loại) của hộp thí nghiệm, hơi cồn bên trong hộp di chuyển xuống và được làm lạnh đến khi đạt trạng thái bão hòa. Các hạt điện tích (hạt anpha, beta) chuyển động xuyên qua môi trường hơi cồn bão hòa này sẽ sinh ra các hạt ion dương và ion âm. Các hạt này sẽ tạo thành các tâm ngưng tụ và tạo thành một vệt khi rọi ánh sáng vào. Và chúng ta có thể quan sát được đường đi của các hạt tia phóng xạ di chuyển tạo ra”.

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2015, đề tài “Chế tạo thiết bị quan sát chuyển động của các hạt phóng xạ” của Bảo Khang và Thanh Hải nhận được hai giải thưởng: Giải nhì chung cuộc và nhì lĩnh vực.

Thầy Thái Anh Long, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đơn Dương: “Ưu điểm  của mô hình là đơn giản, rẻ tiền và dễ làm. Tính ứng dụng cao. Nhà trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các em phát triển khả năng nghiên cứu khoa học, hỗ trợ để các em đầu tư hoàn thiện, đưa thiết bị này vào ứng dụng trong các hoạt động dạy học vật lí 12”. Theo thầy Long, thường các trường phải nhập thiết bị này từ Nhật Bản với giá khoảng 60 USD, còn thiết bị do hai học sinh Trường THPT Đơn Dương chế tạo chỉ mất khoảng 150.000 đồng.

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn