Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11561
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Hành trình chống biến đổi khí hậu: Từ Paris tới Glasgow (01/11/2021)

Hiệp định Paris năm 2015 là một thành công mang tính biểu tượng cao trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, tuy nhiên, thực hiện Hiệp định Paris như thế nào lại là cả một câu chuyện dài.

Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại Công viên quốc gia Yosemite, California, Mỹ, ngày 10/9/2014.

Tháng 12/2015, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra ở Paris, Pháp, trở thành một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Thỏa thuận đạt được sau hai tuần đàm phán căng thẳng với các phiên họp kín kéo dài suốt đêm, được xem như một cột mốc mang tính lịch sử. Nội dung chính của thỏa thuận là hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Một nội dung quan trọng nữa là từ thời điểm đó đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiệp định Paris sẽ là văn bản thay thế khi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu hết hiệu lực vào cuối năm 2020.

Kể từ COP 21, thế giới đã trải qua một hành trình dài với không ít thăng trầm để “hiện thực hóa” Hiệp định Paris. Ngay tại COP 22 ở Maroc năm 2016, các nước đã thông qua kế hoạch sơ bộ thực hiện Hiệp định Paris.

Tại COP 23 ở Bonn (Đức) tháng 12/2017, các bên nhất trí giữ vững cam kết đầy tham vọng đạt được tại Pháp, bất chấp Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris từ tháng 11/2019

Ấn tượng nhất là COP 24 tại Ba Lan năm 2018, khi các bên vượt qua rất nhiều bất đồng để thống nhất Chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris. Chủ tịch COP 24 Michal Kurtyka đã gọi việc thông qua lộ trình thực hiện Hiệp định Paris là “thời khắc lịch sử,” là cột mốc đánh dấu việc thỏa thuận đạt được tại Pháp 3 năm trước chính thức có giá trị, với những quy tắc cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia trong nỗ lực ngăn sự ấm lên của Trái Đất.

Tuy nhiên, năm 2019 đã chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris, trong khi COP 25 tại Madrid (Tây Ban Nha) lún sâu vào chia rẽ sâu sắc về trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mọi hy vọng khi đó đặt vào Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), dự kiến diễn cuối năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến hội nghị quan trọng này không được tổ chức đúng kế hoạch.

Khí thải tại tháp làm mát của một nhà máy điện ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Có thể nói Hiệp định Paris năm 2015 là một thành công mang tính biểu tượng cao trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, thực hiện Hiệp định Paris như thế nào lại là cả một câu chuyện dài.

Mỗi quốc gia đều có cách diễn đạt cũng như kế hoạch khác nhau về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân chủ yếu khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên.

Bên cạnh đó, một số quốc gia giàu có và nắm giữ nhiều công nghệ tối ưu lại cố tình “phớt lờ” trách nhiệm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Hậu quả là biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp tới mức"Tình trạng khẩn cấp về khí hậu."

Sau 1 năm bị trì hoãn, COP 26 sẽ khai mạc ngày 31/10 tại Glasgow, trong bối cảnh thiên tai và thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu đã tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước.

Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, thế giới đã phải chứng kiến nhiều đợt thiên tai liên tiếp do biến đổi khí hậu gây ra. Đợt sương giá muộn vào tháng 4 đã tàn phá nghề trồng nho của Pháp. Nhiệt độ nắng nóng tăng lên đến 49,6 độ C vào ngày 29/6 ở thị trấn nhỏ Lytton của tỉnh British Columbia (Canada) làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương.

Những cơn mưa xối xả nhấn chìm nhiều vùng của Đức và Bỉ vào tháng 7. Trong suốt mùa Hè qua, các vụ cháy rừng kỷ lục ở miền Tây nước Mỹ, Siberia của Nga và vành đai Địa Trung Hải gần như đã biến mọi thứ thành tro bụi.

Còn nữa, sức tàn phá của siêu bão Ida hoành hành từ Louisiana đến Mississippi, sang tận bờ Đông nước Mỹ vào tháng 9, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), siêu bão này thậm chí có thể “soán ngôi” siêu bão Katrina từng gây thiệt hại 163 tỷ USD cho nước Mỹ và được coi là thảm họa thiên nhiên đắt giá nhất trong lịch sử.

WMO cho biết từ năm 1970 đến 2019, hơn 11.000 thảm họa khí hậu đã được ghi nhận, tức là trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày có một thảm họa.

Các thảm họa trên đã cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người và gây thiệt hại vật chất lên đến 3.640 tỷ USD. Hơn 91% trường hợp tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.

Hạn hán là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn nhất về nhân mạng, tiếp theo là giông bão, lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt. Giới chuyên gia khẳng định việc gia tăng các thảm họa này có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính mà nguồn gốc từ con người gây ra.

Năm 2014, theo sáng kiến của nhà khí hậu học Friederike Otto ở Đại học Oxford và Giáo sư Geert Jan van Oldenborgh ở Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan, một ngành học mới có tên "Nghiên cứu giới hạn khí hậu thế giới" (World Weather Attribution - WWA) đã ra đời, nhằm tính toán, xác định mức độ tác động do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra, để từ đó có thể dự báo và triển khai các biện pháp phòng tránh một cách hiệu quả nhất, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của.

Với sự hợp tác và hỗ trợ của một mạng lưới các nhà khoa học và nghiên cứu trên toàn thế giới, kể từ nghiên cứu đầu tiên trong đợt nắng nóng ở châu Âu tháng 7/2015, WWA đã thực hiện được 24 công trình nghiên cứu khác. Kết quả của các nghiên cứu này được tập hợp trong bài báo khoa học “Con đường và cạm bẫy trong giới hạn các hiện tượng cực đoan.”

Tuy nhiên, cùng với sự tham gia của các nhà khoa học, sự vào cuộc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài chính, công nghiệp và lãnh đạo các nước là điều vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Bà Lola Vallejo, Giám đốc chương trình khí hậu tại Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và quan hệ quốc tế (IDDRI), nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ cần phải xem xét những gì các quốc gia đã đặt ra và thực hiện được kể từ khi có Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thống nhất những gì cần hướng tới để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.”

Tại phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an về an ninh khí hậu trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã một lần nữa kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu bởi “cơ hội để ngăn chặn các tác động khí hậu tồi tệ nhất đang đóng lại nhanh chóng”. Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh COP 26 phải là một bước ngoặt cho hành động vì khí hậu.

Phát biểu tại phiên thảo luận trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ biến đổi khí hậu là “mặt trận không tiếng súng” nhưng gây thiệt hại về kinh tế, sinh mạng không kém phần nguy hiểm như chiến tranh, xung đột nóng.

Chủ tịch nước đã chia sẻ 3 nội dung cần tập trung hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm nỗ lực xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động có các chiến lược, biện pháp về ngăn ngừa, xử lý hiệu quả; đặt lợi ích của người dân ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hoà mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo; bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực giúp triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các thỏa thuận quốc tế lớn khác.

Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon như đã cam kết tại COP 21.

Cuối năm 2015, trước nguy cơ COP 21 lâm vào bế tắc, Ngoại trưởng Pháp khi đó Laurent Fabius đã tuyên bố rằng chúng ta có hàng tỷ người song chỉ có một hành tinh để sống là Trái Đất; con người không thể có "kế hoạch B" bởi vì không có "hành tinh B."

Cuối năm 2021, hàng tỷ người vẫn chỉ có một hành tinh để sống, chúng ta không thể có “kế hoạch B.” Thỏa thuận mang tính đột phá đạt được tại Paris năm 2015 cho thấy các nước đã biết hợp sức để tạo ra một khuôn khổ chung, đưa thế giới phát triển đúng hướng một cách bền vững. Đó cũng là thông điệp từ COP 21 ở Paris chuyển tới COP 26 tại Glasgow./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Ngày cập nhật: 30/10/2021

https://www.vietnamplus.vn/hanh-trinh-chong-bien-doi-khi-hau-tu-paris-toi-glasgow/749929.vnp