Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 29986 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học tự nhiên
Hình ảnh chưa từng có về sao Mộc (23/08/2022)
Các nhà khoa học hôm 22/8 công bố những hình ảnh mới nhất về sao Mộc, cho thấy cái nhìn chưa từng có về cực quang và bầu khí quyển.
Hình ảnh trường rộng về sao Mộc được tổng hợp từ dữ liệu do kính James Webb thu thập. Ảnh: NASA/ESA/CSA/ ERS/Ricardo Hueso/Judy Schmidt
Với những cơn bão khổng lồ, gió mạnh, cực quang cùng với điều kiện nhiệt độ và áp suất khắc nghiệt, sao Mộc có rất nhiều điều thu hút các nhà thiên văn học. Giờ đây, siêu kính viễn vọng trị giá 10 tỷ USD của NASA đã chụp được những hình ảnh mới với độ chi tiết đáng kinh ngạc, cung cấp nhiều manh mối hơn nữa về những gì đang diễn ra trên hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời.
Cả hai hình ảnh mới đều là ảnh tổng hợp, có nghĩa là chúng kết hợp nhiều ảnh chụp riêng lẻ từ máy ảnh cận hồng ngoại NIRCam - mỗi hình ảnh sử dụng một bộ lọc khác nhau - thành một hình ảnh duy nhất có độ nét cao.
Trong hình ảnh trường rộng, bạn có thể nhìn thấy các vành đai mờ nhạt của sao Mộc (mờ hơn 1 triệu lần so với hành tinh), cũng như hai mặt trăng của nó: Amalthea là chấm sáng ở ngoài cùng bên trái và Adrastea là chấm mờ ở rìa của vành đai. Những chấm sáng mờ phía sau ba thiên thể nhiều khả năng là các thiên hà.
"Thành thật mà nói, chúng tôi không thực sự mong đợi bức ảnh có chất lượng tốt như vậy", tác giả chính của nghiên cứu Imke de Pater, nhà thiên văn học hành tinh tại Đại học California, Berkeley, nhấn mạnh. "Chúng ta có thể nhìn thấy những chi tiết trên sao Mộc cùng với các vành đai, vệ tinh nhỏ và thậm chí là các thiên hà xa xôi trong cùng một hình ảnh".
Ảnh cận cảnh độ nét cao về sao Mộc, tổng hợp từ dữ liệu kính James Webb. Ảnh: NASA/ESA/CSA/ ERS/Judy Schmidt
Hình ảnh thứ hai cho thấy cái nhìn cận cảnh của sao Mộc, nó sử dụng ba bộ lọc để ghi lại các chi tiết về bầu khí quyển đầy bão của hành tinh, bao gồm cả cực quang ngoạn mục ở hai cực.
Vết Đỏ Lớn, cơn bão nổi tiếng lớn đến mức có thể nuốt chửng Trái Đất, xuất hiện màu trắng sáng trong khung hình, cũng như các đám mây khác, bởi vì chúng phản chiếu rất nhiều ánh sáng mặt trời.
"Độ sáng ở đây biểu thị độ cao, vì vậy Vết Đỏ Lớn cũng như khu vực xích đạo nằm ở độ cao lớn. Nhiều điểm và vệt màu trắng sáng có thể là đỉnh mây ở độ cao rất lớn của các cơn bão đối lưu ngưng tụ", đồng tác giả Heidi Hammel, Phó chủ tịch phụ trách khoa học tạị hiệp hội các trường đại học nghiên cứu về thiên văn AURA, cho biết thêm.
Bạn có thể tự hỏi tại sao màu sắc của những bức ảnh mới không giống như những gì thường thấy về sao Mộc. Đó là bởi Webb quan sát ánh sáng trong dải hồng ngoại, không phải dải ánh sáng nhìn thấy, vì vậy màu sắc của hai ảnh trên không phải là màu chúng ta quan sát bằng mắt thường. Dữ liệu hồng ngoại đã được ánh xạ vào quang phổ ánh sáng nhìn thấy, vì vậy những hình ảnh này là "màu sai", không phải "màu thực".
Nghiên cứu của De Pater và các cộng sự nhằm chứng minh khả năng của Webb trong việc quan sát hệ Mặt Trời, bao gồm chụp ảnh các nguồn sáng và phần mờ nhạt của chúng. Nhóm cũng sẽ nghiên cứu "các lớp mây, gió, thành phần, hoạt động cực quang và cấu trúc nhiệt độ của sao Mộc", cũng như lập bản đồ bề mặt và khí quyển của các mặt trăng Jovian Io và Ganymede.
Đoàn Dương (Theo Space/NASA)
Ngày cập nhật: 23/8/2022
https://vnexpress.net/hinh-anh-chua-tung-co-ve-sao-moc-4502795.html
- Hòn đảo Bắc Cực rộng 1,1 triệu m2 biến mất (18/11/2024)
- Tại sao Nevada sở hữu những mỏ lithium khổng lồ? (12/11/2024)
- Dòng sông khí quyển dịch chuyển về hai cực Trái Đất (05/11/2024)
- El Niño và La Niña đã xảy ra trong 250 triệu năm qua (30/10/2024)
- Phát hiện loài cóc răng mới chỉ có tại Việt Nam (21/10/2024)
- Bão mặt trời cực mạnh "tấn công" Trái Đất ngày 10/10 (15/10/2024)