Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 18686
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Hội chứng lật ngửa và giảm đẻ trên vịt (14/09/2021)

Bệnh do Virus Tembusu gây nên, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, trung gian truyền bệnh là vật nuôi. Bệnh có thể xuất hiện ở các loại gia cầm khác như ngan, ngỗng, gà ở mọi độ tuổi khác nhau với tỷ lệ chết tương đối cao, làm vật nuôi phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất. Ðây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện, chúng tôi xin giới thiệu tới bà con các dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng trừ bệnh.

1. Triệu chứng

Với vịt con

- Biểu hiện rõ nhất là triệu chứng về thần kinh, vịt bị mất thăng bằng, tê liệt chân.

- Ðộ tuổi vịt dễ mắc từ 16 ngày tuổi, 20 ngày tuổi, 25 ngày tuổi, 32 ngày tuổi, 42 ngày tuổi. Bệnh gây ra thiệt hại lên tới 50 - 85% ở vịt đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển 2 - 7 tuần tuổi.

- Các dấu hiệu khác bao gồm chán ăn cấp tính, lờ đờ, chảy nước mũi, tiêu chảy tê liệt. Tỷ lệ mắc bệnh lên tới 90% vịt con và tỷ lệ tử vong 5 - 30%. 

Vịt trên 2 tháng tuổi

- Các dấu hiệu bao gồm chán ăn cấp tính, lờ đờ, tách đàn, chảy nước mũi, tiêu chảy, mất điều hòa và tê liệt. 

- Tỷ lệ bệnh thường cao (lên tới 90%) và tỷ lệ tử vong dao động 5 - 30%. Vịt bị bệnh sau khi khỏi thường chậm phát triển và các dấu hiệu thần kinh.

Vịt sinh sản:

- Ðược đặc trưng bởi sự sụt giảm đáng kể lượng thức ăn thu nhận, tỷ lệ trứng giảm một cách đột ngột. Khởi phát và lây lan của bệnh rất nhanh. 

- Thực tế tất cả dấu hiệu lâm sàng trong một đàn xảy ra trong vòng 7 - 10 ngày. Thay đổi tổng thể bệnh lý xuất hiện chủ yếu ở buồng trứng, bị thoái hóa và biểu hiện xuất huyết.

- Khi virus tác động vào buồng trứng gây ra hội chứng rụng trứng, được đặc trưng bởi sự sụt giảm đáng kể trong việc đẻ và vịt có biểu hiện ủ rũ, chậm chạp, chậm phát triển và các dấu hiệu thần kinh hoặc tử vong ở vịt đẻ và vịt sinh sản bị nhiễm.  

2. Phòng bệnh

- Kiểm soát, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; định kỳ phun sát trùng chuồng trại 2 lần/tuần; phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh trang trại, bãi chăn thả, khơi thông cống rãnh; định kỳ phun thuốc diệt bọ gậy, ruồi muỗi trong và ngoài khu vực chuồng trại.

- Tăng cường sức đề kháng, trợ lực cho vịt bằng cách bổ sung thường xuyên vitamin, điện giải, khoáng, men tiêu hóa.

- Cách phòng bệnh tốt nhất là tuân thủ và thực hiện nghiêm ngặt việc sử dụng vaccine. Hiện, vaccine Tembusu đã có mặt tại Việt Nam. Ðối với vịt con tiêm vaccine  khi vịt 8 - 10 ngày tuổi, liều lượng 0,3 ml/con; Ðối với vịt đẻ, thời gian tiêm vaccine Tembusu trước khi đẻ 1 tháng, liều lượng 1 ml/con.

3. Trị bệnh

Hiện nay bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Ðiều trị bằng thuốc bổ được xem là cách duy nhất nhưng hiệu quả không cao. Tốt nhất bà con nên tăng cường sức đề kháng, trợ lực cho vịt bằng cách bổ sung thường xuyên vitamin, điện giải, khoáng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn, nước uống. Sử dụng kháng sinh phòng các bệnh kế phát./.

                                                         Nguồn: Tạp chí gia cầm