Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 21461
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ mùa (17/06/2021)

Hiện tượng này thường xảy ra vào vụ mùa, vì khoảng thời gian từ làm đất đến gieo cấy ngắn, đất làm không kỹ, rơm rạ chưa kịp thối ngấu. Sau khi gieo cấy, lượng rơm rạ trong đất tiếp tục phân hủy trong điều kiện yếm khí sẽ sản sinh ra các khí H2S, CH4... dẫn đến hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Vì vậy bà con cần nắm rõ kiến thức và thực hiện một số biện pháp sau:

1. Tác hại:

- Khi ngộ độc hữu cơ xảy ra, trước hết sẽ tác động trực tiếp đến hệ rễ lúa làm cho rễ kém phát triển, khả năng hút dinh dưỡng và nước giảm dần, rễ lúa có thể chết nếu không được khắc phục kịp thời, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của cây lúa. Cây lúa đẻ nhánh kém hoặc không đẻ nhánh.

- Nếu bệnh gây hại trong thời gian dài mà không có biện pháp xử lý làm lụi toàn bộ diện tích lúa.

2. Nguyên nhân và các triệu chứng:

- Đây là bệnh sinh lý do bộ rễ thiếu oxy. Cây lúa có khả năng phục hồi tốt khi áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, trừ bệnh.

- Triệu trứng ban đầu là ngọn lá lúa chuyển màu vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới. Nếu bệnh nặng nhiều lá phía trên bị vàng đỏ đến 1/3 lá. Khi nhổ khóm lúa lên thấy bộ rễ thối đen, có mùi tanh hôi, rễ mới không phát sinh, cây lúa ngừng sinh trưởng hoặc đẻ nhánh ít.

- Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở giai đoạn sau cấy - đẻ nhánh rộ.

3. Biện pháp khắc phục:

* Công tác xử lý đất trước khi gieo cấy:

- Là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong việc hạn chế ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ. Sau khi thu hoạch xong bà con cần khẩn trương làm đất ngay đảm bảo đủ thời gian để rơm rạ thối ngấu và kịp khung thời vụ gieo cấy. Tranh thủ cắt gốc rạ, thu gom rơm, rạ ra khỏi ruộng sau thu hoạch.

- Trong thực tế, đa phần các hộ dân chủ yếu gặt ngang lưng cây lúa, lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn. Vì vậy, khi thu hoạch lúa xong nên sử dụng các chế phẩm để xử lý rơm rạ như Phito biomix, Emic, chế phẩm có chứa nấm Tricoderma… vào thời điểm cày, xới đất để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy chất hữu cơ có trong đất. Hoặc dùng các lọai phân hữu cơ phân vi sinh (Azotobacterin); phân lân nung chảy và vôi bột bón sau đó cày vùi, đưa nước vào ngâm dầm ít nhất 5 - 7 ngày rồi tiến hành bừa cấy.

* Trường hợp có dấu hiệu ngộ độc hữu cơ thì cần thực hiện các giải pháp sau:

- Khi phát hiện lúa bị ngộ độc hữu cơ với biểu hiện chậm bén rễ hồi xanh, lúa bị vàng, bộ rễ có màu đen không phát triển, lúa sinh trưởng chậm... Khi này cần ngưng bón các loại đạm ngay, tiến hành làm cỏ sục bùn, rút nước để loại bớt khí độc ra khỏi ruộng, sau đó cho nước lại, bón bổ sung phân lân để tăng khả năng ra rễ của lúa, tuỳ điền kiện có thể bón với lượng 20 - 25 kg/sào 500m2, nếu đất chua bón thêm vôi từ 20 - 25 kg/sào 500m2.

- Sử dụng một số chế phẩm phân bón qua lá như: Kahumat; KH; Bio Plant; Poly-feed… để cây lúa nhanh chóng phục hồi. Sau khi xử lý 7-10 ngày, nhổ khóm lúa lên thấy rễ trắng mới ra, tiến hành bón thúc và chăm sóc bình thường./.

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá