Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 38297 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Kinh nghiệm chăn nuôi và chăm sóc lợn nái mang thai (07/07/2020)
Trong giai đoạn lợn mang thai nếu nguồn dinh dưỡng không đủ hay chất lượng dinh dưỡng kém đều ảnh hưởng tới quá trình mang thai cũng như lợn con. Do đó kỹ thuật nuôi và chăm sóc lợn trong thời kỳ mang thai đòi hỏi người chăn nuôi phải thật sự tập trung và mất nhiều thời gian chăm sóc.
1. Chọn giống
- Để lợn nái sinh trưởng và đẻ nhiều, việc chọn giống rất quan trọng. Trước hết cần chọn lợn cái được sinh ra từ những lợn mẹ có năng suất cao, đẻ sai con, nuôi con khéo, có lý lịch rõ ràng, xuất thân nơi không có dịch.
- Bản thân lợn cái cần các yêu cầu mông nở, thân dài, 4 chân chắc, dáng đi nhanh nhẹn, lông thưa, mắt sáng, có từ 12 vú trở lên, các vú nổi rõ cách đều nhau, không có vú kẹ, vú lép. Quá trình trên lựa chọn từ 2,5 - 3 tháng tuổi.
2. Nhận định thời kỳ lợn mang thai
- Nhìn bên ngoài lợn nái có thai thường xuất hiện trạng thái phù thũng ở tứ chi, thành bụng. Tuyến vú phát triển to lên, bè ra. Lợn yên tĩnh ăn uống tốt và ngủ ngon, bụng phát triển to lên. Tình trạng lợn không có biểu hiện động dục lại sau 21 ngày kể từ lúc phối.
- Thời gian mang kéo dài từ 3 tháng + 3 tuần + 3 ngày ( trung bình từ 114 - 116 ngày).
3. Nhiệt độ môi trường
- Nếu nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sức sống lợn nái, thai chết nhiều. Nhiệt độ cao làm cho lợn kém ăn, mệt mỏi, thở nhiều, chết phôi, chết thai, sẩy thai. Do đó, nhiệt độ phù hợp cho lợn nái từ 17 - 21oC.
- Trong quá trình nuôi nếu thấy nóng, cần tạo thông thoáng chuồng nuôi. Phun nước nền chuồng. Làm nước nhỏ giọt.
- Cũng trong giai đoạn này, lợn nái cần được nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh kích thích va chạm mạnh. Tránh tiếng động làm lợn nái hoảng sợ, không nên để cắn nhau, nhảy phá chuồng.
4. Chuồng nuôi
- Chuồng nền hoặc sàn cách đất, đảm bảo chuồng nuôi ấm áp về mùa Đông, thoáng mát về mùa Hè. Sử dụng điều hoà bằng hơi nước.
- Chuồng cần ánh sáng rọi vào buổi sáng, tránh mưa từ phía Tây và gió bấc lùa vào mùa rét.
5. Kỹ thuật nuôi và chăm sóc lợn mang thai
- Kỹ thuật nuôi và chăm sóc lợn nái mang thai là thời kỳ rất quan trọng của quá trình chăn nuôi nhằm đảm bảo cho bào thai phát triển bình thường, lợn nái đẻ được nhiều con, lợn con khỏe mạnh, có trọng lượng sơ sinh cao. Vì vậy, để lợn con đạt khối lượng sơ sinh cao cần tăng khoảng 25-30% lượng thức ăn cho lợn nái chửa.
- Thông thường, lợn nái chửa cần 14% tỉ lệ protein thô, 0,9% tỉ lệ canxi và 0,45% tỉ lệ phốt-pho trong khẩu phần ăn. Mùa hè có thể giảm mức ăn nhưng phải tăng lượng protein từ 14% lên 16%, nâng mức khoáng và vitamin trong khẩu phần.
- Người chăn nuôi cũng cần lưu ý, bã rượu và thức ăn ủ men có chứa chất kích thích, dễ gây sẩy thai, vì vậy, chỉ nên cho lợn ăn dưới 15% trong khẩu phần. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, lợn nái cần lượng chất khoáng nhiều hơn để phát triển hệ xương của bào thai. Khi khẩu phần ăn của lợn mẹ không đủ, sẽ phải huy động nhiều chất khoáng từ cơ thể lợn mẹ (đặc biệt là canxi và phốt-pho từ xương) để nuôi thai. Vì thế, lợn mẹ bị thiếu chất khoáng dễ dẫn tới bại liệt. Tuy nhiên cũng cần tránh vỗ béo lợn nái quá mức trong giai đoạn gần sinh.
- Cụ thể ở thời kỳ mang thai đầu tiên nên cho ăn từ 1,8 - 2 kg/con/ngày. Sang giai đoạn thứ 2, khi lợn nái mang thai khoảng 85 - 110 ngày, cho ăn từ 2 - 2,5 kg/con/ngày. Đến giai đoạn từ 111 - 113 ngày, cho ăn 2 kg/con/ngày. Và trước khi đẻ 1 ngày, không nên cho ăn.
- Trong quá trình chăm sóc cần tắm chải cho lợn nái, tăng cường xoa bóp bầu vú để mạch máu dễ lưu thông, phát triển tuyến sữa, lợn dễ quen người và dễ tiếp xúc khi đỡ đẻ, không tắm chải 5 ngày trước khi đẻ. Bạn cũng cần tắm ghẻ cho lợn 10 -14 ngày trước ngày dự đẻ. Đây là yêu cầu bắt buộc để đề phòng lợn mẹ bị ghẻ lây truyền sang con. Trước ngày dự đẻ 14 ngày, tắm ghẻ lần 1 và sau đó 7 ngày tắm ghẻ lần 2.
- Đặc biệt, cần tiêm phòng định kỳ 1 năm 2 lần hoặc trước khi phối giống các loại vắc-xin dịch tả, tụ dấu, lép to, lở mồm long móng. Không tiêm phòng cho lợn nái những loại vắc-xin trên từ giai đoạn phối giống đến 30 ngày sau phối giống (trừ trường hợp có dịch bệnh xảy ra).
6. Xử lý khi lợn chửa đẻ quá ngày
- Thời gian mang thai của lợn biến động từ 102-128 ngày. Vượt quá giới hạn trên được gọi là lợn chửa đẻ quá ngày và tất cả những trường hợp có chửa vượt quá giới hạn đó đều cần phải can thiệp. Quan sát thấy gần đến ngày đẻ, lợn vẫn sa nầm sữa nhưng đến ngày đẻ lợn không có biểu hiện cắn ổ. Lợn ăn uống tốt, sau đó nầm sữa teo đi, âm hộ trở lại trạng thái bình thường.
+ Đầu tiên cố định lợn nái, dùng ván hoặc cửa gỗ ép lợn vào một góc chuồng. Dùng dây buộc mõm trên của lợn sau đó kéo treo dây lên hoặc vật lợn nằm ngửa để can thiệp. Dùng ống dẫn tinh quản đưa qua cổ tử cung. Thụt từ 3-5 lít nước xà phòng 0,1-0,2% vào tử cung. Khi đã bơm hết số nước xà phòng ấn định, dùng tay vỗ mạnh vào mông lợn, rút tinh quản ra và thả lợn.
+ Đỡ đẻ 12-48 giờ sau đó, lợn có biểu hiện cắn ổ đẻ. Đẻ bình thường không cần can thiệp trong quá trình đẻ. Nếu thai bị khô cứng nằm ở tử cung, nếu tử cung đã mở, thụt tiếp nước xà phòng để tử cung không bó chặt lấy thai và làm trơn đường sinh dục sau đó lôi thai ra. Nếu 2 ngày chưa thấy lợn có biểu hiện có thể tiêm thuốc gây sẩy thai như: Oestrogenum folliculinum với liều 2.000-4.000 UI hoặc dùng Hexoestrolum với liều 4.000-6.000 UI. Các trường hợp thai bị mềm nhũn, thai bị thối rữa đều thụt được nước xà phòng và nhanh chóng lấy hết thai ra. Sau đó tử cung đã mở có thể tiêm bắp Oxytoxin với liều lượng 10-40UI nhằm tăng cường co bóp của tử cung tống thai đã chết ra ngoài.
7. Nhận biết lợn nái sắp sinh
- Căn cứ vào ngày phối giống có chửa để dự tính ngày đẻ dự kiến. Những biểu hiện của lợn nái sắp sinh như thường đi lại nhiều, bồn chồn, đái dắt, đi phân lắt nhắt nhiều chỗ. Biểu hiện hay cào ổ, cào chân vào nền chuồng, cắn song chuồng hay máng ăn...
- Lợn nái nuôi con phải sạch sẽ, được vệ sinh thường xuyên, đảm bảo thoáng, sạch, khô và ấm cho lợn con. Lợn nái trong thời gian nuôi con không nên tắm để hạn chế ẩm độ chuồng nuôi, tuy nhiên có thể chải cho lợn mẹ. Việc sử dụng chuồng lồng cho lợn, có hệ thống làm mát và thông gió tạo điều kiện rất thích hợp để chăn nuôi lợn nái sinh sản năng suất cao./.
Nguồn: Khuyến nông Hà Nội
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)