Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 20238
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kinh nghiệm vận chuyển cá giống giảm thiểu tối đa tỷ lệ chết (04/08/2015)

Tùy theo từng loại cá, kích thước cá, phương tiện vận chuyển, chúng ta chọn phương pháp vận chuyển cho phù hợp (kín hoặc hở) nhằm giảm tỷ lệ chết của cá.

1. Chuẩn bị

1.1 Chọn thời điểm thích hợp khi vận chuyển

Thông thường, người vận chuyển cá giống thường chọn lúc thời tiết mát như buổi sáng, chiều mát hoặc ban đêm (đối với mùa hè). Trong điều kiện thời tiết vụ thu đông, có thể vận chuyển cá giống cả ban ngày.

Mục đích nhằm hạn chế tối đa quá trình hoạt động của cá, giảm quá trình hô hấp và trao đổi chất của cá. Vì vậy, sẽ giảm được quá trình tiêu hao lượng ô-xy hòa tan trong nước khi vận chuyển.

1.2 Giảm hàm lượng khí amoniac khi vận chuyển

Khí amoniac sinh ra trong quá trình phân hủy các chất thải của cá và các chất hữu cơ có sẵn trong nước bởi các vi sinh vật yếm khí. Khi cá thải phân ra ngoài thì các vi sinh vật này sẽ sử dụng ô-xy trong nước để phân hủy chất thải, dẫn đến làm giảm nhanh lượng ô-xy hòa tan trong nước, đồng thời làm tăng lượng khí amoniac, do đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống của cá khi vận chuyển.

Vì vậy, cần phải tìm cách giảm hàm lượng khí amoniac bằng cách ức chế hoạt động của các vi sinh vật yếm khí trong quá trình vận chuyển cá giống. Cụ thể:

- Phải dùng nước sạch khi vận chuyển cá giống.

- Phải “luyện cá” từ 1-2 ngày, tức là cho cá nhịn đói để hạn chế tối đa các chất thải của cá khi vận chuyển.

- Khi nhốt cá trong bồn hoặc túi vận chuyển phải có máy sục khí hoặc tạo dòng nước chảy nhẹ bằng máy bơm để tránh hiện tượng cá chết ngạt do thiếu oxy.

- Trước khi vận chuyển nên “tắm” cho cá bằng dung dịch muối ăn nồng độ từ 2-3% (pha từ 2-3kg muối ăn trong 100 lít nước sạch) trong thời gian từ 7-10 phút.

Muối ăn vừa có tác dụng ức chế quá trình hoạt động của các vi sinh vật, vừa có tác dụng phòng bệnh cho cá.

2. Quá trình vận chuyển

Thông thường, có 2 phương pháp vận chuyển cá giống, đó là vận chuyển kín và vận chuyển hở. Tùy theo từng loại cá, kích thước cá, phương tiện vận chuyển, chúng ta chọn phương pháp vận chuyển cho phù hợp nhằm giảm tỷ lệ chết của cá.

Cá giống trước khi vận chuyển phải được theo dõi, đánh giá về chất lượng. Cá phải khỏe mạnh, bơi lội nhanh thành đàn, toàn thân sáng bóng, không có biểu hiện xây xát, không bị mất nhớt, không bị dị hình, không bị bệnh, kích thước cá phải đồng đều.

2.1 Phương pháp vận chuyển kín

Đây là phương pháp vận chuyển mà cả cá và nước không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Phương pháp này được áp dụng cho hầu hết các loài cá giống, cá hương, cá bố mẹ. Phương tiện vận chuyển thường là xe máy hoặc ô tô... Dụng cụ vận chuyển là các túi ni lông có bơm khí oxy, mỗi túi có thể tích từ 40-45 lít.

Nếu túi không có đáy, cần buộc gập để tạo đáy túi, khi buộc cần kèm theo ống dẫn bằng nhựa mềm dài từ 15-20cm ở đáy túi, phòng khi lượng oxy trong túi giảm cần phải bơm thêm oxy vào trong túi.

Đổ nước sạch vào trong túi và cho cá giống vào. Lượng cá giống vận chuyển trong mỗi túi phụ thuộc vào kích thước của cá giống. Nếu kích thước cá giống từ 1-1,5cm thì nên đóng từ 3-4 kg cá/túi, nếu kích thước cá từ 3-4 cm thì chỉ nên đóng 2-3 kg cá/túi.

Sau khi cho cá vào, buộc chặt miệng túi, không cho không khí thoát ra ngoài. Nếu khoảng cách vận chuyển đi xa, cần bơm thêm không khí qua ống nhựa ở đáy túi.

Lưu ý: Đối với phương pháp vận chuyển này, thời gian vận chuyển không nên quá 7 giờ.

2.2 Phương pháp vận chuyển hở

Là phương pháp vận chuyển mà cả cá và nước tiếp xúc trực tiếp với môi trường không khí bên ngoài. Phương pháp này chỉ nên áp dụng cho quãng đường vận chuyển ngắn (dưới 20 km) với lượng cá giống ít và chủ yếu để vận chuyển cá bố mẹ.

Dụng cụ vận chuyển thường là xô, chậu, sọt có lót ni lon và có trang bị hệ thống sục khí.

Lưu ý: Trước khi thả cá giống xuống ao cần ngâm túi cá xuống dưới nước ao khoảng 15-20 phút để cá không bị sốc do chênh lệch nhiệt độ giữa nước ao và nước trong túi cá khi vận chuyển.

Mở miệng bao cho nước ngoài ao chảy vào túi, rồi từ từ cho cá bơi ra ngoài ao. Vào mùa hè, nên thả cá lúc trời mát vào buổi sáng từ 6-8 giờ, buổi chiều từ 16-18 giờ, hoặc thả cá vào ban đêm.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam