Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 7908 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Kỹ thuật chăm sóc và bón phân cho cây nhãn thời kỳ cho thu hoạch (30/05/2018)
Hiện nay, cây nhãn đang trong giai đoạn quả non, kỹ thuật bón phân, chăm sóc ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng quả. Sau đây, xin giới thiệu một số biện pháp chăm sóc vườn nhãn thời kỳ cho thu hoạch.
1. Tưới nước, làm cỏ:
Nhãn cần đủ nước để sinh trưởng, phát triển. Hai thời điểm nhãn có nhu cầu nước nhiều nhất là lúc chùm hoa phát triển (tháng 2 - tháng 3) và giai đoạn quả non (tháng 5 - tháng 6).
Thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng, hạn chế sự cư trú, xâm nhập của sâu bệnh gây hại.
2. Bón phân:
Tỷ lệ và liều lượng bón phân:
Để vườn nhãn cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, cần cung cấp một lượng phân bón đầy đủ với tỷ lệ cân đối giữa các loại phân. Tỷ lệ các chủng loại phân bón NPK sử dụng cho hiệu quả tốt nhất đối với nhãn là: 2:1:2 hoặc 1:1:2.
Tùy theo độ tuổi, tình trạng sinh trưởng của cây, sản lượng quả cho thu hoạch của năm trước để xác định liều lượng bón thích hợp. Với vườn nhãn trưởng thành, cứ 100 kg quả tươi được thu hoạch cần trả lại cho đất 4,2 kg Ure + 5,5 kg Supe lân + 4 kg Kali Clorua.
Lượng phân bón cho nhãn theo tuổi cây ở thời kỳ mang quả (kg/cây/năm):
Cây 4-6 năm tuổi: Phân chuồng: 30 - 50 kg, Ure: 0,3 - 0,5 kg, supe lân: 0,7 - 1 kg, kali clorua: 0,5 - 0,7 kg.
Cây 7-10 năm tuổi: Phân chuồng: 50 - 70 kg, Ure: 0,8 - 1 kg, supe lân: 1,5 - 1,7 kg, kali clorua: 1 - 1,2 kg.
Cây trên 10 năm tuổi: Phân chuồng: 70 - 100 kg, Ure: 1,2 - 1,5 kg, supe lân: 2 - 3 kg, kali clorua: 1,2 - 2 kg.
Số lần bón phân:
Số lần bón trong năm phụ thuộc vào độ tuổi cây, điều kiện đất đai và nhân lực của gia đình. Tốt nhất, bón 4 lần trong một năm, vào một số thời điểm quan trọng:
Lần 1: Bón sau khi thu hoạch quả, vào tháng 8-9. Lần bón này nhằm phục hồi cho cây sau thu hoạch, thúc đẩy cành thu hình thành và sinh trưởng. Đây là lần bón cơ bản, quan trọng nhất trong năm. Ở lần bón này, bón toàn bộ phân chuồng, 80 - 90% lượng phân lân, 30% lượng phân đạm và 30% lượng phân kali.
Lần 2: Bón vào đầu tháng 2, khi cây phân hóa hoa. Lần bón này nhằm thúc hình thành hoa. Bón 30% lượng phân đạm, 10 - 20% lượng phân lân còn lại và 30% lượng phân kali.
Lần 3: Bón vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 nhằm thúc đẩy chùm hoa phát triển, tăng khả năng đậu quả. Lần bón này chỉ sử dụng 10 - 20% lượng phân đạm.
Lần 4: Bón vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhằm bổ sung sinh dưỡng nuôi quả. Ở lần bón này, sử dụng toàn bộ lượng phân đạm và kali còn lại (20-30% lượng phân đạm + 40% lượng phân kali).
Cách bón:
- Bón sâu: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán. Rãnh rộng 30-40cm, sâu 30-35cm. Rải phân vào rãnh, lấp kín đất, tưới nước giữ ẩm. Bón theo kiểu này thường áp dụng cho đợt bón sau thu hoạch quả.
- Bón nông: Tiến hành bón phân khi đất ẩm (sau các trận mưa). Rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán cây, sau đó dùng cuốc xáo nhẹ đất để lấp đều phân. Biện pháp bón này cũng có thể dùng để bón thúc ngay vào những lúc cần thiết. Nếu đất khô, phân bón có thể được hòa tan trong nước, sau đó tưới trên bề mặt đất xung quanh gốc, cuối cùng dùng cuốc xáo mặt đất vùng được bón phân.
- Bón phân qua lá:
Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây, người ta có thể sử dụng phương pháp phun lên lá. Các loại phân được sử dụng bón theo kiểu này là phân bón lá dạng nước được pha loãng theo nồng độ khuyến cáo.
Khi quả non có đường kính 3 - 4mm, phun Atonic hoặc Kích phát tố thiên nông với nồng độ và số lần theo chỉ dẫn. Có thể phun phân ure nồng độ 0,1- 0,2% vào thời kỳ quả non để hạn chế rụng quả.
Bón phân qua lá được tiến hành vào buổi sáng sớm hay chiều mát, tránh bón vào giai đoạn cây nở hoa. Trước và ngay sau giai giai đoạn nở hoa cần tiến hành bón bổ sung phân kịp thời để thúc đẩy sinh trưởng của chùm hoa và tăng tỷ lệ đậu quả.
3. Phòng trừ sâu bệnh: Cây nhãn thường bị các đối tượng sâu bệnh gây hại như: Bọ xít nâu, Rệp hại hoa và qủa non, sâu tiện vỏ và sâu đục thân, bệnh chổi rồng, bệnh sương mai, bệnh xém mép lá. Bà con cần thường xuyên theo dõi phát hiện và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Nguồn: Khuyến nông Hà Nội
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)