Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 10564
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê theo mẹ (11/01/2018)

        Sơ sinh là giai đoạn rất quan trọng với bê, vì bê phải thích nghi với cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ. Ngay sau khi sinh, bê cần được quan tâm và chăm sóc của người chăn nuôi.

Đối với bê sơ sinh đến 7 ngày tuổi

a. Thức ăn: Sữa đầu rất quan trọng, vì giúp tẩy sạch đường tiêu hóa, chứa nhiều kháng thể và các chất dinh dưỡng khác, làm tăng sức đề kháng của bê với các bệnh và tạo thuận lợi trong quá trình sinh trưởng và phát triển sau này. Hệ tiêu hóa của bê sơ sinh có khả năng hấp thu nguyên vẹn các chất từ sữa đầu vào máu, khả năng này giảm dần và đến 62 giờ sau khi sinh, khả năng này bằng 0. Vì vậy, bê cần được bú sữa đầu càng sớm càng tốt, chậm nhất là 1-1,5 giờ sau khi sinh.

b. Chăm sóc và quản lý bê sơ sinh:

- Khi mới sinh, bê cần được cắt rốn. Rốn phải được cắt như sau: tay trái cầm cuống rốn đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái của tay phải vuốt mạnh rốn theo chiều từ cuống trở ra và cắt rốn ở khoảng cách 5-6 cm, sau đó sát trùng chỗ cắt bằng cồn i-ốt 5%.

- Vệ sinh cho bê sơ sinh: Dùng giẻ lau, móc hết nhớt bẩn trong mũi, miệng bê, bóc móng. Để bò mẹ liếm hoặc dùng khăn, bao tải, rơm khô mềm lau toàn bộ cơ thể bê. 

- Sau khi sinh, trước lúc bê bú sữa đầu cần tiến hành cân khối lượng của bê, quan sát đặc điểm lông da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc miệng, tình hình sức khỏe, ăn uống, đi lại... để có chế độ nuôi dưỡng phù hợp và xác định hướng sử dụng sau này. Những thao tác này cần làm nhanh để bê được bú sữa đầu sớm.

- Trong chăn nuôi bò thịt, sau khi sinh bê thường theo mẹ và bú mẹ trực tiếp theo nhu cầu. Thường trong những ngày đầu tiên cho bú 3 - 4 lần/ngày, về sau giảm xuống 2 lần/ngày.

- Trường hợp phải nuôi bê ghép, cho từng con bú một và đảm bảo các bê đều được bú lượng sữa như nhau.

Đối với bê theo mẹ (sau sơ sinh đến cai sữa)

a. Thức ăn:

- Sữa mẹ là loại thức ăn quan trọng nhất đối với bê trong giai đoạn này. Sữa mẹ có các chất dinh dưỡng tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với yêu cầu sinh lý của bê. Đồng thời, khả năng tiêu hóa sữa của bê thường trên 95%. Cho nên, cần sử dụng tối đa lượng sữa mẹ để nuôi bê. Trong tháng đầu tiên, thức ăn chủ yếu của bê là sữa mẹ, các thức ăn khác chỉ là tập ăn.

- Thức ăn tinh hỗn hợp: Có thể cho bê tập ăn từ lúc 15-20 ngày tuổi vì dạ cỏ phát triển chưa hoàn thiện nên loại thức ăn tinh hỗn hợp tập ăn phải có chất lượng tốt, hàm lượng protein cao. Lượng thức ăn tinh lúc đầu khoảng 0,2 kg sau đó tăng dần lên 0,5 kg (từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5).

- Cỏ khô: Là loại thức ăn cần thiết, vì nó kích thích sự phát triển của dạ cỏ và hoàn thiện hệ vi sinh vật dạ cỏ. Có thể tập cho bê ăn cỏ khô từ lúc 7 - 10 ngày, bằng cách để cỏ khô chất lượng tốt vào xô treo trên cũi cho bê.

- Cỏ tươi: Có thể tập cho ăn từ cuối tháng thứ nhất, bằng cách bổ sung tại chuồng hoặc trực tiếp gặm trên bãi chăn.

- Củ quả: Đây là loại thức ăn chứa nhiều bột đường, tương đối ngon miệng, nên bê rất thích ăn. Tuy nhiên, vì bột đường dễ lên men, nên không cho bê ăn quá sớm mà chỉ cho ăn từ tháng tuổi thứ 3 trở đi. Khi cho ăn, cần theo dõi phản ứng của đường tiêu hóa, nếu thấy bê bị ỉa chảy thì phải dừng lại.

- Chất khoáng: Từ tháng thứ nhất đến tháng tuổi thứ 5 bê cần nhiều Ca và P, nên phải bổ sung thức ăn nhiều khoáng như: bột xương, bột đá vôi, bột vỏ sò... Đồng thời phải cho bê vận động dưới ánh sáng mặt trời để tăng tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu canxi tránh bệnh còi xương.

- Ngoài sữa mẹ và cỏ, cần bổ sung thức ăn khác nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho bê trước khi cai sữa. Thành phần thức ăn bổ sung cho bê bú sữa tốt nhất là hỗn hợp các loại thức ăn hạt và thức ăn bổ sung protein-khoáng. Thành phần thức ăn bổ sung nên chứa: 2,4-2,6 Mcal ME/kg, 13-16% protein thô, 0,7% Ca, 0,5% P, khoáng vi lượng, vitamin A, D và E. Để tăng tính ngon miệng cho thức ăn, có thể bổ sung thêm cám và rỉ mật.

b. Chăm sóc và quản lý:

- Hàng ngày cần quan sát đặc điểm lông, da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc, kiểm tra tình hình sức khỏe, bệnh tật của bê, vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi và cũi bê.

- Đảm bảo đủ nước uống và hợp vệ sinh.

- Nơi nhốt bê con phải luôn khô ráo, đủ ánh sáng tự nhiên và có mái che.

 

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia