Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 20353
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật làm “bầu trần” (04/08/2015)

Nông dân huyện Gia Lộc (Hải Dương) có nhiều kinh nghiệm thâm canh rau màu hiệu quả. Những sáng kiến hay, cách làm linh hoạt (mẹo) của họ được nhiều bà con nơi khác học tập làm theo.

 

 Làm bầu cây con là một công đoạn không thể thiếu trong thâm canh các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Không giống nhiều địa phương khác, nông dân Gia Lộc đã bỏ qua công đoạn quấn bầu bằng lá chuối hay mua túi ni lông để làm bầu cây con. Họ áp dụng cách làm bầu đơn giản nhưng lại hiệu quả hơn đó là làm “bầu trần”.  Xin giới thiệu cách làm tiện ích này.

Giá thể làm bầu gồm: 3 phần đất màu phơi khô + 3 phần trấu hun + 1 phần phân chuồng ủ mục với lân. Trong đó phân chuồng được ủ cùng lân theo tỷ lệ: 1 tấn phân chuồng + 15-20 kg supe lân hoặc 10 kg NPK 5:10: 3. (Lưu ý: Đất màu tốt nhất nên sử dụng đất ở ruộng lúa hay đất bờ ruộng. Không nên lấy đất ở ruộng chuyên canh rau màu sẽ khiến cho cây con dễ bị nhiễm bệnh hơn).

Khi đảo hỗn hợp trên nên rắc thêm vôi bột tỷ lệ 25-30 kg/m3 hỗn hợp. Nên ủ thành đống trước khi gieo hạt 15-20 ngày. Dùng ô doa tưới ẩm toàn bộ giá thể sao cho hỗn hợp giá thể trên có thể nắm được thành từng nắm. Độ ẩm giá thể đòi hỏi không quá ẩm (khi nắm nước không rỉ ra kẽ tay) nhưng cũng không quá khô để đảm bảo khi đặt xuống đất không bị vỡ (bở) ra. Cách làm bầu trần không phải là một công nghệ cao trong công tác làm giống rau màu, được coi là một bước làm tắt vì đơn giản hơn, tiết kiệm hơn nhưng lại hiệu quả đối với nông dân.

Tùy theo các loại cây giống khác nhau mà kích thước mỗi bầu cây có thể dao động khác nhau. Thông thường làm bầu cho cây su hào, bắp cải hay cà chua hoặc ớt, dưa các loại thì kích thước bầu là 3x4 cm. Khi nặn (nắm) xong đất bầu trong tay thì đặt hạt luôn vào bầu rồi nhẹ nhàng xếp sát các bầu đã gieo hạt với nhau thành từng lô trên mặt đất bằng phẳng. Sau khi gieo cây xong dùng đất bột phủ kín hạt giống.

Để đảm bảo cho các bầu cây không bị xô đẩy vỡ rời, nên dùng đất ướt be bờ xung quanh lô bầu như đắp bờ ruộng. Đồng thời tiến hành làm khung che bằng vải trắng hay nilong hoặc lưới đen (tùy theo mùa vụ) để che cây con. Khung che cao hơn mặt lô bầu khoảng 30-35 cm.

 * Lưu ý: Với cách gieo bầu cây như trên, người làm cây giống không thể tưới cho cây con trong bầu trần bằng ô doa được. Bởi làm vậy các bầu trần có thể bị vỡ ra hay lượng đất trên bề mặt bầu cây bị trôi dạt, cây con bị trật gốc. Cần giữ ẩm cho các bầu bầu cây bằng cách tưới phun mưa (có thể dùng bình bơm thuốc bảo vệ thực vật súc rửa sạch rồi lấy nước an toàn phun cho cây con).

Qua nhiều vụ sản xuất áp dụng phương pháp làm “bầu trần” như trên cho thấy: Cây con phát triển trong bầu này ít bị bệnh chết thắt thân hơn, bộ rễ phát triển rộng dài hơn do oxy lưu thông trong các bầu trần nhiều hơn trong bầu ni lông hay bầu lá chuối. Nhờ đó cây giống khi đem ra trồng đảm bảo được các tiêu chuẩn đề ra tốt hơn nhiều trước đây.

Quan trọng hơn là việc làm bầu trần tiết kiệm được rất nhiều công lao động cho nông dân (không phải lấy lá chuối quấn thành từng bầu) hay phải tốn tiền mua túi ni lông như trước đây.

Cách làm này là rất phù hợp cho việc sản xuất rau màu hiện nay góp phần giảm chi phí và tăng thêm thu nhập cho bà con. Đây cũng là cách làm được nhiều nông dân nơi khác đánh giá cao và làm theo, phù hợp với phương châm đơn giản, gọn nhẹ lại hiệu quả.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam