Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 36611
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật làm đệm lót sinh học cho bò nuôi thịt, vỗ béo đảm bảo vệ sinh môi trường (18/08/2020)

            Sử dụng chế phẩm vi sinh EMUNIV làm đệm lót sinh học cho chuồng bò nuôi lấy thịt vừa đáp ứng yêu cầu làm đệm lót, vừa có hiệu quả khử mùi tại khu vực chuồng trại. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu với bà con nông dân kỹ thuật làm đệm lót sinh học cho bò nuôi thịt, vỗ béo bằng chế phẩm vi sinh EMUNIV.

I. Chuẩn bị chuồng trại

- Diện tích chuồng nuôi: Với bò nuôi thịt, vỗ béo, diện tích chuồng nuôi tối thiểu để làm đệm lót sinh học là 2,4m2/con (Chiều dài chỗ đứng ≥ 1,6m, chiều rộng chỗ đứng ≥ 1,1m).

- Nền chuồng: Nền chuồng được đổ xi măng, hoặc lát gạch có độ dốc về phía sau từ 1,2-1,5% giúp nước chảy về hướng đó tránh gây ứ đọng làm hỏng đệm lót.

- Rãnh thoát nước: Nên bố trí rãnh ở cả phía trước và sau với độ dốc vừa đủ và nối liền với cống rãnh thoát nước chung. Rãnh thoát nước tiểu có độ dốc 0,2 - 0,5% là hợp lý nhất.

II. Kỹ thuật làm đệm lót sinh học

Bước1: Chuẩn bị nguyên liệu

- Chế phẩm EMUNIV dịch: 1,5 lít + 3 kg rỉ mật (đường) + 30 lít nước sạch + 30 kg Cám gạo + 1.500 kg nguyên liệu làm đệm (trấu hoặc hỗn hợp trấu, mùn cưa hoặc rơm rạ).

- Nếu sử dụng nguyên liệu trấu:  dùng 1.500 kg tương đương 11,5 m3. Với lượng trấu này làm được 28,8 m2 đệm độ dày 35 - 40 cm, sử dụng trong 30 ngày (mỗi con bò cần 2,4 mchuồng làm đệm lót sinh học/lần x 3 lần/90 ngày nuôi).

Bước 2: Pha dung dịch thứ cấp

- Hòa 3 kg rỉ mật hoặc đường vào 30 lít nước sạch; bổ sung 1,5 lít EMUNIV dịch.

- Đậy nắp kín, để ủ dung dịch trên nơi râm mát trong thời gian 48 giờ.

- Dung dịch thu được sau ủ là men vi sinh vật sử dụng làm đệm lót sinh học.

Bước 3: Tạo lớp đệm lót

- Rải đều nguyên liệu (trấu hoặc hỗn hợp trấu và mùn cưa) lên bề mặt chuồng đạt độ dày khoảng 12 - 15cm.

- Phun dung dịch vi sinh vật thứ cấp đều lên bề mặt nguyên liệu.

- Rắc đều cám gạo lên bề mặt trấu đã được phun vi sinh.

- Tiếp tục làm như trên đến khi lớp đệm đạt độ dày khoảng 35 - 40 cm, sau đó phủ kín bề mặt lớp đệm bằng bạt hoặc nilon hoặc bao tải dứa, khoảng sau 2 ngày đưa bò vào nuôi.

- Vào mùa hè nắng nóng, có thể trải một lớp đệm lót mỏng hơn với độ dày 10-12cm có thể sử dụng được trong thời gian 15 -18 ngày.

 (Chú ý: Độ ẩm đệm cần đảm bảo độ ẩm <50%; tốt nhất là 35 - 40% nhận biết theo kinh nghiệm dùng tay nắm nguyên liệu sau phối trộn thấy nước ướt tay là được).

Bước 4Sử dụng và bảo dưỡng đệm lót

- Trong quá trình sử dụng đệm lót sinh học, khi thấy nền đệm lót bị bết, cần tiến hành đảo và bổ sung thêm trấu hoặc mùn cưa và men vi sinh để đệm lót luôn tơi xốp, độ ẩm dưới 50%.

- Thông thường với lớp đệm dày 35 - 40cm, sử dụng thời gian nuôi khoảng 1 tháng, nếu quá thời gian trên không muốn thay đệm, cần bổ sung thêm trấu và dung dịch thứ cấp (bằng khoảng 1/3 lượng làm đệm lót ban đầu) khi độ ẩm lớp đệm vượt quá ngưỡng cho phép.

Chú ý: Trong quá trình sử dụng không được phun hóa chất sát trùng lên bề mặt lớp đệm lót.

- Với những tiến bộ của công nghệ sinh học, đệm lót sinh học là một giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế mùi hôi chuồng, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước, hạn chế dịch bệnh. Hơn nữa, đệm lót sau khi sử dụng có thể tiếp tục ủ với chế phẩm vi sinh để làm phân bón rất tốt cho cây trồng./.

Nguồn: Khuyến nông Thái Bình