Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4660
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật làm mạ che phủ nilon vụ Xuân (05/05/2015)

Vụ xuân thường có rét đậm, rét hại gây khó khăn cho việc gieo trồng. Để có một vụ sản xuất an toàn, hiệu quả ngay từ khâu làm mạ, bà con cần lưu ý đến các biện pháp kỹ thuật sau:

1. Chuẩn bị mộng mạ:

- Xử lý hạt giống: Đây là biện pháp quan trọng nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh trên hạt giống ngay từ đầu, hạn chế lây lan ra ngoài đồng ruộng. Có thể dùng một trong các biện pháp như:

+ Ngâm trong nước nóng 540C trong 10 phút (Pha nước theo tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh sau đó đổ thóc vào ngâm; hoặc có thể sử dụng nước vôi trong để ngâm lúa giống trong thời gian từ 10-12 giờ).  

 

+ Ngoài ra bà con có thể  sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Cruiser Plus, Daconil, Captan… trộn đều vào thóc đã ngâm no nước trước khi đem ủ.

- Ngâm, ủ hạt giống: Thóc giống sau khi được xử lý bằng nước nóng hoặc nước sôi trong, tiến hành ngâm trong nước sạch khoảng 24 - 36 giờ đối với lúa lai, 48 - 60 giờ đối với lúa thuần; 6 - 8 giờ cần thay nước một lần; Khi hạt thóc hút no nước có biểu hiện: Hạt căng mẩy, nổi trắng 2 đầu mày thì đãi sạch, để ráo nước, cho vào thúng phủ bao tải đay ẩm ủ ở nhiệt độ từ 28 - 350C. Trong quá trình ủ cần kiểm tra nhiệt độ đống ủ và độ ẩm để điều chỉnh.

Khi mộng mạ đạt tiêu chuẩn: Đối với làm mạ khay khi hạt nứt nanh, nhú mầm như gai dứa là gieo được. Đối với mạ dược, mạ dầy súc: mầm dài bằng 1/2 hạt, rễ dài bằng 2/3 hạt thóc thì đem gieo.

2. Làm đất, gieo mạ:

- Làm đất: Nơi làm mạ phải khuất gió, cao ráo, thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đất phải được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại; Chia luống rộng 1- 1,2 m theo chiều rút nước của ruộng, trang phẳng mặt luống sao cho không đọng nước ở mặt luống. Mỗi sào lúa cấy cần từ 8 – 10m2 đất gieo mạ.

- Bón phân lót: 1 sào mạ cần 2-3 tạ phân chuồng hoai mục bón trước khi bừa lần cuối và 10 kg phân tổng hợp NPK5.10.3, hoặc 15 kg phân supe lân bón rải và trộn đều trong đất trước khi trang phẳng mặt luống.

- Gieo mạ: Gieo mạ thưa để cây mạ to khỏe, chú ý gieo mạnh tay để mộng mạ chìm xuống bùn giúp giữ ấm chân mạ, giảm các tác động xấu khi thời tiết thay đổi nắng, mưa, lạnh; Nên gieo 1 kg thóc giống/10 m2 đất mạ, bà con nên chia lượng mạ ra làm 2 - 3 lần gieo thì mật độ sẽ đều, gieo song cần phủ một lớp tro bếp trên bề mặt luống mạ (tro của rơm, rạ, cây ngô).

3. Che phủ nilon và chăm sóc mạ:

- Che phủ nilon cho mạ: Vụ xuân có nhiệt độ thấp, rét đậm, rét hại thường xuyên xuất hiện, nếu mạ không được bảo vệ cẩn thận dễ bị chết, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, do đó bà con nhất thiết phải áp dụng biện pháp che phủ nilon để bảo vệ mạ. Dùng các thanh tre rộng 2cm, dày 0,6 – 0,8cm, dài 2 – 2,2m; cứ 1,5 - 2m dài luống mạ cắm một thanh uốn theo hình vòm cống cách mép luống 5 - 10cm, sao cho độ cao khung giàn tre từ 50 – 60 cm. Buộc liên kết các thanh vòm với nhau bằng một thanh tre dài theo chiều dọc luống cho chắc chắn. Dùng nilon màu trắng trong khổ 1,2 - 1,4 m trùm kín theo chiều dài  luống mạ, lấy bùn ở rãnh luống chèn kín kỹ xung quanh mép nilon phủ 2 bên và 2 đầu luống, đảm bảo luống mạ được che kín hoàn toàn sau khi gieo để tránh bị gió lùa làm bung nilon, chuột chui vào trong luống mạ.

- Chăm sóc mạ: Giữ cho mạ luôn luôn đủ ẩm sau khi gieo; Khi mạ đạt 1,5 lá đưa nước láng mặt luống mạ nhằm giữ ấm chân mạ (đối với mạ gieo trên ruộng). Những ngày thời tiết buổi trưa ấm mở nilon 2 đầu luống để thoát khí độc, chiều tối tiếp tục che lại. Trước khi cấy 2 - 3 ngày cần mở dần nilon luyện cho mạ quen với môi trường; Đối với mạ sân gieo gần nhà, bà con có thể thắp điện sưởi ấm cho mạ vào những ngày rét đậm, rét hại.

Chú ý: Khi chăm sóc mạ vụ xuân bà con không nên bón phân thúc cho mạ, đặc biệt ở giai đoạn trước khi cấy vì cây mạ sẽ non, mềm, không đanh dảnh, chống chịu kém, rất dễ chết khi cấy ra ruộng gặp rét.

Nguồn : Sở NNNT Phú Thọ