Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1086
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật nuôi ba ba gai (28/08/2018)

           Ba ba gai là một trong những mặt hàng thương phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nuôi ba ba gai không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần áp dụng đúng kỹ thuật về ao bể nuôi, chất lượng nguồn thức ăn cũng như tuân thủ quá trình tuyển chọn giống gắt gao và kinh nghiệm nuôi ba ba từ những người đi trước:

1. Chọn giống để nuôi ba ba gai

Để nuôi ba ba gai hiệu quả, trước hết, việc tuyển chọn ba ba giống phải đảm bảo nhiều tiêu chí. Ba ba giống phải có ngoại hình mập, da bóng, không bị dị tật hay nhiễm bệnh. Cách nhận biết ba ba khỏe mạnh là khi lật ngửa, nó tự lật sấp lại được ngay, còn nếu ba ba thả xuống đất bò chậm, cổ rụt không hết, thì đó là dấu hiệu cho thấy ba ba kém chất lượng. Đối với việc chọn lựa những con ba ba bố mẹ, cần xem xét đến nhiều yếu tố, đặc biệt là không đồng huyết thống để con giống đảm bảo chất lượng.

2. Ðiều kiện ao, bể nuôi

- Chọn nơi yên tĩnh, gần nhà để dễ bảo vệ, bờ ao phải xây bằng gạch chắc chắn, có rào chắn để quản lý được ba ba trong khu vực nuôi.

- Ao nuôi nên có hình chữ nhật:

Kết cấu gồm: Lòng ao, bờ ao, cống cấp, thoát nước, có các công trình phụ kèm theo, sân cho ba ba lên ăn.

Diện tích ao từ 100 - 150m2 là thích hợp, độ sâu mức nước ao từ 0,7 - 1m, ao nên đổ 1/2 diện tích cát mịn sạch có độ dầy cát 15 - 20cm, đáy ao có độ nghiêng dần về cống thoát nước, góc ao có lối cho ba ba bò lên vườn hoặc bãi nghỉ ngơi để ba ba phơi nắng khi cần thiết, cửa cống cấp và thoát nước có lưới sắt chắn.

- Chuẩn bị ao, bể nuôi

Trước mỗi vụ nuôi, ao phải được tẩy dọn sạch sẽ, diệt hết mầm bệnh. Ðối với các ao, bể nuôi từ năm thứ 2 trở đi, việc tẩy ao trước khi thả giống càng phải được tiến hành chu đáo, nếu lớp cát đáy ao bẩn, cần được thay lớp cát mới, sạch để đạt tỷ lệ sống và năng suất cao.

3. Thả giống

Tuỳ theo điều kiện cụ thể, có thể áp dụng thả với mật độ 2-3 con/m2, năng suất không cao nhưng phù hợp với điều kiện thực tế gia đình; thả 4-5 con/m2 đối với hình thức nuôi thâm canh.

4. Chăm sóc quản lý ao nuôi

Phải đảm bảo nước ao luôn sạch, tránh tình trạng ba ba tìm đường đi vào những ngày đầu thả giống hoặc những ngày mưa to.

- Loại thức ăn :

Thức ăn nuôi ba ba là thức ăn động vật sống hoặc chết (thức ăn tươi nên tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như tôm, tép, moi, giun, ếch nhái, ốc đồng, ốc sên, cá, phế thải lò mổ, thịt động vật kém phẩm chất, các loại cá vụn. Ngoài ra, có thể cho ba ba ăn thức ăn khô nhưng phải nhạt.

- Cách cho ba ba ăn :

Lượng thức ăn hằng ngày cho ba ba ăn bằng 3-5% trọng lượng ba ba trong ao nuôi. Những ngày thời tiết mát mẻ, ba ba ăn khoẻ hơn nên có thể tăng thêm 5% khẩu phần.

Trước khi cho ba ba ăn, thức ăn phải được rửa sạch, thức ăn ươn phải được nấu chín.

Khi ba ba còn nhỏ, thức ăn cần được thái nhỏ phù hợp để vừa miệng của chúng, không cho ba ba ăn thức ăn mặn. Ba ba ăn 1-2 lần/ngày ở vị trí cố định trong ao hoặc bể nuôi.

Hằng ngày, theo dõi sức ăn của ba ba để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cho thức ăn vào mẹt, nia và treo ngập trong nước 20-30cm để cho ba ba lên ăn.

Ðối với nuôi ba ba thịt, cần tạo sự yên tĩnh ngay cả trong thao tác cho ba ba ăn và vớt bèo khi bèo quá dầy. Từ tháng 4 đến tháng 11 là thời gian ba ba sinh trưởng nhanh, vì thế cần cho ăn đầy đủ để ba ba lớn nhanh. Sau 1 năm nuôi với cỡ giống thả 100-150g/con, ba ba gai đạt trọng lượng 0,8-1,2 kg/con.

6. Phòng bệnh cho ba ba gai

Ba ba gai khá khỏe mạnh, ít bệnh dịch, tuy nhiên, cũng cần phải chú ý phòng bệnh cho ba ba. Mỗi tháng khoảng 2 lần, trộn lẫn cám cùng với thuốc phòng dịch để cho ba ba ăn.

Nguồn: Tổng hợp