Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4173
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng qua Đông (02/02/2021)

               Nuôi tôm vụ Đông thành công sẽ mang lại giá trị rất lớn về kinh tế, do ít người nuôi nên giá bán cao hơn nhiều so với nuôi chính vụ. Tuy nhiên, nuôi tôm vụ Đông có nhiều rủi ro do biên độ nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm rất lớn, không thích hợp với điều kiện phát triển của tôm, thời gian nuôi dài. Vì vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau:

1. Chuẩn bị ao nuôi

Ao có diện tích từ 1.000 - 3.000m2, được lót bạt hoặc bê tông hóa, có lắp đặt hệ thống xi-phông đáy, công tác chuẩn bị ao ao nuôi trước khi thả giống áp dụng theo quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh (tiêu chuẩn ngành). Tuy nhiên, do nuôi tôm vụ Đông chủ yếu trong nhà bạt kín gió, cần phải tăng cường nhiều hệ thống sục khí đáy và quạt nước để đảm bảo hàm lượng ô-xy đầy đủ.

2. Con giống và thức ăn

- Thời gian thả giống từ khoảng trung tuần tháng 9 âm lịch (tháng 10 dương lịch), sẽ kịp thu hoạch giáp Tết để bán được giá cao.

- Mật độ giống thả phụ thuộc vào điều kiện ao nuôi, trang thiết bị phụ trợ, đặc biệt là kinh nghiệm và kỹ thuật của người nuôi, mật độ thường dao động từ 120 - 200 con/m2.

- Tôm giống được mua tại cơ sở được phép sản xuất theo quy định của ngành thủy sản, khỏe mạnh, cỡ tối thiểu P12 trở lên, được cơ quan thú y cấp giấy kiểm dịch, được xét nghiệm âm tính với các bệnh trong danh mục các bệnh bắt buộc do cơ quan chuyên môn cấp.

- Thức ăn dùng cho tôm thẻ chân trắng phải có nguồn gốc rõ ràng. Tỷ lệ đạm 32 - 38%, lipit 4 - 6%, độ ẩm <11%, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn thức ăn thủy sản. Ngoài ra, bổ sung khoáng, vitamin C, E, dầu mực.

3. Quản lý môi trường ao nuôi và phòng bệnh

Dùng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nước (EM2) được sản xuất từ EM gốc (Chế phẩm sinh học với thành phần là các chủng vi sinh có ích, tên gọi tùy theo từng công ty sản xuất). Cách dùng thường làm như sau:

- Nguyên liệu: 1 lít mật đường hoặc 1 kg mật đường + 1 lít EM gốc + 45 - 50 lít nước ngọt sạch khuẩn + 2 kg thức ăn số 0 + 10g muối ăn.

- Cách tiến hành: Cho toàn bộ nguyên liệu đã trộn vào thùng ủ kín 5 - 7 ngày.

- Cách sử dụng: Chế phẩm EM2 được sử dụng định kỳ 3 - 7 ngày/lần tùy theo điều kiện màu nước ao nuôi để bón, liều lượng từ 30 - 50 lít EM2/1.000 m3 nước.

- Định kỳ dùng Iotdin phòng bệnh 20 ngày/lần vào những tháng đầu sau giảm 15 ngày/lần. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất (nếu đã dùng chế phẩm sinh học thì không dùng Iotdin và các chất diệt khuẩn khác).

Chú ý: Trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra, tránh trường hợp rách bạt khi gió to. Một yếu tố quan trọng khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt là cần chuẩn bị nhiều thiết bị quạt nước và thời gian chạy quạt phải đảm bảo cung cấp đủ ô-xy trong quá trình nuôi. Trong trường hợp cần thiết có thể dùng ô-xy già (H2O2) hòa nước, tạt đều xuống ao.

Nguồn: Khuyến nông Thái Bình