Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1094
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật trồng cây hành lấy củ ở vụ đông (10/11/2020)

             Cây hành vốn ưa khí hậu lạnh, tốt nhất nên trồng hành vụ đông khi thời tiết bắt đầu hơi se lạnh, thời gian vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 dương lịch. Trong bản tin số này, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật trồng loại cây này:

1. Giống: Hành được trồng từ củ giống được bảo quản từ vụ trước (hành chiêm) hoặc năm trước (hành đông). Củ giống trước khi đem trồng tốt nhất nên xử lý nấm bệnh tồn dư trên củ. Cách làm như sau:

- Sử dụng 1 gói Validacin 10ml pha với 10 lít nước cho vào bình phun đều cho 30 - 40kg củ hành giống rồi đảo đều, để ráo sau đó đem trồng.

- Để hành nhanh mọc có thể cắt bớt 1/5 - 1/4 về phía chóp của củ.

2. Làm đất:

- Đất trồng hành tốt nhất là đất thịt nhẹ, đất pha cát, nhất là đất được luân canh với cây lúa nước.

- Đất được cày bừa kỹ, rắc vôi bột (15 - 20kg/sào) lên luống với kích thước cao 25 -  30cm, rộng 1- 1,2m rồi tiến hành san phẳng bề mặt. Xử lý đất trước khi trồng bằng thuốc diệt nấm Validacin (15 - 20ml/bình 16 lít/sào), phun trước trồng khoảng 2 - 3 ngày.

3. Kỹ thuật trồng

- Tốt nhất, nên tưới ẩm luống hành trước khi đặt củ. Củ hành được đặt chắc xuống luống đất, sâu khoảng 1/3 củ.

- Không nên đặt nông hơn hoặc sâu hơn đều hạn chế sự sinh trưởng của cây hành (đổ ngã hoặc thối hỏng). Tùy theo kích thước luống, bố trí các hàng sao cho hàng cách hàng 22 - 25cm, cây cách cây 13 - 18cm.

- Sau đặt củ dùng trấu để phủ kín củ hoặc dùng rơm rạ phủ một lớp mỏng trên mặt luống để giữ độ ẩm cho hành nhanh mọc.

4. Phân bón 

- Lượng phân: Tùy vào chân đất và mức độ thâm canh, mỗi sào bón khoảng 4 – 5 tạ phân chuồng hoai mục (có thể thay thế bằng 25 - 30kg phân vi sinh); lân supe: 30 - 35kg; đạm Ure 10 - 12kg/sào; kali clorua 6 - 8kg hoặc có thể sử dụng 20 – 25 kg phân NPK loại 13:13:13 + TE hay loại 16:16:8...

- Cách bón phân:

+ Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng (hoặc phân vi sinh) + 70% lân supe + 4 – 5kg đạm Ure, phân được bón trước khi trồng sau đó lấp đất tránh để phân tiếp xúc với củ giống.

+ Tưới phân thúc:

Lần 1 khi hành bật khỏi mặt rạ khoảng 10 - 12cm (15 - 20 ngày sau trồng tùy điều kiện thời tiết). Lần 2 sau lần 1 khoảng 10 - 12 ngày. Tưới với lượng 2 - 3kg urê + 5kg supe lân + 1 kg kali cho mỗi lần.

Lần 3: Tưới khi hành bắt đầu xuống củ. Tưới với lượng 1kg urê + 2 - 3 kg kali.

Lần 4 cách lần 3 từ 7 - 10 ngày. Tưới với lượng 1kg urê + 2 - 3 kg kali.

5. Một số kinh nghiệm phòng trừ bệnh hại chính

- Giai đoạn cây hành non: Đây là giai đoạn cây hành mẫn cảm nhất với bệnh chết rũ do nấm hoặc vi khuẩn héo xanh phát sinh gây hại. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu bổ sung phân vi sinh và các chế phẩm chứa nấm đối kháng Trichodecma ngay từ lúc bón lót phân cho hành và hòa nước tưới cho hành định kỳ 10 ngày/lần ở giai đoạn sau mọc đến hành bật khỏi mặt rạ 15 - 20cm thì tỷ lệ cây chết được giảm thiểu.

- Giai đoạn hành xuống củ: Muốn bảo tồn được bộ thân lá hành để hành xuống củ được tốt cần phòng bệnh định kỳ cho cây, nhất là khi thời tiết có mưa kéo dài hoặc sương ban đêm. Thuốc dùng để phòng bệnh cho hành nên chọn thuốc Zineb hoặc Rhidomil hoặc Alfamil…, không nên phòng bằng thuốc Boocdo dễ làm cháy lá hành. Cần phun trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc trị nấm khi bệnh chớm xuất hiện./.

Nguồn: Khuyến nông Thái Bình