Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 77600
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Bí đỏ Cô Tiên (30/09/2021)

Giống Bí đỏ Cô Tiên hay còn gọi là bí hồ lô, bí quả lạc, quả nhỏ vừa phải, phù hợp với các bữa ăn trong gia đình, trọng lượng quả nặng khoảng 0,8 – 1,0 kg. Là giống sinh trưởng khoẻ, thích hợp trồng dày. Có khả năng kháng bệnh phấn trắng, thịt dày màu cam, ăn ngon thích hợp cho xào, nấu canh, nấu chè…

1. Thời vụ trồng: 

- Thời gian sinh trưởng của giống khoảng 85 - 100 ngày. Vụ thu đông gieo 20/9 - 25/10 hàng năm.

2. Lượng hạt giống: 

- Khoảng 1,0 - 1,2 kg/ha (36 - 43g/sào).

3. Xử lý hạt giống: 

- Ngâm hạt trong nước ấm từ 50 - 540C (3 sôi, 2 lạnh) từ 5 - 6 tiếng, sau đó rửa sạch nhớt, lau khô, gói ủ hạt vào mảnh vải ẩm khoảng 36 giờ.

- Khi hạt nứt nanh thì đem gieo vào bầu, mỗi bầu gieo 01 hạt (gieo dự phòng khoảng 10 - 15% số bầu).

4. Gieo hạt:

- Trên chân ruộng chuyên trồng màu, đất tơi xốp, chủ động được thời vụ, có thể gieo thẳng hạt trên ruộng, gieo từ 1 - 2 hạt/hốc. Cần gieo hạt đã nứt nanh hoặc nhú rễ trắng, khi gieo cần đặt phần rễ h­ướng xuống d­ưới và phủ 1 lớp đất bột mỏng lên trên hạt.

- Nếu trồng trên chân ruộng cấy 2 vụ lúa hoặc ruộng chưa chủ động được thời vụ, cần tiến hành làm bầu. Có thể làm bầu bằng lá chuối, túi nilon…

- Trộn đất bột và phân chuồng mục theo tỷ lệ 1:1, sau đó cho đất vào cách mép bầu khoảng 1 cm. Tưới doa nước đảm bảo độ ẩm của bầu, sau đó tiến hành tra hạt, phủ lớp đất bột mỏng rồi phủ kín bằng rơm, rạ.

- Khi bí bắt đầu mọc cần nhấc rơm, rạ phủ ra ngay. Thường xuyên tưới đảm bảo độ ẩm cho bầu và cây con.

5. Làm đất và lên luống

- Cần chọn ruộng trồng bí ở nơi cao ráo, dễ tưới tiêu. Trước khi trồng bón khoảng 20 kg vôi bột để xử lý nấm bệnh kết hợp rắc Vibasa 10H hoặc Vibasu để diệt sâu xám cắn cây con.

- Trồng không cắm dàn làm luống rộng 3,5 m - 4 m, trồng hai hàng trên luống, hàng cách hàng 2,5 m - 3m, hốc cách hốc 0,5 m, mỗi hốc 2 cây. Chỉ cần làm đất hai bên mép luống, mỗi bên rộng 80 cm để trồng hai hàng.

6. Bón phân lót và trồng:

- Bón bằng phân chuồng hoai mục (phân hữu cơ), khoảng 300 kg/sào. Nếu không có nguồn phân hữu cơ có thể dùng phân vi sinh, hữu cơ vi sinh để thay thế; lân Supe khoảng 20 kg/sào kết hợp dùng phân NPK dễ hòa tan để bón, phân có tỷ lệ 16:16:8 khoảng 4 - 5 kg/sào.

- Cần đánh rạch hoặc bổ hốc rồi bỏ phân lót, phủ đất lên trên phân và trồng cây (tuyệt đối không để cây trồng trực tiếp lên phân).

- Sau gieo 8 - 10 ngày, cây có 2 - 3 lá thật có thể mang đi trồng. Chọn cây khỏe, to, cứng cáp, rễ thẳng, không bị sâu bệnh, dập nát lá.

- Khi trồng cần chú ý thực hiện nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu, cây dễ bị chột. Sau khi trồng phải tưới đẫm nước cho cây, rải rơm rạ xung quanh gốc để hạn chế gió làm lật cây.

7. Chăm sóc, bón phân thúc

Bón phân thúc: Sau trồng 3 - 4 ngày, có thể hòa loãng đạm ure với lân supe hoặc nước lã để tưới nhử cho cây.

- Bón thúc lần 1: Khi cây có 5 - 6 lá thật, dùng 4 - 5kg NPK để bón cho cây, kết hợp làm cỏ và xới phá váng.

- Bón thúc lần 2: Khi cây bắt đầu có hoa, dùng 4 - 5kg NPK + 2 - 3 kg Kali để bón cho cây, kết hợp vun cao, làm rãnh nông ở giữa luống; nếu trồng bò, cần dải rơm rạ trên mặt luống để tua cuốn tránh lật dây và mã quả đẹp hơn; giai đoạn này cần tưới đẫm nước hoặc cho nước ngập 1/3 - 1/2 rãnh luống, khi mặt luống ngấm ẩm đều cần tháo nước đi ngay.

- Bón thúc lần 3: Khi bí đã đậu quả rộ, dùng 4 - 5kg NPK + 2 - 3 kg Kali để bón cho cây.

Bấm ngọn tỉa cành: Khi bí đạt 5 - 6 lá, bắt đầu bấm ngọn để bí phân cành, mỗi cây để 3 - 4 nhánh và mỗi nhánh lấy 01 quả. Trong quá trình chăm sóc, cần điều chỉnh để hướng các cành và thân chính lan trong khu vực mặt luống, hoặc cho bí leo giàn.

- Đè đất ở các vị trí đốt thân: Để tăng rễ bất định ở các đốt, tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng nuôi cây, đồng thời khi thực hiện thao tác này sẽ hạn chế hiện tượng bị lật dây do gió và hạn chế cây bị thối thân, thối đốt.

- Tỉa bớt các lá chân hoặc lá vàng úa, giúp thông thoáng ong bướm dễ tìm hoa hút nhụy, tăng tỉ lệ đậu quả.

- Giai đoạn cây ra hoa tập trung, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có mùi xông hơi mạnh sẽ làm xua đuổi côn trùng đến thụ phấn cho cây như ong, bướm,...; không nên dùng chất kích thích tăng trưởng vì sẽ làm sinh trưởng của cây bị rối loạn; không nên tưới nước lên lá vào sáng sớm sẽ làm ướt hoa, không thụ được phấn.

- Để tăng khả năng đậu quả nên thụ phấn bổ sung cho cây.

8. Phòng trừ sâu bệnh

- Giai đoạn cây con nên phun Validacin, Anvil phòng bệnh thối thân, thối rễ, khoảng 3 - 4 ngày phun một lần. Giai đoạn này cũng hay bị bọ trĩ, nhện đỏ, rầy mềm… hại bí, kết hợp dùng thuốc Regent 800wp để phun (chú ý đối tượng nhện đỏ gây hại).

- Từ khi ra hoa, bí hay bị một số bệnh điển hình như: Bệnh cháy dây: Dùng thuốc Ridomil để phun;  bệnh thối rễ, héo dây: Dùng thuốc Anvil, Validacin để phun; bệnh Sương mai, bệnh thán thư: Phun phòng trừ bằng thuốc Ridomil hoặc Daconil.

Đặc biệt trên cây bí đỏ chú ý bệnh phấn trắng hại cây. Có thể phun phòng trị bệnh bằng thuốc Daconil 75WP, Nativo 750WG,…

9. Thu hoạch:

- Nếu thu quả già, thường thu quả sau 60 ngày thụ phấn. Khi vỏ quả chuyển hết sang màu đỏ, dùng móng tay bấm thấy cứng là có thể ngắt quả./.

Nguồn:Khuyến nông Thái Bình