Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 36018 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Kỹ thuật ủ thức ăn chăn nuôi bằng men vi sinh hoạt tính (11/04/2016)
Hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh phát sinh ngày càng phức tạp, giá thức ăn tăng cao liên tục, vì vậy người chăn nuôi không có lãi. Nhằm giúp bà con nông dân chăn nuôi có lãi, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng về chi phí thức ăn trong chăn nuôi, giúp vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, tăng trọng nhanh, tạo môi trường trong sạch, ít bị ô nhiễm (lượng phân thải ít, phân ít thối…), chúng tôi xin giới thiệu đến bà con nông dân kỹ thuật ủ thức ăn chăn nuôi bằng men vi sinh hoạt tính.
1. Đặc điểm
- Các thực nghiệm chứng minh, khi cho lợn ăn thức ăn “ủ men”, sẽ cho tăng trọng hàng tháng cao hơn 14-27% và thức ăn tiêu tốn giảm 7-22% so với lợn ăn sống không “ủ men”.
- Men vi sinh hoạt tính được dùng để lên men thức ăn, giúp làm chín thức ăn chăn nuôi mà không phải đun nấu. Ưu điểm nổi bật của men vi sinh hoạt tính là lên men thức ăn với lượng nước ít được gọi là lên men khô (ẩm), đồng thời nó còn có thể lên men thức ăn với nhiều nước được gọi là lên men ướt.
2. Phương pháp lên men bằng men vi sinh hoạt tính: Dùng 0,5 kg men để lên men cho 100 kg bột.
- Phương pháp lên men ướt: Đây là phương pháp đơn giản, dễ làm, đỡ tốn công, lên men nhanh trong mọi điều kiện; có thể lên men cả bã đậu, bã sắn, các loại rau và thức ăn lên men đạt chất lượng tốt. Dùng nuôi lợn, bò, gà thả vườn, vịt, ngan…
+ Cách lên men như sau: Để lên men 100 kg bột ngô, cám gạo… Lấy 0,5 kg men và 4 kg bột ngô hoặc cám gạo cho vào thùng, sau đó cho vào 100 lít nước sạch (nước không có sắt, nước không nhiễm mặn… ), khuấy đều để trong 1 giờ. Cân số bột còn lại, trộn sơ qua cho đều, đổ từ từ vào thùng có nước men cho đến hết, nếu thấy nước hơi ngập mặt bột là được.
* Chú ý: Trước khi đổ bột vào thùng, cần phải khuấy cho đều nước men. Để hở miệng 4-5 giờ sau mới đậy kín thùng. Thùng được để ở nơi ấm trong mùa đông, thoáng mát trong mùa hè để lên men được tốt. Thời gian lên men phụ thuộc nhiệt độ ngoài trời: nhiệt độ từ 300C trở lên, khoảng 24 giờ; nhiệt độ từ 300C trở xuống, từ 24 - 48 giờ, khi nào thức ăn có mùi thơm mát và chua nhẹ là được.
+ Khi lên men, thức ăn bị đẩy nổi lên trên, vì thế không được cho bột vào đầy, phải để cách miệng một khoảng chừng 15cm. Mùa thu thời tiết mát mẻ, hay mùa đông thời tiết lạnh có thể thực hiện một lần lên men để cho ăn vài ngày. Nếu trời nóng, nhiệt độ thường trên 300C, chỉ nên cho ăn kéo dài khoảng 2 ngày là tốt nhất.
+ Nếu thùng lên men bị lọt khí hay bị mở ra nhiều lần sẽ dễ bị nấm trắng trên mặt, nên cần chú ý đậy thật kín thùng lên men và tốt nhất chỉ nên cho lên men lượng thức ăn trong 1-2 ngày vào một thùng. Nếu bị một ít nấm trắng thì vẫn dùng cho lợn lớn ăn được. Trước khi cho ăn phải ấn cho chìm phần bột ở trên xuống để được trộn đều với dịch lên men ở dưới.
- Phương pháp lên men ẩm: Đây là phương pháp lên men đòi hỏi điều kiện lên men chặt chẽ hơn, làm tốn công hơn; chỉ lên men được với các loại bột ngô, cám gạo (không tận dụng được bã đậu, bã sắn…) để nuôi lợn số lượng lớn; cho vào máng ăn tự động làm thức ăn nuôi gà, chim cút nhốt trong chuồng, nuôi cá …
+ Cách lên men như sau: Để lên men 100 kg bột ngô và cám gạo. Cho 0,5 kg men vi sinh hoạt tính và 2 kg bột ngô hoặc cám vào thùng có 40 - 45 lít nước sạch, khuấy và để trong 1 giờ. Trộn ngô và cám cho đều, sau đó tưới nước men lên. Sau khi dùng xẻng trộn qua thì dùng tay xoa (hoặc dùng sàng) làm cho bột tơi và ẩm đều.
+ Ở các cơ sở chăn nuôi lớn phải sử dụng khối lượng thức ăn lớn, bà con có thể dùng máy trộn. Cách trộn: Cho các nguyên liệu vào máy trộn sơ qua, sau đó cho nước men vào trộn cho đến khi bột tơi và ẩm đều. Bốc vào thùng hoặc bao tải có lót nilông nhưng không được nén chặt, để hở miệng sau 5-6 giờ thì buộc chặt hoặc đậy kín, ủ ở nơi ấm (trời lạnh), nơi thoáng mát (trời nóng).
+ Thời gian ủ lên men: Nhiệt độ ngoài trời cao (trên 300C) 24-36 giờ, nhiệt độ ngoài trời thấp (dưới 250C) thường từ 36-48 giờ, thức ăn có sự tăng nhiệt độ, có mùi thơm mát và chua nhẹ là được. Có thể thực hiện một lần ủ men để cho ăn vài ngày. Nhưng chú ý lượng thức ăn mỗi ngày nên ủ vào một túi hoặc 1 thùng để cho ăn hết trong ngày. Khi ủ thức ăn cho cá cần ủ trên dưới 3 ngày để hạt thức ăn xốp nhẹ, dễ nổi trong nước.
* Chú ý: Không được nén chặt thức ăn khi cho vào bao hoặc thùng, không để các bao đè lên nhau. Đảm bảo nhiệt độ khi ủ tốt, đặc biệt trời lạnh phải ủ ở nơi ấm. Nếu túi hoặc thùng không được buộc hoặc đậy kín, túi bị rách thủng hoặc do túi thức ăn ủ bị mở ra nhiều lần (một túi mà cho ăn kéo dài 2-3 ngày nên phải lấy ra nhiều lần) sẽ xuất hiện đám mốc trắng.
3. Cách thức cho ăn
Phương pháp trộn thức ăn đậm đặc với thức ăn đã lên men và định lượng cho ăn:
- Khi sử dụng phương pháp lên men ướt: 100 kg bột sau khi lên men ướt sẽ được 200 kg thức ăn đã lên men (trong đó có trên dưới 100 lít nước). Tỷ lệ phối trộn đậm đặc với thức ăn đã lên men và định lượng cho ăn như sau:
+ Lợn lai F1: Lợn tách mẹ - 15 kg: 1 phần đậm đặc/5-6 phần thức ăn đã lên men, lượng thức ăn cho ăn: 0,7 - 1,1 kg/ngày. Lợn từ 16-30 kg: 1 đậm đặc/6-7 phần thức ăn đã lên men, lượng thức ăn cho ăn: 1,2 - 1,7 kg/ngày. Lợn từ 31-60 kg: 1 đậm đặc/7-8 phần thức ăn lên đã men, lượng thức ăn cho ăn: 1,7 - 3,3 kg/ngày. Lợn từ 61 kg đến xuất chuồng: 1 đậm đặc/9 phần thức ăn lên đã men, lượng thức ăn cho ăn: 3,4-4kg/ngày. Lợn nái nuôi con: 1 đậm đặc/8 thức ăn đã lên men. Lợn nái chửa và hậu bị: 1 đậm đặc/11 thức ăn đã lên men, lượng thức ăn lên men đã trộn với đậm đặc cho lợn nái ăn sẽ tăng hơn 80-90% so với dùng thức ăn hỗn hợp cho ăn hay thức ăn viên (vì thức ăn lên men có trên 80-90% là nước).
+ Lợn siêu nạc: Lợn tách mẹ - 15 kg: 1 đậm đặc/4-5 thức ăn đã lên men. Lợn từ 16-30 kg: 1 đậm đặc/5-6 thức ăn đã lên men. Lợn từ 31-60 kg: 1 đậm đặc/6-7 thức ăn lên đã men. Lợn từ 61 kg đến xuất chuồng: 1 đậm đặc/8 thức ăn đã lên men, lượng thức ăn sử dụng giống như nuôi lợn lai F1. Lợn nái nuôi con: 1 đậm đặc/7 thức ăn đã lên men. Lợn nái chửa và hậu bị: 1 đậm đặc/10 thức ăn đã lên men, lượng thức được tính tương tự như nuôi lợn lai F1.
+ Gà, vịt, ngan, cút…: Loại nhỏ: 1 đậm đặc/5 thức ăn đã lên men. Loại lớn: 1 đậm đặc/7 thức ăn đã lên men. Hai loại trên cho ăn tự do ngày 2- 3 lần nhưng thức ăn không được để thừa trên máng ăn qua đêm. Loại đẻ trứng: 1 đậm đặc/7 thức ăn đã lên men. Lượng thức ăn cho ăn là 0,18-0,2 kg/ngày.
- Khi sử dụng phương pháp lên men ẩm: 100 kg bột sau khi lên men ẩm sẽ được 135-140 kg thức ăn đã lên men (trong đó có 35-40 kg nước). Tỷ lệ phối trộn đậm đặc với thức ăn đã lên men và định lượng cho ăn như sau:
+ Lợn lai F1: Lợn tách mẹ - 15 kg: 1 đậm đặc/4-5 thức ăn đã lên men, lượng thức ăn cho ăn: 0,5 - 0,8 kg/ngày. Lợn từ 16-30 kg: 1 đậm đặc/5-6 thức ăn đã lên men, lượng thức ăn cho ăn: 0,8-1,2 kg/ngày. Lợn từ 16-60 kg: 1 đậm đặc/6-7 thức ăn đã lên men, lượng thức ăn cho ăn: 1,2-2,3 kg/ngày. Lợn từ 61 kg đến xuất chuồng: 1 đậm đặc/8 thức ăn lên đã men, lượng thức ăn cho ăn: 2,3-3,0 kg/ngày. Lợn nái nuôi con: 1 đậm đặc/7 thức ăn đã lên men. Lợn nái chửa và hậu bị: 1 đậm đặc/10 thức ăn đã lên men, lượng thức ăn lên men đã trộn với đậm đặc cho lợn nái ăn sẽ tăng hơn 35% so với dùng thức ăn hỗn hợp cho ăn hay thức ăn viên (vì thức ăn lên men có trên 35% là nước).
+ Lợn siêu nạc: Lợn tách mẹ - 15 kg: 1 đậm đặc/3-5 thức ăn đã lên men. Lợn từ 16 - 30 kg: 1 đậm đặc/4-5 thức ăn đã lên men. Lợn từ 31 kg đến 60 kg: 1 đậm đặc/5-6 thức ăn đã lên men. Lợn từ 61 kg đến xuất chuồng: 1 đậm đặc/7,5 thức ăn đã lên men. Lượng thức ăn sử dụng giống như nuôi lợn lai F1. Lợn nái nuôi con: 1 đậm đặc/6,5 thức ăn đã lên men. Lợn nái chửa và hậu bị: 1 đậm đặc/9 thức ăn đã lên men, lượng thức ăn cho lợn nái ăn tương tự như nuôi lợn nái lai F1.
+ Gà, vịt và chim cút: Gà, vịt và chim cút nhỏ: 1 thức ăn đậm đặc/4 thức ăn đã lên men. Gà, vịt và chim cút lớn: 1 thức ăn đậm đặc/6 thức ăn đã lên men. Hai loại trên cho ăn tự do ngày 2-3 lần nhưng thức ăn không được để thừa trên máng ăn qua đêm. Gà, vịt… đẻ trứng: 1 thức ăn đậm đặc/6 thức ăn đã lên men, lượng thức ăn cho ăn là 0,16- 0,18 kg/ngày.
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)