Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 24865 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Kỹ thuật xử lý ao đầm, chăm sóc thủy sản trong và sau mưa lớn kéo dài (24/09/2015)
Năm 2015, thời tiết diễn biến theo chiều bất lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản. Mưa nắng thất thường xảy ra trên diện rộng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm, cá. Các yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi làm tôm cá dễ bị sốc, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh. Để hạn chế tới mức thấp nhất mọi rủi ro có thể xảy ra, chúng tôi xin giới thiệu với bà con một số biện pháp kỹ thuật xử lý ao đầm và kỹ thuật chăm sóc thủy sản trong và sau những ngày mưa lớn:
1. Kỹ thuật xử lý ao đầm trong và sau mưa lớn kéo dài
- Thứ nhất: Khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nước ao nuôi dễ bị phân tầng trên ngọt, dưới mặn; xảy ra tình trạng thiếu ô-xy tầng đáy, bà con cần sử dụng quạt nước, sục khí hoặc máy bơm, bơm đảo nước trong ao để chống sự phân tầng của nước, chủ động tháo nước tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa có trong ao.
Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH giảm, bà con nên hòa vôi bột té đều trên khắp mặt ao và bờ ao để ổn định pH nước ao nuôi và làm giảm độ đục của ao. Liều lượng vôi bón phụ thuộc vào pH của nước ao.
- Thứ hai: Quá trình mưa lớn kéo dài sẽ làm các chất thải từ trên bờ chảy xuống ao cộng thêm các hợp chất hữu cơ do phân và thức ăn thừa của tôm cá sẽ tồn đọng tích tụ dưới đáy ao. Khi mưa dứt, nắng bật lên các chất hữu cơ phân hủy nhanh tạo ra các khí độc như Hydro-Sunfua, Amoniac trong ao làm tôm cá dễ bị ngộ độc, bà còn cần sử dụng Zeolaite để giải phóng khí độc trong ao nuôi với liều lượng từ 15-20 kg/1000m3 hoặc sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trong thời gian xử lý hóa chất, bà con nên sử dụng máy quạt nước, sục khí để tăng cường ô-xy hòa tan trong nước; chủ động có sẵn Oxytazen dạng hạt hoặc dạng nước để đề phòng tình trạng thiếu ô-xy cục bộ xảy ra.
2. Chăm sóc thủy sản trong mùa mưa
- Đối với tôm:
Trong những ngày mưa và sau mưa thời tiết chưa ổn định người nuôi không nên cho tôm ăn tươi sống (Don dắt, ốc ...) nhất là với các ao nuôi tôm Sú dễ gây ra tình trạng ô nhiễm nước ao nuôi.
Tranh thủ những giờ giờ tạnh mưa, cho tôm ăn thức ăn công nghiệp có chất lượng tốt, lượng thức ăn trong những ngày trời mưa nên giảm từ 20 đến 25% so với lượng thức ăn hàng ngày .
Với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 2 cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi và kịp thời bổ sung các khoáng chất để ổn định môi trường, tránh hiện tượng tôm mềm vỏ, đồng thời bổ sung men tiêu hóa, Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng phòng bệnh gan, phân trắng cho tôm.
- Đối với cá:
Trong những ngày mưa nên hạn chế thức ăn tươi sống, chủ động phòng chống hiện tượng úng lụt, vệ sinh khu vực cho cá ăn, phối trộn thuốc phòng bệnh Tiên đắc với lượng 0,25g/kg cá để phòng mội số loại bệnh thường gặp ở các loài cá nuôi. Dùng thuốc Vikato rải trực tiếp xuống ao với lượng từ 400-500g/1000m3 để tiêu độc khử trùng và phòng bệnh ngoại ký sinh trùng cho ao nuôi cá
- Đối với ngao:
Đối với khu vực nuôi ngao ngoài bãi triều, bà con cần đề phòng hiện tượng ngọt hóa của môi trường nuôi ngao do lượng nước mưa tích tụ và lượng nước mưa tiêu úng từ nội đồng đổ ra vì vậy với những bãi ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên tiến hành thu hoạch ngay để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra
Với cỡ ngao chưa đến kỳ thu hoạch, nên chủ động san thưa mật độ nuôi, tạo điều kiện sống thuận lợi cho ngao trong thời gian môi trường biến động với các cỡ như sau:
Cỡ ngao 600-2000con/kg mật độ 250-350con/m2
Cỡ ngao 400-600con/kg mật độ 180-250 con/m2
Cỡ ngao dưới 400con/kg mật độ dưới 180 con/m2
Chủ động theo dõi, kiểm tra các diễn biến của ngao, thực hiện tốt việc khai thông các vùng nước đọng, tránh hiện tượng ứ đọng nước ngọt cục bộ kéo dài làm chết ngao nuôi.
Bên cạnh đó trong những tháng 8,9,10 thường có mưa bão xẩy ra, bà con nên chủ động về mùa vụ thả giống, kích cỡ giống thả và mật độ nuôi cho phù hợp theo khuyến cáo của các cơ quan chức để có thể thu hoạch trước mùa mưa, bão.
Nguồn: Sở NN&PTNT Thái Bình
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)