Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 16394
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

Loài cá dữ tợn có hàm răng to kỷ lục (06/09/2024)

Những chiếc răng sắc như dao cạo của cá rắn hoàn toàn trong suốt giúp chúng giấu kín vũ khí, khiến con mồi không kịp nhận ra trước khi quá muộn.

Hình dáng của cá rắn Sloane. Ảnh: Diego Grandi

Cá rắn Sloane (Chauliodus sloani) là loài cá biển sâu có hình dáng đáng sợ với những chiếc răng nhọn hoắt. Chúng được tìm thấy ở vùng biển nhiệt đới và ôn đới, phân bố rộng ở Thái Bình Dương, phía tây biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương. Theo Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinnes, cá rắn Sloane có hàm răng lớn nhất so với kích thước đầu, chiếm hơn một nửa chiều dài đầu. Trên thực tế, răng nanh của chúng dài đến mức không thể ngậm miệng lại. Bởi nếu làm vậy, chúng sẽ tự xuyên thủng não của mình, theo IFL Science.

Cá rắn Sloane thường không dài quá 35 cm và bộ răng thậm chí còn nhỏ hơn, chỉ dài hơn một centimet. Chúng chuyên ăn các loài cá có xương khác và động vật giáp xác nhỏ. Mặt bên thân của chúng được bao phủ bởi cơ quan phát sáng nhỏ gọi là photophore, lóe lên màu xanh lá cây - xanh dương hoặc vàng. Ánh sáng nhấp nháy không chỉ giúp cho giấu hình bóng của cá rắn khỏi động vật ăn thịt mà còn thu hút con mồi thông qua tua dài ở sống lưng.

Để ăn con mồi lớn, cá rắn có thể tách rời khớp hàm, để miệng há to 90 độ. Kết hợp với khả năng giãn nở dạ dày, cá rắn có khả năng tiêu thụ thức ăn dài bằng 63% chiều dài cơ thể nó. Do đó, mỗi lần ăn của chúng cách nhau khoảng 12 ngày. Khi chúng nuốt mồi, hàm răng khép lại. Lực cắn mạnh đến mức đốt xương sống đầu tiên của cá rắn Sloane nằm phía sau đầu tiến hóa để đóng vai trò hấp thụ sốc.

Ngay cả khi con mồi đủ nhỏ để không bị cắn trúng, nó hầu như không có khả năng trốn thoát khỏi miệng cá rắn Sloane. Hàm răng nhọn đan vào nhau tạo thành một chiếc lồng không kẽ hở nhốt chặt con mồi trong khoang miệng.

An Khang (Theo IFL Science)

Cập nhật ngày: 27/8/2024

https://vnexpress.net/loai-ca-du-ton-co-ham-rang-to-ky-luc-4785998.html