Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3733
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Một số bệnh ký sinh trùng trên cá nuôi (30/10/2018)

           Bệnh ký sinh trùng thường gặp trên cá nuôi bao gồm: Bệnh do trùng mỏ neo, rận cá, nấm thủy my, trùng bánh xe, bệnh do bào tử trùng, bệnh sán lá đơn chủ.

1. Bệnh trùng mỏ neo

Tác nhân: Trùng gây bệnh có tên Lernaea, dạng giống mỏ neo, cơ thể có chiều dài 8 - 16mm, giống như cái que, đầu có mấu giống mỏ neo cắm sâu vào cơ thể cá.

Dấu hiệu: Cá nhiễm bệnh kém ăn, gầy yếu, chung quanh chỗ trùng bám là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Tác hại: Bệnh gây tác hại lớn cho cá giống và cá hương. Trùng thường ký sinh ở da, mang, vây, mắt… trên các loài cá như: Cá bống tượng, chép, mè, tai tượng…

Phòng trị: Kiểm tra trước khi thả nuôi, nếu phát hiện có trùng mỏ neo ký sinh, dùng thuốc tím liều lượng 10 - 25 g/m3 tắm trong 1 tiếng. Trị bệnh có thể dùng lá xoan liều lượng 0,3 - 0,5 kg/m3 nước. Hoặc có thể dùng Hadaclean theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

2. Bệnh rận cá

Tác nhân: Trùng thường gây thuộc giống Argulus và Alitropus màu trắng ngà, có hình dạnh giống con rệp, nên còn gọi là rận cá, hoặc bọ cá, bọ vè, có thể nhận thấy bằng mắt thường.

Dấu hiệu: Trùng ký sinh bám trên da cá, hút máu cá, đồng thời phá hủy da, làm viêm loét tạo điều kiện cho các sinh vật khác tấn công.

Phòng trị: Áp dụng cách phòng trị giống trùng mỏ neo hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 10 g/m3 dùng trong 1 tiếng.

3. Bệnh nấm thủy my

Tác nhân: Do hai giống nấm là Saprolegnia và Achlya.

Dấu hiệu: Cá mắc bệnh trên da xuất hiện những vùng trắng xám, có những sợi nấm nhỏ nhìn trong nước giống như sợi bông trên thân cá và có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Tác hại: Các giai đoạn phát triển của các loài cá nước ngọt, baba, ếch… dễ có thể nhiễm nấm khi nuôi cá với mật độ dày. Cùng đó, nấm dễ phát triển ở điều kiện nhiệt độ nước 18 – 250C.

Phòng trị: Có thể áp dụng một số biện pháp phòng trị bệnh sau:

+ Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp: Dùng Potassium Dichromate liều lượng 20 - 24 g/m3; nếu cá có vết thương, có thể bôi trực tiếp dung dịch Potassium Dichromate 5% hoặc iodine 5% (cá bố mẹ).

+ Có thể điều trị bằng việc dùng muối tắm cho cá, lượng 20 - 30 kg/m3 trong thời gian 10 - 15 phút, hoặc 10 - 15 kg/m3 trong 20 phút, hay 2 - 3 kg/m3 không giới hạn thời gian.

+ Formalin liều 0,4 - 0,5 ml/l trong 1 tiếng.

+ Phèn xanh (CuSO4) liều 100 g/m3 trong 10 phút.

4. Bệnh trùng bánh xe

Tác nhân: Do trùng bánh xe Trichodina ký sinh ở da và mang cá, bệnh thường phát triển vào những ngày trời không nắng, âm u hoặc mưa kéo dài.

Triệu chứng: Màu sắc cá nhợt nhạt, thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục, đuôi, vây bị xơ mòn, bơi lội không định hứng, thân cọ vào cây cỏ như bị ngứa.

Phòng trị: Để điều trị bệnh này, có thể sử dụng nhiều loại hóa chất, nhưng lại không an toàn, theo đó, người nuôi nên áp dụng phương pháp tắm cá và dùng thuốc.

Tắm cá: Dùng muối ăn (NaCl), nồng độ 2 - 3% tắm cho cá trong thời gian 5 - 10 phút hoặc dùng CuSO4 nồng độ 3 - 5 ppm (3 - 5 g/m3 nước) tắm cho cá trong 5 - 10 phút.

Phun thuốc trực tiếp xuống ao: Bằng việc dùng CuSO4 nồng độ 0,5 - 0,7 ppm (0,5 - 0,7 g/m3).

5. Bệnh do bào tử trùng

Tác nhân: Do bào tử trùng Myxobolus sp. ký sinh trên mang cá, trùng này rất khó diệt do khi gặp điều kiện bất lợi chúng sẽ tạo kén để ẩn nấp.

Triệu chứng: Cá bị bệnh thường hô hấp kém, do mang và da tiết ra nhiều dịch nhờn, phần da và mang bị trùng ký sinh sẽ viêm loét, tạo điều kiện cho vi khẩn, nấm và một số vi sinh vật khác gây bệnh.

Trị bệnh: Dùng muối liều lượng 25 - 30 kg/m3 tắm cho cá trong thời gian 10 -15 phút, hoặc 10 - 15 kg/m3 trong 20 phút.

Hoặc dùng Formalin liều lượng 0,4 - 0,5 ml/l trong 1 tiếng.

6. Bệnh sán lá đơn chủ

Tác nhân: Do sán lá đơn chủ 16 móc (Dactylogyrus) hoặc 18 móc (Gyrodactylus) ký sinh vào da và mang cá.

Dấu hiệu: Cá bị bệnh thường hô hấp kém, do mang và da tiết ra nhiều dịch nhờn, phần da và mang cá bị ký sinh sẽ viêm loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số vi sinh vật khác gây bệnh.

Phòng trị: Có thể dùng hóa chất giống như điều trị bệnh trùng mỏ neo hoặc dùng Hadaclean với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam