Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 35375
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

Mối quan hệ giữa san hô và tảo có thể giúp ngăn chặn hiện tượng tẩy trắng san hô (24/05/2019)

Để bảo vệ các rạn san hô, các nhà khoa học cho rằng việc nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa san hô và tảo là cần thiết. Trong các sự kiện tẩy trắng san hô, áp lực môi trường đã phá vỡ mối quan hệ cộng sinh giữa san hô và tảo.

 

Tảo cộng sinh phát triển bên trong các polyp san hô Acropora tenuis. Ảnh: Katarina Damjanovic.

 

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Trends in Ecology and Evolution, các nhà khoa học cho rằng hầu hết các nghiên cứu về hiện tượng tẩy trắng san hô đều tập trung hoàn toàn vào san hô và nên tăng cường tập trung vào loài tảo sống trong bộ khung san hô.

 

"Người ta biết rất ít về các cơ chế phân tử làm nền tảng cho mối quan hệ cộng sinh của chúng - làm thế nào chúng ta có thể hiểu được sự phá vỡ nếu chúng ta không hiểu mối quan hệ ngay từ đầu?" Cheong Xin Chan, nhà nghiên cứu tại trường Đại học Queensland và Viện Khoa học sinh học phân tử nói.

 

Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu lý do tảo rời bỏ san hô khi nhiệt độ tăng và nồng độ axit trong nước biển tăng. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng quan tâm đến nguyên nhân vì sao một số loại tảo và rạn san hô nơi tảo sinh sống có khả năng phục hồi tốt hơn những loài khác.

 

Loài tảo kết hợp với san hô có tên là dinoflagellate, một nhóm thực vật phù du. Tảo có được nơi trú ẩn từ san hô, trong khi san hô chiếm lấy một phần năng lượng mà tảo khai thác từ ánh nắng mặt trời thông qua quá trình quang hợp.

 

"Họ tảo này rất đa dạng", Chan nói. "Một số độc hại, gây ra hiện tượng tảo độc nở hoa được gọi là “thủy triều đỏ”, trong khi số khác cung cấp khả năng phát quang sinh học hoặc sinh trưởng trong băng biển và nhiều loài sống tự do".

 

Để tìm hiểu rõ hơn về các thực vật phù du này, nhóm nghiên cứu đang lập trình tự bộ gen của các loài tảo này và tìm kiếm các gen quyết định các đặc trưng như khả năng phục hồi và thích nghi. Nhưng việc tìm ra cách làm sáng tỏ và nghiên cứu bộ gen của tảo là một thách thức.

 

Raul González-Pech, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Không có gì là đơn giản với những loài tảo này vì chúng có một số bộ gen kỳ lạ nhất mà chúng tôi từng thấy. Trong một tế bào ở người, ADN được tổ chức thành 23 cặp nhiễm sắc thể nhưng ADN của các tế bào tảo này được kết hợp chặt chẽ đến mức chúng tôi vẫn không biết chính xác chúng có bao nhiêu nhiễm sắc thể".

 

Nhóm nghiên cứu đã giải trình tự bộ gen của chín loài tảo chỉ trong bốn năm và hiện đang cố gắng so sánh bộ gen của các loài tảo thích sống trong san hô với bộ gen của các loài tảo sống tách biệt.

 

Nguồn: N.P.D (NASATI)/www.vista.gov.vn

Cập nhật: 21/5/2019