Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 28248 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Ấn Độ và hàm ý cho Việt Nam (21/10/2024)
Đây là tên đề tài do Viện Nghiên cứu Ấn độ và Tây Nam Á triển khai được thực hiện từ năm 2022 – 2023. Đề tài do TS Phạm Cao Cường chủ nhiệm. Đề tài triển khai với mục tiêu Làm rõ một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Ấn Độ và từ đó rút ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Ấn Độ nằm ở phía Nam của khu vực châu Á, là quốc gia lớn thứ bảy trên thế giới với đường biên giới đất liền khoảng 15.200 km và tổng chiều dài đường bờ biển, bao gồm cả Andaman, Nicobar và Lakshadweep là 7.516,6 km. Xét về mặt địa lý, Ấn Độ là một quốc gia có vị trí hàng hải độc đáo, là nơi sinh sống của chín bang ven biển với 1.382 đảo nhỏ. Quốc gia này cũng có tới 12 cảng biển chính, trong tổng số 187 cảng biển xử lý khoảng 1.400 triệu tấn hàng hoá mỗi năm. Tại Ấn Độ, khoảng 95% thương mại nước này được thực hiện thông qua vận tải biển. Bên cạnh đó, với một vùng đặc quyền kinh tế có diện tích hơn 2 triệu km2 rất giàu tài nguyên, khoáng sản như dầu thô, khí đốt đã mang lại cho Ấn Độ rất nhiều lợi ích, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia. Nền kinh tế ven biển của Ấn Độ là nơi sinh sống của hơn 4 triệu ngư dân cùng với các cộng đồng ven biển khác. Với tiềm năng như vậy, biển và đại dương đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển xanh của của Ấn Độ.
Với vai trò của biển và đại dương trong không gian phát triển của mình, từ năm 1981 Ấn Độ đã thành lập Cục Phát triển Đại dương và đưa ra nhiều sáng kiến, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tháng 2/2019, Chính phủ Ấn Độ đưa ra “Tầm nhìn về Ấn Độ mới” tới năm 2030 trong đó nhấn mạnh kinh tế đại dương là một trong mười khía cạnh cốt lõi của tăng trưởng kinh tế Ấn Độ. Từ năm 2015, Bộ Khoa học Trái đất (MoES) của Ấn Độ đã xây dựng “Dự thảo chính sách kinh tế biển xanh” của Ấn Độ trong đó đưa các mục tiêu và định hướng phát triển. Kinh tế biển xanh được hiểu là một tập hợp con của nền kinh tế quốc dân, bao gồm toàn bộ hệ thống tài nguyên biển và cơ sở hạ tầng kinh tế do con người tạo ra ở các vùng biển, hàng hải và ven biển trong phạm vi quyền tài phán quốc gia. Nó hỗ trợ sản xuất hàng hóa và dịch vụ có mối liên hệ rõ ràng với tăng trưởng kinh tế, bền vững môi trường và an ninh quốc gia. Kinh tế biển xanh là một cơ hội kinh tế xã hội rộng lớn cho các quốc gia ven biển như Ấn Độ để sử dụng tài nguyên đại dương vì lợi ích xã hội một cách có trách nhiệm. Kinh tế biển xanh, bao gồm các hoạt động kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên biển, chiếm 4,1% nền kinh tế của Ấn Độ.
Về mặt địa chính trị, vùng biển Ấn Độ, mà rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương, ngày càng trở nên quan trọng đối với địa chính trị của khu vực và quốc tế. Trong quá khứ, Ấn Độ nhận thức được tầm quan trọng của biển đối với an ninh và quốc phòng của mình. Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Ấn Độ đã xác định mục tiêu bảo vệ tuyến đường vận chuyển trên biển, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hoá đến và đi khỏi Ấn Độ, đồng thời ngăn chặn bất kỳ cuộc đổ bộ nào của kẻ thù lên bờ biển Ấn Độ. Thủ tướng Jawaharlal Nehru khi đó đã thừa nhận tầm quan trọng của lĩnh vực hàng hải và nhấn mạnh sự cần thiết phải có năng lực phòng thủ biển nhất định để hỗ trợ phát triển quốc phòng và thương mại nói chung. Sau khi tiến hành cuộc cải cách kinh tế vào những năm 1990, Ấn Độ có được nguồn lực để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế và an ninh - quốc phòng biển. Ấn Độ cũng chuyển sang nâng cao vai trò lãnh đạo của mình ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, thông qua việc hướng tới an ninh chung, bình đẳng và hợp tác trong khu vực. Trên cơ sở đó, Ấn Độ triển khai Sáng kiến An ninh và Tăng trưởng chongười dân khu vực (SAGAR), tham gia Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Hội nghị chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương (IONS). Bên cạnh đó, Ấn Độ còn đưa ra nhiều chính sách, chiến lược nhằm thúc đẩy an ninh biển, bao gồm: Tầm nhìn Hàng hải 2030, Học thuyết biển Ấn Độ năm 2004 và 2009, Chiến lược hải quân Ấn Độ năm 2007, Chiến lược an ninh biển Ấn Độ năm 2015… Bên cạnh đó, Ấn Độ còn cho công bố hai tài liệu chiến lược quan trọng, bao gồm: Tự do sử dụng các vùng biển: Chiến lược quân sự hàng hải của Ấn Độ và Đảm bảo các vùng biển an toàn: Chiến lược an ninh hàng hải của Ấn Độ. Đây là những sáng kiến, chiến lược thể hiện việc coi trọng biển đối với phát triển kinh tế, an ninh của Ấn Độ trong đó nhấn mạnh sự ưu tiên của Ấn Độ trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, không chỉ giới hạn về việc bảo vệ biển đảo, vùng lãnh thổ, mà còn bảo vệ lợi ích các vùng đặc quyền kinh tế, bảo vệ thương mại tự do và góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Sự thay đổi địa chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương càng khiến cho Ấn Độ coi trọng nhiều hơn vai trò của biển trong các chiến lược của mình. Những dự báo về sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng như vị thế của quốc gia này trong bàn cờ chính trị thế giới trong 30 năm tới đang đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu và đánh giá vai trò của biển và đại dương trong quá trình phát triển của Ấn Độ, nhất là khi nước này có tham vọng trở thành một cường quốc biển trong tương lai. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 7% từ năm 2014 đến nay, Ấn Độ được coi là quốc gia năng động nhất trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu của thế giới. Việc Thủ tướng Modi lên nắm quyền vào năm 2014 cũng tạo điều kiện để Ấn Độ tiếp tục củng cố các chính sách và tầm nhìn về biển, coi trọng vai trò của biển đối với các lợi ích kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của Ấn Độ, thông qua việc xây dựng Tầm nhìn về biển của Ấn Độ tới năm 2030 (Maritime India Vision 2030). Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển của các tầm nhìn, sáng kiến của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Kể từ năm 2019, Ấn Độ cũng đã vượt Anh, Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Để đạt được các mục tiêu đề ra, chính phủ Ấn Độ đang có chủ trương xây dựng một chiến lược về phát triển kinh tế biển xanh nhằm thúc đẩy nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ và xây dựng tổ quốc của mình. Chiến lược này được thực hiện trong mối quan hệ tổng thể và bền vững với những vấn đề kinh tế - xã hội, văn hoá biển của Ấn Độ gắn với việc bảo vệ an ninh và quốc phòng. Do vậy, việc nghiên cứu chiến lược kinh tế biển xanh của Ấn Độ là một chủ đề rất hay và có ý nghĩa. Việc nghiên cứu này sẽ giúp trả lời câu hỏi tại sao hiện nay Ấn Độ lại chuyển hướng thực hiện chiến lược biển xanh, quan điểm của các học giả, các nhà nghiên cứu, của chính phủ Ấn Độ về việc triển khai chiến lược mới này là như thế nào? Những điều kiện để thực hiện chính sách, luận cứ khoa học của các chính sách này là như thế nào cần phải có câu trả lời thấu đáo.
Có một thực tế là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện đang trở thành khu vực địa chiến lược quan trọng, thu hút sự quan tâm của các cường quốc trong và ngoài khu vực. Với việc Mỹ công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, vai trò của Ấn Độ ngày càng trở nên quan trọng và được khẳng định trong trật tự thế giới và khu vực. Việc hình thành Tứ giác kim cương (QUAD) với sự tham của Ấn Độ, hay việc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… công bố các tầm nhìn và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình cho thấy vai trò ngàycàng lớn của không gian biển và đại dương trong các chiến lược phát triển quốc gia, cũng như sự dịch chuyển của cục diện thế giới trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu, xem xét đánh giá một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Ấn Độ có ý nghĩa vai trò quan trọng trong việc đánh giá, vai trò, vị thế của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, nó cũng giúp định vị lại các lợi ích địa chiến lược của Ấn Độ trong tương quan quan hệ của Ấn Độ với các nước trong và ngoài khu vực trong bối cảnh có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước ngày càng trở nên gay gắt. Vai trò của biển trong chiến lược trở thành cường quốc biển của Ấn Độ, trong sự cạnh tranh của Ấn Độ với Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác cần phải được làm rõ và khảo cứu.
Trong khi đó, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiến triển khi hai nước thiết lập khuôn khổ của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2016. Ấn Độ cũng là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và trong các khuôn khổ hợp tác song phương khác. Trong thập niên qua, chính sách của Ấn Độ với Việt Nam được đặt trong tổng thể Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối nhiều hơn. Để triển khai các khía cạnh hợp tác trong tuyên bố “Tầm nhìn chung vì Hoà bình, Thịnh vượng và Con người” đã được Thủ tướng hai nước tuyên bố vào ngày 21/12/2020. Dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc nêu trong Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI), hai bên sẽ tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới và thực chất nhằm tăng cường năng lực về kinh tế biển, an ninh và an toàn hàng hải, môi trường biển và sử dụng bền vững tài nguyên biển, kết nối hàng hải, nhằm bảo đảm an ninh và tăng trưởng cho cả khu vực. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Ấn Độ là vô cùng cần thiết nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam với Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế, hàng hải từ góp phần vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, với khoảng 1/3 dân số sinh sống tại vùng duyên hải và có tới 28 tỉnh, thành giáp biển đóng góp khoảng hơn 50% tổng GDP của Việt Nam. Với nhận thức rõ về tầm quan trọng của biển trong chiến lược bảo vệ an ninh, chủ quyền và phát triển, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách quan trọng như Chiến lược biển đến năm 2020 tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng khoá X năm 2007. Hội nghị lần thứ 8 BCHTW Đảng khoá XII năm 2018 đã thông qua Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tháng 3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP về kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 và đã quyết liệt đẩy mạnh thực hiện chiến lược này. Điều này cho thấy tầm quan trọng của biển và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc Ấn Độ sẽ giúp rút ra những hàm ý, bài học kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách về biển.
Để tăng cường nguồn lực phát triển kinh tế biển xanh, Việt Nam cần phải xác định các lĩnh vực ưu tiên dựa trên tiềm lực và thế mạnh của mình theo thứ tự “xanh hóa”, như (i) Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; (ii) vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; (iii) du lịch biển và kinh tế đảo; (iv) khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; (v) phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; (vi) xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo tồn nguồn tài nguyên biển một cách bền vững. Để xanh hóa được các mục tiêu phát triển, Việt Nam cần phải quản lý một cách có hiệu quả các khu bảo tồn biển, trước những thách thức là nguồn lợi thủy sản và cơ sở tài nguyên du lịch biển, đảo ngày càng suy thoái và suy giảm nghiêm trọng.
Trong quá trình phát triển kinh tế biển xanh, Việt Nam cần gắn thực hiện theo SDG - 14, hướng tới mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững. SDG - 14 có 10 mục tiêu và 10 chỉ số liên quan đến ô nhiễm biển, bảo vệ hệ sinh thái biển và ven biển, giảm thiểu axit hóa đại dương, quản lý nghề cá bền vững và chấm dứt trợ cấp nghề cá có hại, đấu tranh chống khai thác cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), loại bỏ trợ cấp nghề cá có hại, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và nguồn lực cho nghề cá quy mô nhỏ, bảo tồn các vùng biển và ven biển, và tăng lợi ích kinh tế cho SIDS và các nước kém phát triển nhất (LDC). Do vậy, trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch không gian ven biển cần phải xác lập và xây dựng các vùng bảo tồn biển, xác định những cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm mang lại giá trị cao trong khi vẫn duy trì và gia tăng diện tích, cùng giá trị của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Cần đặt kinh tế biển xanh vào trong kế hoạch tổng thể của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để tạo nền tảng tăng cường và phát huy các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam cần đi đầu, chủ động và đi trước các quốc gia trong khu vực về thúc đẩy hợp tác quốc tế về kinh tế biển xanh. Phát triển kinh tế biển xanh không thể phát triển nếu đi một mình mà không có sự tham gia của các quốc gia trong khu vực, các quốc gia có chung biên giới đường biển và đại dương. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc hợp tác với Na Uy, Pháp và các quốc gia phát triển khác trong việc đối thoại, xây dựng quy hoạch, chuyển giao công nghệ về phát triển kinh tế biển xanh. Trong quá trình phát triển kinh tế biển xanh, Ấn Độ cũng rất chú trọng tới việc hợp tác quốc tế, phối hợp với các quốc gia phát triển, có nền khoa học cao để có được sự tư vấn, giúp đỡ trong quá trình xây dựng chính sách phát triển biển bền vững. Với mục tiêu đó, Ấn Độ đã xây dựng các chương trình hợp tác với Na Uy để tham vấn chính sách và triển khai các hoạt động cụ thể liên quan tới kinh tế biển xanh. Cụ thể, hai bên đã xây dựng Lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ - Na Uy về kinh tế biển xanh để điều phối các hoạt động, trao đổi, tham vấn trong việc xây dựng các chính sách dựa trên kinh nghiệm mà Na Uy đã triển khai trước đây.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)
- Đánh giá hiện trạng hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của địa phương (16/10/2024)