Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 36197
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Một số lưu ý điều trị bệnh cho gia súc gia cầm (16/05/2016)

Để chăn nuôi thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, với những bệnh truyền nhiễm ở gia súc gia cầm, những bệnh do virus gây nên như bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh, cúm, Newcastle ... (ở trâu, bò, lợn, gia cầm), bệnh dại (ở chó, mèo) càng phải được coi trọng, đó là việc phải tiêm phòng định kỳ, kết hợp với thực hiện tốt các quy trình vệ sinh thú y trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù đã thực hiện công tác phòng tốt, song với nhiều nguyên nhân, bệnh vẫn có thể xảy ra, cần phải tiến hành điều trị. Nếu thực hiện tốt việc điều trị, khả năng bệnh vẫn khỏi và không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chăn nuôi. Tuy nhiên, điều trị như thế nào để mang lại hiệu quả cao phụ thuộc vào phương pháp, cách thức điều trị và việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo nguyên tắc, trình tự có cơ sở khoa học. Dưới đây là những lưu ý cơ bản về cách điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm người chăn nuôi có thể áp dụng:

1. Khi dùng thuốc kháng sinh điều trị cho gia súc gia cầm

- Đây là khâu sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt (loại trừ) nguyên nhân gây bệnh trong cơ thể con vật. Bước này rất quan trọng đối với các trường hợp con vật mắc các bệnh cấp tính, nếu không áp dụng kịp thời bước này, con vật sẽ chết.

- Về nguyên tắc dùng kháng sinh:

+ Phải kiểm tra nhiệt độ của gia súc gia cầm. Nếu thấy con vật sốt có các triệu chứng điển hình về các bệnh do nhiễm khuẩn gây nên mới dùng kháng sinh và phải dùng liều cao ngay từ đầu (liều tấn công) sau đó giảm dần. Trên thực tế, đã có không ít người dùng liều từ thấp đến cao, như vậy không những bệnh sẽ không khỏi bệnh mà nguy hiểm hơn là sẽ gây hiện tượng nhờn thuốc.

+ Phải dùng đúng chủng loại kháng sinh cho từng loại bệnh, nghĩa là sử dụng những loại kháng sinh đặc hiệu. Như vậy, hiệu quả điều trị sẽ cao, tránh hiện tượng nhờn thuốc hoặc không khỏi bệnh.

+ Sử dụng kháng sinh theo đúng liệu trình. Thực tế, nhiều người sử dụng kháng sinh thường không tuân thủ điều này, thường khi thấy con vật hết các triệu chứng bệnh điển hình là dừng ngay không dùng kháng sinh nữa mặc dù theo liệu trình điều trị là chưa đủ, như vậy sẽ làm con vật nhờn thuốc và đặc biệt là mầm bệnh không bị tiêu diệt hết sẽ rất dễ tái phát lại bệnh. Khi dùng kháng sinh, một ảnh hưởng khác là thường làm cho con vật mắc bệnh mệt mỏi, thậm chí, có trường hợp ảnh hưởng đến thần kinh khi dùng quá liều hoặc dùng không đúng thuốc, không tiêm đúng vị trí. Do đó, khi dùng kháng sinh, cần xem kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không được dùng thuốc không rõ nguồn gốc (mất nhãn) các loại thuốc đã quá hạn sử dụng.

2. Dùng các loại thuốc điều trị triệu chứng, trợ sức, trợ lực

- Đây là khâu bổ sung các loại thuốc điều trị triệu chứng, thuốc bổ nhằm làm tăng sức đề kháng cho con vật, loại trừ mầm bệnh, chống stress, rút ngắn thời gian điều trị, con vật nhanh hồi phục, không bị còi cọc, giảm thiệt hại kinh tế. Trên thực tế, nhiều trường hợp khi phát hiện con vật ốm chỉ cần dùng các loại thuốc này con vật đã khỏi hoặc giảm bệnh vì các loại thuốc này thường làm tăng sức đề kháng cho con vật chống lại mầm bệnh. Bước này cần chú ý phối hợp đúng các loại thuốc kháng sinh và thuốc bổ trợ mới có hiệu quả. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại thuốc khác nhau, chính vì vậy nếu bà con không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà xản xuất trước khi dùng sẽ dễ bị nhầm lẫn và trở thành lợi bất cập hại.

- Các thuốc cần dùng như: nhóm Vitamin (vitaminB1, vitamin C, Bcomlex, Caphêin), nhóm điện giải (điện giải đường glucô), thuốc điều trị triệu chứng (dùng thuốc hạ sốt, chống khó thở, thuốc giảm tiết dịch) kết hợp với việc chăm sóc hộ lý tốt, con vật sẽ nhanh lành bệnh và điều quan trọng hơn nữa là hạn chế bệnh lây lan và phát sinh thành dịch.

3. Vệ sinh, hộ lý, chăm sóc khi phát hiện con vật mắc bệnh

- Có thể nói, khâu này có vai trò hết sức quan trọng, bởi đây là bước tạo điều kiện tốt nhất cho con vật tăng sức đề kháng, chống đỡ với bệnh, hạn chế lây lan; mặt khác, nếu làm tốt khâu này, sẽ tiêu diệt hoặc hạn chế được mầm bệnh ở môi trường. Các biện pháp cụ thể là: áp dụng việc cách ly con vật ốm, khẩn trương áp dụng việc dọn vệ sinh, trong đó có cả việc vệ sinh cơ gới (quét dọn) và vệ sinh bằng hoá chất, thuốc sát trùng (tiêu độc vật lý, tiêu độc sinh học, dùng các loại hóa chất tiêu độc như thuốc sát trùng, thuốc khử mùi để trực tiếp phun, rắc tại khu vực chuồng nuôi). Tốt nhất là tiêu độc hoá học mỗi ngày một lần, phun thuốc sát trùng trong khu vực chuồng nuôi đến khi khỏi bệnh và kéo dài thêm những ngày sau đó.  Diện tích phun phòng cần trên diện rộng để hạn chế tối đa mầm bệnh phát tán cũng như mầm bệnh từ ngoài xâm nhập vào. Hiện nay nhiều loại thuốc sát trùng phun phòng rất có hiệu quả, có tác dụng tốt và cho phép phun cả khi trong chuồng nuôi đang có gia súc gia cầm như: Vikol, Biocid, Hanamit, Iodin …

- Đồng thời với vệ sinh tiêu độc là chăm sóc, đảm bảo chuồng trại mát về mùa hè để con vật nhanh hồi phục, thải trừ mầm bệnh. Cần chú ý nuôi dưỡng phù hơp với tính chất của bệnh và sinh lý của con vật. Ví dụ: Đối với lợn bị bệnh về đường hô hấp, việc chăm sóc nuôi dưỡng cần chú ý đến điều kiện môi trường, còn việc chăm sóc lợn bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa cần chú ý ngay đến thức ăn hoặc nguồn nước uống. Tăng cường cho ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng bằng cách bổ sung trực tiếp hoặc gián tiếp các loại khoáng, vitamin, chất điện giải để nâng cao sức đề kháng cho con vật.

- Các biện pháp trên nếu được thực hiện đồng bộ, chắc chắn hiệu quả điều trị bệnh cho gia súc gia cầm sẽ cao, hạn chế tối đa những rủi ro do bệnh gây nên./.

 

Nguồn: Chi cục Thú Y Hà Nội