Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 13222
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

NASA phát hiện thêm 1.284 hành tinh mới (12/05/2016)

Kính viễn vọng không gian Kepler của NASA đã xác định được 1.284 hành tinh mới, đây là số lượng hành tinh cao kỷ lục được phát hiện tính đến thời điểm hiện nay và gần như gấp đôi số lượng hành tinh ngoài hệ Mặt trời mà trước đây Kepler đã phát hiện.

Nghiên cứu phân tích được thực hiện dựa vào danh mục các hành tinh mà kính viễn vọng không gian Kepler đưa ra vào tháng 7/2015, trong đó xác định được 4.302 hành tinh tiềm năng. Trong số các ứng viên đó, 1.284 hành tinh đạt tỷ lệ xác suất trở thành một hành tinh là hơn 99%, mức tối thiểu cần để được xem là “hành tinh”. Thêm 1.327 ứng viên nhiều khả năng không trở thành những hành tinh thực sự vì không đạt được ngưỡng xác xuất 99% và sẽ cần nghiên cứu sâu hơn. Còn lại 707 ứng viên có khả năng trở thành một số hiện tượng vật lý thiên văn khác. Phân tích này cũng xác nhận 984 ứng viên hành tinh trước đó xác nhận bằng các kỹ thuật khác.

"Trước khi kính thiên văn không gian Kepler công bố số liệu, chúng tôi không biết liệu các ngoại hành tinh là hiếm có hoặc phổ biến trong thiên hà. Nhờ Kepler và cộng đồng nghiên cứu, giờ đây chúng tôi biết số lượng hành tinh nhiều hơn các ngôi sao", Paul Hertz, Giám đốc Ban Vật lý thiên văn tại trụ sở NASA cho biết. "Phát hiện này thông báo những sứ mệnh tương lai cần để đưa chúng tôi đến gần hơn với việc phát hiện Trái đất của chúng ta có phải là duy nhất trong vũ trụ".

Kính Kepler thu những tín hiệu rời rạc của các hành tinh xa xôi - giảm độ sáng khi các hành tinh di chuyển phía trước hoặc ngang qua các ngôi sao của chúng. Kể từ khi phát hiện ra những hành tinh đầu tiên bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta cách đây hơn hai thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã phải sử dụng đến một quy trình mất thời gian, từng bước một để xác định các hành tinh “khả nghi”.

Tuy nhiên, thông báo mới nhất của NASA dựa vào một phương pháp phân tích thống kê, có thể được áp dụng cùng lúc cho nhiều ứng viên hành tinh. Timothy Morton, đồng tác giả nghiên cứu tại Trường Đại học Princeton và là tác giả chính của bài báo khoa học đăng trên Tạp chí The Astrophysical, đã sử dụng kỹ thuật gán cho mỗi ứng viên hành tinh của kính Kepler một tỷ lệ xác suất để trở thành hành tinh. Đây là tính toán tự động đầu tiên trên quy mô này vì các kỹ thuật thống kê trước đây chỉ tập trung vào các phân nhóm với danh sách dài các ứng viên hành tinh đã được Kepler xác định.

Morton nói: "Các ứng viên hành tinh có thể được xem là các mẩu bánh mì vụn. Nếu bạn thả một vài mẩu lớn trên sàn nhà, bạn có thể từ từ nhặt chúng lên. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đổ các mẩu bánh mì vụn vào một chiếc túi, bạn sẽ cần đến 1 cái chổi. Phân tích thống kê là cái chổi của chúng tôi".

Trong số các hành tinh mới được xác nhận, dựa vào kích thước của chúng có thể thấy gần 550 hành tinh là hành tinh đá giống như Trái đất. 9 hành tinh trong số đó quay theo quỹ đạo trong vùng có thể tồn tại sự sống. Với việc bổ sung 9 hành tinh này, 21 ngoại hành tinh hiện được biết đến là thành viên của nhóm riêng biệt này.

Trong số gần 5.000 ứng viên hành tinh được phát hiện cho đến nay, hiện có hơn 3.200 đã được xác nhận và 2.325 trong số này được phát hiện bởi Kepler. Kepler là sứ mệnh đầu tiên của NASA được công bố vào tháng 3/2009 để phát hiện những hành tinh có thể tồn tại sự sống có kích thước bằng Trái đất. Trong 4 năm qua, Kepler đã theo dõi 150.000 ngôi sao trong một vùng trời bằng cách đo tín hiệu rất nhỏ về độ sáng của ngôi sao, có thể được tạo ra bởi một hành tinh đi ngang qua. Đến năm 2018, Vệ tinh khảo sát Ngoại hành tinh đi của NASA sẽ sử dụng một phương pháp tương tự để theo dõi 200.000 ngôi sao sáng gần nhau và tìm kiếm các hành tinh, đặc biệt chú ý đến các hành tinh có kích thước bằng hoặc lớn hơn Trái đất. 

 

Nguồn: vista.gov.vn (Theo NASA)