Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 15298
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Năng suất cao nhờ công nghệ (08/07/2020)

Những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đã tác động tích cực vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản. Qua đó, giúp ngành thủy sản nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Nhiều địa phương đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Nắm bắt xu thế này, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình nuôi tôm, cá công nghệ cao xuất hiện ngày một nhiều hơn ở các địa phương như Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh Bạc Liêu, Bình Thuận…

Điển hình, như mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho thu nhập 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói, nhờ áp dụng công nghệ mới, các bãi cát hoang chói nắng, những nương sắn cằn cọc dọc bờ biển trước đây của Xuân Phổ, nay đã trở thành những cánh đồng nuôi tôm công nghiệp trù phú. Tôm được nuôi ở đây là tôm thẻ chân trắng. Loại tôm này có khả năng chịu đựng sự thay đổi về môi trường tốt hơn so với các đối tượng thủy sản khác, đặc biệt là thời gian nuôi ngắn hơn (3 tháng/vụ). Bên cạnh đó, các hộ nuôi phải đầu tư xây dựng nhà bạt, hệ thống quạt nước, máy sục khí để đảm bảo chống chịu các điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi và đảm bảo cho việc hô hấp của tôm. Quy trình nuôi cũng rất nghiêm ngặt, từ xây dựng ao đầm, cải tạo ao, chăm sóc… đến xử lý môi trường...

Cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, Cà Mau đã gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ), đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Hay, tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa đã mở ra sự phát triển bền vững mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp. Với quy mô 10ha mặt nước và 1.000m3 mặt đất, đây là trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, sản lượng hơn 200 tấn cá thương phẩm (kích cỡ 0,5 - 1kg/con), mỗi vụ nuôi 8 - 10 tháng, doanh thu đạt khoảng 25 tỷ đồng/vụ…

Theo các chuyên gia, với nguồn lực nội tại, Việt Nam đã vươn lên Top 4 quốc gia sản xuất và cung ứng thực phẩm thủy sản hàng đầu trên thế giới, với những mặt hàng có giá trị và uy tín cao như tôm, cá tra, cà ngừ; đồng thời, nằm trong Top 10 ngành hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn hàng năm cho đất nước. Sản lượng thủy sản đưa vào chế biến xuất khẩu và nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu tấn; tiêu thụ dạng tươi, sống khoảng 2 triệu tấn. Trong thành tích chung đó, khoa học và công nghệ đã góp một phần không nhỏ, giúp duy trì năng lực nuôi trồng, chế biến, cung cấp đa dạng thủy sản cho thế giới và trong nước. Đây vẫn tiếp tục là động lực quan trọng đưa ngành thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả hơn, nhất là trong những năm tới, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh và thị trường 100 triệu dân sẽ có nhu cầu rất lớn về thủy sản chế biến cũng như thủy sản chất lượng cao.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần thúc đẩy, hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thủy sản. Cụ thể, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam nhằm giúp người nuôi tôm tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin (kỹ thuật nuôi, giá cả và thông tin thị trường), kết nối thị trường (trao đổi hàng hóa, mua sắm thiết bị, công nghệ), trao đổi kinh nghiệm; triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống…

Nguồn: vista.gov.vn

Ngày cập nhật: 06/7/2020

http://vista.gov.vn/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/nang-suat-cao-nho-cong-nghe-2688.html