Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 47356
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu sự lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con và đề xuất một số giải pháp can thiệp (17/07/2024)

Viêm gan là một bệnh nhiễm trùng gan, do virus viêm gan B (HBV) gây ra, là căn bệnh lây lan lặng lẽ, tiến triển âm thầm. HBV thuộc họ Hepadnavirus là những virus có kích thước nhỏ. Đây là virus viêm gan duy nhất có axit nhân là DNA (các virus viêm gan khác đều là RNA). HBV có 3 loại kháng nguyên HBsAg; HBeAg và HBcAg; tương ứng với 3 loại kháng nguyên trên là 3 loại kháng thể anti-HBs, anti-HBc và antiHBe. Sự hiện diện của các kháng nguyên, kháng thể này quan trọng trong việc xác định bệnh, thể bệnh cũng như diễn biến bệnh.

Xu hướng chung của thế giới hiện nay là tập trung phòng lây nhiễm viêm gan B, trong đó tập trung can thiệp vào đường lây truyền mẹ - con là chủ yếu với hai nội dung trọng tâm đó là tiêm vắc xin viêm gan B sau sinh cho con và điều trị thuốc kháng virus giai đoạn trước sinh cho thai phụ. Việc xác định được tỉ lệ thai phụ mang HBsAg mạn tính và đánh giá tỉ lệ lây truyền HBV từ mẹ sang con tại địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ góp phần làm giảm nguy cơ lây truyền HBV từ mẹ sang con dẫn tới giảm tỉ lệ mang HBsAg mạn tính cho cộng đồng. Nhằm tìm hiểu về sự lây truyền viêm gan B mẹ con từ đó đề xuất các biện pháp can thiệp giảm nguy cơ lây truyền, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã tiến hành đề tài cấp thành phố: “Nghiên cứu sự lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con và đề xuất một số giải pháp can thiệp”, do PGS.TS Phạm Minh Khuê làm chủ nhiệm.

Nghiên cứu tổng quan về viêm gan B cho thấy, nhiễm viêm gan B là do virus viêm gan B (HBV) lây nhiễm vào gan gây hoại tử tế bào gan và gây viêm gan. Nhiễm trùng viêm gan B có thể là cấp tính và mạn tính, có thể là không có triệu chứng hoặc có triệu chứng ở mức độ từ nhẹ đến nặng hoặc hiếm khi là một trường hợp viêm gan tối cấp. Ở một số người, viêm gan B mạn tính không hoạt động và không dẫn đến bệnh gan. Trong một số trường hợp khác, nó có thể gây ra xơ gan tiến triển dẫn đến giai đoạn cuối của bệnh xơ gan và tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan- thường là nhiều năm sau khi xuất hiện nhiễm trùng ban đầu.

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B của một số nhóm dân cư từ 6-20%. Trong số những người hiến máu lần đầu, tỉ lệ người khỏe mạnh mang virus viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15- 25%. Tình hình nhiễm virus viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ mang thai cũng có tỉ lệ từ 10-20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm virus viêm B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em. Sau khi nhiễm virus viêm gan B có khoảng 10% số người nhiễm có triệu chứng viêm gan cấp, 90% nhiễm virus không có triệu chứng (đây chính là nguồn lây bệnh rất quan trọng và nguy hiểm). Lứa tuổi nhiễm HBV càng nhỏ thì tỉ lệ chuyển mạn tính càng lớn. Trong số những người lớn mắc bệnh viêm gan B cấp có khoảng 5 - 10% chuyển thành viêm gan mạn và một số trong số họ diễn biến thành xơ gan và ung thư tế bào gan.Tại Hải Phòng, trong vòng 25 năm qua chưa có nghiên cứu nào đánh giá tỉ lệ nhiễm VGB trên phụ nữ mang thai hoặc lây truyền VGB từ mẹ sang con. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nga thực hiện năm 1994 trên đối tượng là 1651 phụ nữ có thai từ 28 tuần trở lên đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Trung tâm y tế quận ngô Quyền và các trẻ sơ sinh là con của các bà mẹ này. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tỉ lệ mang HBsAg (+) trong nhóm phụ nữ có thai là 12,36%. Xét nghiệm máu cuống rốn của trẻ sơ sinh cho kết quả: HBsAg đã được phát hiện với tỉ lệ 17,81% ở máu rốn của trẻ sinh từ các bà mẹ mang HBsAg trong khi đó không phát hiện được HBsAg ở máu rốn của trẻ sơ sinh có mẹ HbsAg (-)

Triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã thiết kế nghiên cứu hai giai đoạn tiếp nối, bắt đầu bằng giai đoạn nghiên cứu cắt ngang sàng lọc HBsAg trên 1700 thai phụ đến quản lý thai và sinh con tại bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, trong số này ước lượng sẽ có ít nhất 150 thai phụ mang HbsAg (+) mạn tính để phục vụ cho giai đoạn nghiên cứu theo dõi dọc đánh giá tỉ lệ lây truyền viêm gan B mẹ-con. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích khoa học, không làm phương hại đến sức khoẻ và an toàn của thai phụ và của trẻ. Mọi thông tin cá nhân của đối tượng nghiên cứu được bảo mật theo quy trình thiết kế chặt chẽ. Các thai phụ tham gia nghiên cứu có nồng độ virus cao, đáp ứng tiêu chí điều trị sẽ được tư vấn điều trị thuốc kháng virus và được theo dõi điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan do virus. Kết quả nghiên cứu phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỉ lệ lây truyền VGB từ mẹ sang con, thông qua đó giảm tỉ lệ viêmgan B của cộng đồng.

Tiến hành sàng lọc trên tổng số 1721 thai phụ đến khám và quản lý thai nghén tại bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 03 năm 2018, trong đó có 183 thai phụ mang HBsAg mạn tính và theo dõi dọc 150 cặp mẹ-con đến 6 tháng sau sinh để đánh giá lây truyền VGB mẹ-con. Các số lượng triển khai vừa nêu đủ thoả mãn cỡ mẫu cho cả 2 mục tiêu nghiên cứu. Đã sử dụng kỹ thuật xét nghiệm máu định tính HBsAg, HBeAg, anti HBs, anti HBe, antiHBc bằng kỹ thuật ELISA, được thực hiện trên máy PW 40, IPS, PR 2100; bộ sinh phẩm của công ty Diagnostic Automation Cortez Diagnostic, Ins.Các xét nghiệm định lượng HBV-DNA bằng kỹ thuật Realtime PCR trên máy Realtime-PCR của hãng Biorad. Đây là kỹ thuật sử dụng chất phát huỳnh quang định lượng số bản copy sản phẩm PCR qua từng chu kỳ. Kết quả của quá trình khuếch đại được theo dõi trên màn hình máy tính trong thời gian phản ứng đang diễn ra. Khi so sánh với các mẫu chuẩn đã biết nồng độ, dựa trên mối tương quan về thời gian có thể suy ra số bản copy của trình tự đích trong mẫu ban đầu. Trong nghiên cứu kỹ thuật này được sử dụng để định lượng virus viêm gan B trong máu bệnh nhân nhằm xác định các trường hợp mang tải lượng virus cao, và theo dõi hiệu quả điều trị. Mẫu máu sau khi thu nhận sẽ được tiến hành tách chiết DNA sau đó thực hiện phản ứng khuếch đại DNA trên máy realtim-PCR. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tần suất mang HBsAg và tần suất mang tải lượng virus cao ở phụ nữ mang thai đến sinh con tại bệnh viện Phụ sản Hải Phòng: Tỉ lệ thai phụ mang HBsAg dương tính là 11,9%, tỉ lệ thai phụ mang HBsAg mạn tính là 10,6%; Dấu ấn viêm gan B của thai phụ lúc 7 tháng: HBeAg dương tính 24,7%, ALT tăng gấp đôi giới hạn trên bình thường 18,0%, HBV DNA trên 200.000 IU/ml (106 bản sao/ml) 12,0%; Thai phụ có chỉ định điều trị thuốc kháng virus 27/150, trong đó có 13/27 thai phụ đồng ý tham gia điều trị; Dấu ấn viêm gan B của thai phụ lúc sinh: HBeAg dương tính 23,3%, ALT tăng gấp đôi giới hạn trên bình thường 10,7%, HBV DNA trên 200.000 IU/ml (106 bản sao/ml) 8,7%.

Quy trình dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.

Tỉ lệ lây truyền virus viêm gan B từ nhóm bà mẹ mang HBsAg mạn tính sang con: Dấu ấn viêm gan B trong máu cuống rốn trẻ: HBsAg dương tính 22,7%, HBeAg dương tính 8,7%, HBV DNA dương tính 4,7%; Dấu ấn viêm gan B trong máu trẻ giai đoạn 3 tháng: HBsAg dương tính 19,3%, HBeAg dương tính 4,0%, HBV DNA dương tính 3,3%; Dấu ấn viêm gan B của trẻ lúc 6 tháng tuổi: HBsAg dương tính 12,7%, HBeAg dương 3,3%, HBV DNA dương tính 2,0%; Mẹ tham gia điều trị khi có chỉ định điều trị làm giảm nguy cơ mang HbsAg (+) ở trẻ giai đoạn 6 tháng (OR: 0,005; 95%CI: 0,0004-0,63; p<0,05). Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HBV từ mẹ sang con bao gồm: Mẹ có HBeAg dương tính (OR: 373,62; 95%CI: 16,02 - 8712,07; p<0,001); Trẻ không được tiêm HBIG sau sinh (OR: 15,65; 95%CI: 2,52-97,15; p<0,01); Trẻ được nuôi dưỡng bú mẹ (OR: 17,04; 95%CI: 1,25-232,74; p<0,05); hoặc nuôi phối hợp bú mẹ+bú bình (OR: 108,5; 95%CI: 3,71 - 3169,03; p<0,01); Không tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B theo chương trình tiêm chủng (OR: 26,92; 95%CI: 1,87-386,69; p < 0,05).

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất quy trình dự phòng lây truyền viêm gan B mẹ - con tại Hải Phòng dựa trên thực tế tại địa phương và các kết quả nghiên cứu cung cấp. Quy trình áp dụng cho các bà mẹ xét nghiệm HBsAg+ sẽ bao gồm 8 bước: (1) Khai thác tiền sử và Xét nghiệm HBsAg lần 1; (2) Xét nghiệm HBsAg lần 2 và xét nghiệm bổ sung; (3) Tư vấn khả năng lây nhiễm dựa trên các xét nghiệm (4) Bước 4. Tư vấn và chuyển gửi điều trị cho thai phụ có tải lượng HBV-DNA cao; (5) Theo dõi điều trị; (6) Tư vấn và can thiệp lúc sinh; (7) Tư vấn sau sinh và theo dõi mẹ -con; (8) Tư vấn chăm sóc cho trẻ sinh ra từ bà mẹ mang HBsAg mạn tính. Quy trình này được cụ thể hóa dựa theo hướng dẫn Quốc gia năm 2019, chi tiết thực hiện theo từng bước để giúp cho nhân viên y tế nắm được và có thể thực hiện được dễ dàng trước một thai phụ mang HbsAg (+) đến khám và quản lý thai nghén tại cơ sở. Từ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con cũng như giảm tỉ lệ lây truyền viêm gan B trong cộng đồng.

Quy trình dự phòng lây truyền viêm gan B mẹ-con đề xuất đã được nhóm nghiên cứu hệ thống hóa và có hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện kèm theo. Quy trình này có thể áp dụng rộng rãi trong thực tế, giúp cho cán bộ y tế sản- nhi ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến quận huyện dễ hiểu hơn, dễ dàng ứng dụng hơn trong công tác quản lý và chăm sóc thai phụ mang HBsAg mạn tính. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.