Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 46500
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược biển Việt Nam (09/12/2024)

“Nghiên cứu các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược biển Việt Nam”  nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ do Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo chủ trì, thực hiện từ tháng 04/2021 đến tháng 12/2023. Đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu tổng quan những vấn đề lý luận về nguồn nhân lực biển và các yêu cầu về nguồn nhân lực trong chiến lược biển của Việt Nam; Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực biển của Việt Nam và những kinh nghiệm về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển từ việc nghiên cứu một số nước điển hình; Từ đó đề xuất các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực biển trong mối liên hệ với các yêu cầu của chiến lược biển của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứuđã phân tích và làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về nguồn nhân lực biển, chỉ ra được nội hàm của nguồn nhân lực biển, đặc điểm chung và đặc điểm đặc thù của nguồn nhân lực. Theo đó“Nguồn nhân lực biển” là khái niệm có nội hàm rộng lớn, bao gồm:(1) Phản ánh lực lượng lao động, là nguồn lao động,phản ánh quy mô dân số thông qua số lượng dân cư và tốc độ tăng dân số của một nước trong một thời kỳ nhất định. (2) Phản ánh khía cạnh cơ cấu dân cư và cơ cấu lao động trong các ngành, các vùng, cơ cấu lao động đã qua đào tạo trong các lĩnh vực kinh tế, cơ cấu trình độ lao động, cơ cấu độ tuổi trong lực lượng lao động, cơ cấu nguồn lao động dự trữ,...; (3) Phản ánh phương diện chất lượng dân số, đặc biệt là chất lượng của lực lượng lao động trong hiện tại và trong tương lai gần (dưới dạng tiềm năng), thể hiện qua hàng loạt yếu tố như sức khỏe cơ thể và sức khỏe tâm thần, mức sống, tuổi thọ, trình độ giáo dục và đào tạo về văn hóa và chuyên môn nghề nghiệp, trình độ học vấn, trình độ phát triển trí tuệ, năng lực sáng tạo, khả năng thích nghi, kỹ năng lao động, văn hóa lao động, các khía cạnh tâm lý, ý thức, đạo đức, tư tưởng, tình cảm, tính cách, lối sống, ... Trong đó, trí lực, thể lực, đạo đức là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định chất lượng và sức mạnh của nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực biển là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực nói chung nên nguồn nhân lực biển cũng có vai trò của nguồn nhân lực nói chung, cụ thể: Nguồn nhân lực vừa là chủ thể, vừa là khách thể vừa là động lực, vừa là mục tiêu của các quá trình kinh tế - xã hội; giữ vị trí trung tâm không chỉ trong hệ thống các nguồn lực của sự phát triển xã hội mà còn của chính sự phát triển xã hội. Nguồn nhân lực được xem là tài sản quan trọngnhất của bất kỳ quốc gia nào và việc đầu tư vào con người luôn là một điều tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh các vai trò chung nêu trên, nguồn nhân lực biển còn có các vai trò đặc thù, đó là: Nguồn nhân lực biển vừa là chủ thể hoạch định, ban hành, giám sát, đảm bảo thực thi, đồng thời cũng là chủ thể trực tiếp thực thi chính sách, pháp luật về biển, đảo của các quốc gia; Nguồn nhân lực biển, đặc biệt là nguồn nhân lực biển chất lượng cao là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về biển, đảo của các quốc gia; Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển là chìa khóa của sự thành công trong phát triển bền vững kinh tế, quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển của các nước.

Nghiên cứu đã làm rõ thực trạng nguồn nhân lực biển ở Việt Nam theo từng lĩnh vực cụ thể bao gồm: xây dựng chính sách, pháp luật; quản lý nhà nước, giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; quốc phòng, an ninh trên biển; kinh tế biển, môi trường và phòng chống thiên tai biển; khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo,thông tin, truyền thông, tư tưởng về biển.Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam và các nước được nghiên cứu điển hình (bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản), nguồn nhân lực biển được cấu thành bởi những bộ phận sau: nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật; nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về biển; nguồn nhân lực trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; nguồn nhân lực trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên biển; nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế biển; nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường và phòng chống thiên tai biển; nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ biển; nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo về biển; nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, tư tưởng về biển.

Nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực biển của Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực biển. Các bài học kinh nghiệm này được trải dài trên tất cả các lĩnh vực về biển, đảo.Các bài học cụ thể: Cần xây dựng chương trình tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực biển, trên cơ sở đó cần chi tiết hóa thành các đề án đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực biển trong từng lĩnh vực cụ thể; Chú trọng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực think-tank với 03 nhóm: Lực lượng nghiên cứu chính sách chuyên nghiệp (các Think Tank) của Chính phủ, các Think Tank của xã hội dân,các Think Tank địa phương; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực tài năng (nhân tài); Đặt các lực lượng quốc phòng an ninh trên biển dưới sự lãnh đạo thống nhất của Quân ủy Trung ương, góp phần tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo, tổ chức và hoạt động của các lực lượng lượng này; Ưu tiên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển trong lĩnh vực kinh tế biển mũi nhọn hoặc tại các khu vực trọng điểm của cả nước; Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực biển, gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực tài nguyên môi trường và phòng chống thiên tai biển với thực tiễn xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học biển và chuyên gia kỹ thuật mang tầm đẳng cấp thế giới; Đẩy mạnh giáo dục kiến thức về biển, đảo tại tất cả các cấp học (từ mầm non cho đến Đại học và Sau đại học) với nội dung chương trình và hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng cụ thể; Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở Trung ương và địa phương; Tăng cường và chú trọng hoạt động hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế trong hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; Việt Nam cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm các giảipháp chung và các giải pháp đặc thù cho từng nguồn nhân lực biển trong các lĩnh vực cụ thể.

Trên cơ sởnghiên cứu, xác định rõ các yêu cầu về nguồn nhân lực biển trong quá trình hiện thực hóa chiến lược biển Việt Nam và tính cấp thiết của việc nghiên cứu các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực biển; đồng thời phân tích những thuận lợi và thách thức trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển của Việt Nam. Đề tài đã đề xuất các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực biển trong mối liên hệ với các yêu cầu của chiến lược biển của Việt Nam, cụ thể:

-Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật; quản lý nhà nước; giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển của Việt Nam.

- Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên biển của Việt Nam.

- Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế; tài nguyên, môi trường và phòng chống thiên tai biển.

- Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông, tư tưởng về biển của Việt Nam.

Bên cạnh đó đề tài còn đề xuất nhóm giải pháp đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược biển Việt Nam bao gồm: Xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực biển Việt Nam; Giải pháp đột phá về giáo dục, đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực biển Việt Nam; Giải pháp đột phá về sử dụng, quản lý nguồn nhân lực biển Việt Nam; Giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực biển Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước; Giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực biển Việt Nam trong điều kiện tăng cường hội nhập quốc tế.

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về biển, đảo; bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực biển ở cấp Trung ương và địa phương liên quan đến biển; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu liên quan đến biển; đóng góp các tư liệu thực tế và được cập nhật phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển, từ đó góp phần phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.Kết quảnghiên cứu là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, giảng viên, giáo viên và học trong quá trình nghiên cứu, học tập, vận dụng; góp phần bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực biển ở cấp Trung ương và địa phương liên quan đến biển; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu liên quan đến biển. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.