Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 7459 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu, đánh giá tổng thể hiện trạng nghề nuôi ngao và đề xuất giải pháp quản lý nhằm phát triển bền vững nghề nuôi ngao tại Hải Phòng (16/09/2023)
Tại Hải Phòng, tính đến năm 2020, tổng diện tích nuôi ngao đạt 5.558ha/235 hộ dân, tập trung tại 7 quận huyện: Đồ Sơn, Hải An, Dương Kinh, Cát Hải, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Bạch Long Vỹ. Diện tích, sản lượng và giá trị sản xuất ngao nuôi liên tục tăng trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, trong đó diện tích nuôi tăng bình quân 18,1%/năm, sản lượng và giá trị sản xuất tăng bình quân 18,35 %/năm. Việc nuôi ngao của các hộ dân trên địa bàn thành phố chủ yếu mang tính tự phát (dùng cọc và lưới quây tại bãi triều) và lựa chọn nhiều kích cỡ ngao giống khác nhau để thả. Mật độ thả giống không đồng đều giữa các hộ dân (gấp 4 lần so với khuyến cáo), thời gian thả giống cũng không đồng nhất, do đó thời gian thu hoạch cũng khác nhau. Bên cạnh đó, việc quản lý chăm sóc của các hộ dân đa số xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, chưa có một quy trình chăm sóc cụ thể dẫn đến chất lượng ngao cũng như hiệu quả kinh tế chưa cao.
Nhằm đánh giá hiện trạng nghề nuôi ngao, các yếu tố môi trường tác động đến hoạt động nuôi ngao tại Hải Phòng từ đó đề xuất giải pháp quản lý nhằm phát triển bền vững nghề nuôi ngao tại Hải Phòng, năm 2019 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể hiện trạng nghề nuôi ngao và đề xuất giải pháp quản lý nhằm phát triển bền vững nghề nuôi ngao tại Hải Phòng”, đề tài do Th.S Hà Tân (Phòng Kỹ thuật) làm chủ nhiệm.
Qua nghiên cứu thực trạng nuôi ngao và chất lượng môi trường các vùng nuôi ngao tại Hải Phòng, nhóm nghiên cứu nhận thấy: Phát triển nuôi ngao tại Hải Phòng trong thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định, diện tích nuôi ngao ngày càng được mở rộng, sản lượng và giá trị sản lượng ngày càng tăng cao, đến năm 2020 diện tích nuôi gấp từ 4 đến hơn 12 lần và sản lượng gấp từ 2 đến hơn 7 lần, giá trị sản xuất đạt từ 120 triệu đến 200 triệu đồng/ha.; Việc nuôi nhuyễn thể (ngao) phát triển tự phát chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép, chưa thực hiện nghĩa vụ với nhà nước; Quy mô diện tích nuôi ngao dao động khá lớn, số hộ có diện tích từ 10-30 ha/hộ chiếm tỷ lệ cao nhất 41,4%, số hộ có diện tích từ 1-3 ha chiếm tỉ lệ thấp nhất là 2,8%, không có hộ nuôi diện tích < 1 ha; số hộ có diện tích > 100 ha chiếm tỉ lệ 8,6%; Qua điều tra, khảo sát, thu mẫu phân tích, cho thấy: (1) Môi trường nước được đánh giá thông qua chỉ số RQ cho thấy vùng nuôi ngao ở Hải Phòng hiện đã bị ô nhiễm; (2) Hàm lượng các kim loại trong trầm tích đều nằm ở ngưỡng an toàn khi so với giới hạn cho phép theo TCVN; (3) Đã xác định được 146 loài thực vật phù du thuộc 4 ngành tảo trong nước tại vùng nuôi ngao, mật độ dao động lớn, từ 61.321 – 69.811.321 tb/l, trung bình đạt 7.383.089 tb/l; (4) Đã bắt gặp 27 loài tảo độc hại thuộc 3 ngành tảo với mật độ từ 267 – 45.682 tb/l, trung bình đạt 9.350 tb/l; (5) Đã bắt gặp 27 loài tảo độc hại thuộc 3 ngành tảo với mật độ từ 267 – 45.682 tb/l, trung bình đạt 9.350 tb/l; (6) Đã xác định được 40 112 loài thuộc 4 ngành động vật phù du với mật độ trung bình đạt 813 ct/m3 , dao động từ 155 – 2.495 ct/m3 và (7) Xác định được sinh vật lượng động vật đáy trung bình đạt 26 ct/m2 tương ứng với khối lượng 254,0 mg/m2 với các nhóm chính là với động vật thân mềm, giun nhiều tơ, giáp xác; Đề tài đã xác định độ béo trung bình theo thời gian của ngao qua các tháng dao động từ 9,84 – 10,97%, đạt giá trị cao nhất vào tháng 7, thấp nhất vào tháng 1 năm sau và đạt giá trị cao nhất ở nhóm kích thước từ 40 – 50 mm, tương đương 15 – 17 tháng tuổi; điều này cho thấy thời gian thu hoạch ngao có thể bắt đầu từ tháng 7 hàng năm, kéo dài đến tháng 10; kích cỡ thu hoạch khi ngao đạt 40 – 50 mm/con.
Để hoạt động nuôi ngao trên địa bàn thành phố được thực hiện khoa học, hiệu quả, đồng thời góp phần nhằm gia tăng giá trị lợi ích và phát triển bền vững nghề nuôi ngao tại Hải Phòng, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý như sau:
- Về công tác quản lý: cần điều chỉnh quy hoạch hợp lý; nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nuôi ngao hướng đến an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; khuyến khích đầu tư từ các thành phần kinh tế; phát triển các Hợp tác xã và Tổ hợp tác; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất ngao bằng các công cụ hiện đại như bản đồ kỹ thuật số hay trạm quan trắc tự động.
- Về cơ sở nuôi: cần tuân thủ các quy định về nuôi ngao do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật (vật liệu vây nuôi, thuốc, công tác kiểm tra an toàn giống khi thả); giữ vệ sinh trong quá trình nuôi thả; ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất.
- Về kỹ thuật nuôi: đầu tư cơ sở hạ tầng; cải tạo bãi ngao theo đúng quy trình kỹ thuật; duy trì mật độ nuôi phù hợp theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để xử lý các hiện tượng bất thường.
Ngoài ra, các giải pháp về chính sách, truyền thông, tổ chức sản xuất… cũng được nhóm tác giả đề cập cụ thể trong đề tài.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)