Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 5352 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia (13/11/2024)
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 về khuyến công. Theo đó, hoạt động khuyến công nhằm hướng đến mục tiêu: Huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.
Nhằm xây dựng các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn đồng thời góp phần khai thác các tiềm năng lợi thế của các địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công thương địa phương) được phê duyệt triển khai thực nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia”, với mục tiêutrên cơ sở đánh giá thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thời gian qua đề xuất được các giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia đến năm 2030 một cách hiệu quả và bền vững.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến Đề tài như phần tổng quan tài liệu; xây dựng được 02 mẫu phiếu Điều tra hiện trạng công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và hiện trạng hoạt động, phát triển của các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; đã tổ chức các chuyến công tác khảo sát thực tế tại 10 tỉnh đại diện của 03 vùng (Bắc, Trung, Nam) để nắm bắt thực tế công tác quản lý nhà nước về công tác khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng như tình hình hoạt động, phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các địa phương. Tìm hiểu kinh nghiệm và chính sách của một số quốc gia trên thế giới (Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc) về phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu/ sản phẩm tương đồng; kinh nghiệm của một số địa phương (Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Tiền Giang) về phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp tiêu biểu trong đó nhấn mạnh việc ban hành các quy định pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về tài chính, tiếp cận nguồn vốn cùng hàng loạt các chính sách khác tác động vào các yếu tố chi phối sự phát triển của các ngành nghề nông thôn đã tạo tiền đề và động lực cho sự phát triển của các làng nghề.
Đã tổng hợp được các số liệu về hiện trạng công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và thực trạng sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giai đoạn 2016-2021; phân tích, đánh giá những mặt tích cực, đạt được, đồng thời phân tích, nhận định những mặt khó khăn, tồn tại của việc phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thời gian qua.
Đã phân tích, đánh giá được hiện trạng công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ Trung ương đến địa phương, việc xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, cũng như hiện trạng cơ chế chính sách hỗ trợ của của các cấp về công tác phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nghiên cứu cho thấy, công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giai đoạn 2012 - 2022 đã mang lại hiệu quả tích cực đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn. Thông qua công tác tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đã phát hiện, lựa chọn được các sản phẩm công nghiệp nông thôn có tiềm năng phát triển để làm cơ sở để tiếp tục hỗ trợ khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; thu hút, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế của vùng và quốc gia; đã phát huy lợi thế địa phương, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn tận dụng tối đa thế mạnh các ngành nghề truyền thống, nguồn lao động sẵn có kết hợp với ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại để đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần tạo nên nhiều thương hiệu mạnh của các địa phương. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã đánh giá những mặt đạt được và khó khăn tồn tại trong công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Theo số liệu khảo sát, doanh thu bình quân của các cơ sở công nghiệp nông thôn năm 2021 đạt 2,054 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chiếm khoảng 45%. Tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được khảo sát năm 2021 bình quân đạt 28,2%. Nhìn chung, doanh thu năm 2021 của các cơ sở công nghiệp nông thôn bị giảm đi khoảng 17% so với trước khi công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó giảm mạnh nhất là doanh thu của các doanh nghiệp (giảm bình quân 31%), tiếp đến là doanh thu của Hợp tác xã (giảm 11,85%). Doanh thu của nhóm chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhất với mức giảm là 6,67%. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhóm Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm có mức tăng trưởng 34,2% về doanh thu so với trước khi được công nhận. Với mức đóng góp khoảng 9% GDP hàng năm và thu hút nhiều lực lượng tham gia, các cơ sở công nghiệp nông thôn đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Những thành tựu đạt được của cơ sở công nghiệp nông thôn đã thể hiện ở quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với Nhà nước đều tăng lên qua các năm, ngày càng nâng cao mức thu nhập người lao động, cải thiện đời sống vật chất của người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, so với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn nói riêng và doanh nghiệp nói chung là cơ sở đề xuất một số giải pháp, kiến nghị, góp phần phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn trong thời gian sắp tới.
Trên cơ sở nhìn nhận và đánh giá về thực trạng phát triển sản xuất sản phẩm, cơ hội và thách thức đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, để có thể phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu theo hướng gắn với đô thị hóa, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các giá trị kinh tế, văn hóa Đề tài cũng đã nghiên cứu đề xuất giải pháp trọng tâm nâng cao và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để có được nhiều sản phẩm hơn, chất lượng tốt hơn và mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Về phía các cơ quan nhà nước cần có các chính sách về tín dụng, chính sách về khoa học và công nghệ, chính sách về xúc tiến thương mại, chính sách về phát triển vùng nguyên liệu, chính sách về đào tạo cho lao động ở nông thôn, chính sách về bảo vệ môi trường. Đối với các cơ sở công nghiệp nông thôncần tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm công nghiệp nông thôn, chủ động cập nhật và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo tiêu chuẩn thị trường đồng thời hoàn thiện các thủ tục đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối thuận lợi và hợp pháp, có chính sách về phát triển nguồn nhân lực và nguồn vốn, tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chủ động tiếp cận công cụ chuyển đổi số. Từ đó, đề xuất, kiến nghị đối với một số đơn vị liên quan về công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến năm 2030 một cách hiệu quả và bền vững.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin,Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý trường hợp đối với... (15/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt và thử nghiệm,... (11/11/2024)
- Giải pháp tăng cường công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý sử... (08/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không... (06/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để diễn toán dòng chảy phục vụ phân bổ... (04/11/2024)