Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7510
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn loài Thạch sùng mí Cát Bà tại Vườn Quốc gia Cát Bà (12/09/2023)

Thạch sùng mí là loài đặc hữu của Việt Nam, thuộc họ tắc kè, có thân hình mảnh dẻ, dẹp, chiều dài thân từ 84 - 111mm, lưng có màu nâu với những vệt màu xám, nhiều đốm màu vàng ở phần giáp với sườn. Tại Vườn Quốc gia Cát Bà, Thạch sùng mí Cát Bà được phát hiện và công bố vào năm 2008 dựa trên bộ mẫu chuẩn thu được tại Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. Thạch sùng mí Cát Bà đã nhanh chóng trở thành đối tượng bị săn bắt, buôn bán để làm sinh vật cảnh, được đưa vào Danh lục Đỏ IUCN (các loài cực kỳ nguy cấp trên thế giới) vào năm 2016. Từ khi được mô tả và công bố, Vườn Quốc gia Cát Bà chưa có những số liệu cụ thể về địa điểm phân bố, hiện trạng quần thể loài Thạch sùng mí Cát Bà.

Để bảo vệ, bảo tồn loài Thạch sùng mí Cát Bà, từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2021, Ủy ban nhân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố:Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn loài Thạch sùng mí Cát Bà (Goniurosaurus catbaensis) tại Vườn Quốc gia Cát Bà”, đề tài doVườn Quốc gia Cát Bà chủ trì, ThS. Phạm Văn Thương làm chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá được hiện trạng quần thể, xác định được đặc điểm sinh thái, sinh học, đánh giá được các nhân tố đe dọa và đề xuất các giải pháp bảo tồn loài thạch sùng mí Cát Bà.

 

Nhóm tác giả đề tài đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh thái, sinh học, hiện trạng quần thể, các nhân tố đe dọa loài và sinh cảnh sống của loài Thạch sùng mí Cát Bà trên cơ sở thiết lập 15 tuyến điều tra, khảo sát trên các đảo lớn nhỏ thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà. Nghiên cứu cho thấy, Thạch sùng mí Cát bà phân bố chủ yếu ở độ cao ≤ 100m và sinh cảnh ưa thích là rừng thứ sinh nghèo thường xanh mưa ẩm trên núi đá vôi.

 

Qua 02 đợt điều tra, giám sát thực địa, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 548 cá thể trong đó bắt gặp lại 15 cá thể, không thu được mẫu 8 cá thể. Ghi nhận ở khu vực rừng xung quanh trụ sở Vườn quốc gia Cát Bà 233 cá thể, khu vực Giỏ Cùng 103 cá thể, khu vực Áng kê 89 cá thể, khu vực Việt Hải 71 cá thể, khu vực Trà Báu 44 cá thể, khu vực Đầu Bê 8 cá thể. Cấu trúc theo nhóm: nhóm tuổi trưởng thành ghi nhận nhiều nhất (chiếm 50,17%), tiếp theo nhóm tuổi bán bán trưởng thành (chiếm 28,32%) và thấp nhất là nhóm con non (chiếm 21,51%). Cấu trúc giới tính loài Thạch sùng mí Cát Bà trên các tuyến điều tra qua 02 đợt điều tra, giám sát xác định được cá thể cái chiếm ưu thế hơn các thể đực với tỉ lệ đực: cái là 1: 1,86. Mật độ quần thể của loài Thạch sùng mí Cát Bà tại khu vực nghiên cứu có xu hướng giảm năm 2020 so với năm 2021 và có sự chênh lệch nhiều ở 06 khu vực nghiên cứu năm. Ước tính mật độ quần thể Thạch sùng mí Cát Bà ở khu vực Trà Báu cao nhất, tiếp theo là khu vực Áng Kê, khu vực rừng xung quanh trụ sở Vườn quốc gia Cát Bà, khu vực Việt Hải, khu vực Giỏ Cùng và thấp nhất là khu vực Đầu Bê. Ước tính kích cỡ quần thể Thạch sùng mí Cát Bà theo chỉ số Lincoln & Petersen là 91 cá thể (mức sai số khoảng 91 ± 5 cá thể) trên 06 tuyến điều tra tại ba khu vực rừng xung quanh trụ sở VQG Cát Bà, Việt Hải và Giỏ Cùng. Kết quả trên cho thấy quần thể loài Thạch sùng mí Cát Bà có kích thước rất nhỏ và có nguy cơ tuyệt chủng cao. Biến động số lượng quần thể: Thời gian bắt gặp Thạch sùng mí cát từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, số lượng cá thể có xu hướng tăng từ tháng 4 đến tháng 8 và bắt gặp nhiều nhất vào tháng 5 – 8. Mùa sinh sản của loài Thạch sùng mí Cát Bà vào tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Ghi nhận mỗi cá thể cái mang 02 trứng trong ổ bụng, thức ăn của Thạch sùng mí Cát Bà ghi nhận được là: Giun, cành cây khô, gián, v.v.

Nhóm tác giả của Vườn Quốc gia Cát Bà đã chỉ ra 5 nhân tố đe dọa chính tới quần thể cũng như sinh cảnh của thạch sùng mí Cát Bà đó là săn bắt, buôn bán, sử dụng, biến đổi khí hậu, phát triển du lịch thiếu kiểm soát và việc phá hủy sinh cảnh. Trong những nguy cơ nói trên, đáng lưu ý là tình trạng biến đổi khí hậu, đây là nhân tố đe dọa nghiêm trọng nhất tới sự tồn tại của loài thạch sùng mí Cát Bà. Tiếp theo đó là mối đe dọa về săn bắt, buôn bán và sử dụng, phát triển du lịch thiếu kiểm soát và cuối cùng nhân tố đe dọa về phá hủy sinh cảnh là ít ảnh hưởng đến loài Thạch sùng mí Cát Bà. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất địa điểm ưu tiên bảo tồn khu vực các tuyến theo thứ tự sau: tuyến T-2, T-1 (Khu vực Trung tâm Vườn), T-13 (Trà Báu), T-10 (Giỏ Cùng) ưu tiên bảo tồn trước; tiếp theo là tuyến T-14, T-15 (Áng Kê), T-8 (Việt Hải) và T-9 (Giỏ cùng); đến các tuyến T-4, T-6 (Trung tâm Vườn), T-7 (Việt Hải), T-12 (Giỏ cùng); sau cùng là các tuyến T-3, T5 (Trung tâm Vườn) và T-11 (Đầu Bê).

Để bảo vệ, bảo tồn loài thạch sùng mí Cát Bà, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn loài này với việc: đề xuất các địa điểm ưu tiên bảo tồn loài theo các tuyến khảo sát; các giải pháp về quản lý, cơ chế chính sách, tuần tra giám sát (sự quan tâm phối hợp của các ngành hữu quan, kiểm soát săn bắt và buôn bán, tuyên truyền giáo dục...); các giải pháp về nâng cao nhận thức, đề xuất các mô hình sinh kế cho cộng đồng dân cư với các đối tượng cán bộ quản lý, khách du lịch, người dân và học sinh; các giải pháp bảo tồn nguyên vị (bảo vệ sinh cảnh, bảo tồn quần thể, vùng cần ưu tiên bảo tồn) và các giải pháp bảo tồn chuyển vị (nhân nuôi sinh sản).

Kết quả nghiên cứu được đánh giá cao về tính khoa học, logic; số liệu phân tích, khảo sát có độ tin cậy cao, việc triển khai đề tài là cần thiết nhằm góp phần bảo tồn loài sinh vật này trong tương lai. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.