Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2420
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Nghiên cứu đề xuất giải pháp can thiệp bằng bài tập vận động trị liệu ở tư thế đứng trong phòng chống bệnh suy tĩnh mạch chi dưới cho người lao động chế biến thủy sản Hải Phòng (20/05/2024)

Đây là đề tài nghiên cứu KH&CN cấp thành phố do Viện Y học Biển chủ trì thực hiện, PGS.TS. Trần Thị Quỳnh Chi - Viện trưởng làm chủ nhiệm, được tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện sáng 19/5/2024 tại Sở KH&CN Hải Phòng. Nghiên cứu được tiến hành tại 03 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng bao gồm: Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ Long, Hợp tác xã Nam Triệu, Công ty TNHH Việt Trường.

Theo nghiên cứu thực trạng suy tĩnh mạch chi dưới của người lao động chế biến thủy sản, tỷ lệ bệnh này chiếm 51,9%. Có tới 96,5% người lao động chế biến thủy sản chưa được phát hiện bị suy tĩnh mạch chi dưới trước đó. Triệu chứng cơ năng thường gặp của suy tĩnh mạch chi dưới là tê bì dị cảm chân chiếm 54%; chuột rút về đêm chiếm 49,3%; đau và căng tức bắp chân chiếm 43,2%; cảm giác kiến bò chiếm 36,4%; phù chân chiếm 28,6%; 27,4% người lao động bị suy tĩnh mạch chi dưới không có triệu chứng. Về phân độ lâm sàng suy tĩnh mạch chi dưới, có tới 82,9% người lao động bị suy tĩnh mạch chi dưới ở mức C1; 11% ở mức C2; 2% ở mức C3; 4,2% ở mức C0 và không có người lao động chế biến thủy sản nào ở mức từ C4 đến C6. Nghiên cứu cũng chỉ ra, nữ giới có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao gấp 2,51 lần so với nam giới. Độ tuổi từ 30-39 tuổi, 40-49 tuổi và từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ bị suy tĩnh mạch lần lượt cao gấp 4,99-12-13,11 lần so với dưới 30 tuổi. Tuổi nghề từ 10-19 năm và từ 20 năm trở lên có nguy cơ suy tĩnh mạch cao gấp 1,67 và 2,97 lần so với tuổi nghề dưới 10 năm. Tư thế lao động thường xuyên có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao gấp 2,08 lần so với tư thế lao động cả đứng lẫn ngồi. Thừa cân, béo phì có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao gấp 1,82 lần với không thừa cân, béo phì. Người lao động mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao cấp 2,28 lần nhóm không mắc hội chứng chuyển hóa. Nữ giới có 2 con nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao gấp 1,78 lần; có 3 con nguy cơ cao gấp 2,35 lần so với chưa có con. Người lao động làm việc trung bình trên 8 giờ/ngày có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao gấp 3,87 lần so với làm việc ≤ 8 giờ/ngày. 

Người lao động chế biến thủy sản thường phải làm việc trong tư thế đứng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh suy tĩnh mạch chi dưới ở đối tượng này.

Trong tổng số 602 người lao động chế biến thủy sản bị suy tĩnh mạch chi dưới, nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành trên 50 người với 4 bài tập vận động gồm: bước đi bằng gót chân, đứng bằng mũi bàn chân, bước đi bằng mũi bàn chân và nhấc cao chân bước tại chỗ, được thực hiện trong 4 tuần. Kết quả thực nghiệm cho thấy, các triệu chứng cơ năng của người lao động bị suy tĩnh mạch như mỏi chân, nặng chân, căng tức bắp chân; phù chân; tê bì dị cảm chân; cảm giác kiến bò; chuột rút về đêm sau thử nghiệm có sự cải thiện so với trước thử nghiệm. Chất lượng cuộc sống theo thang điểm SF-36 của người lao động bị suy tĩnh mạch sau thử nghiệm cải thiện tốt hơn so với trước thử nghiệm.

Nghiên cứu tiếp tục thực hiện can thiệp bằng 4 bài tập vận động trên 300 người lao động chế biến thủy sản được chẩn đoán bị suy tĩnh mạch chi dưới, tham chiếu với 100 người lao động được chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới không đồng ý can thiệp bằng bài tập vận động trị liệu ở tư thế đứng. Kết quả can thiệp cho thấy, về triệu chứng cơ năng, không triệu chứng tăng từ 24,7% lên 92,0%; triệu chứng mỏi chân, nặng chân, đau, căng tức bắp chân; phù chân; tê bì dị cảm chân, cảm giác kiến bò; chuột rút về đêm giảm có ý nghĩa sau can thiệp. Thể chất và tinh thần của người bệnh được cải thiện tốt hơn: điểm sức khỏe thể chất trước can thiệp là 53,7±14,4; sau can thiệp tăng lên 65,5±133; điểm sức khỏe tinh thần trước can thiệp là 54,6±15,5; sau can thiệp tăng lên 62±15,2. Về hiệu quả can thiệp không triệu chứng (HQCT = 292,5%); mỏi chân, nặng chân (HQCT = 92,9%); đau tức bắp chân (HQCT = 97,1%); phù chân (HQCT = 96,8%); tê bì dị cảm (HQCT = 99,4%); cảm giác kiến bò (HQCT = 99,1%); chuột rút về đêm (HQCT = 99,4%).

Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp phòng chống bệnh suy tĩnh mạch chi dưới bằng bài tập vận động trị liệu. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khám phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng của suy tĩnh mạch chi dưới cho người lao động; đồng thời cần đưa bài tập vận động trị liệu ở tư thế đứng vào thực hiện thường quy hàng ngày khi người lao động đến ca làm việc. Người lao động chưa bị suy tĩnh mạch cần thực hiện bài tập vận động trị liệu ở tư thế đứng tối thiều 01 lần/ca làm việc. Với người lao động có dấu hiệu và triệu chứng của suy tĩnh mạch, cần thực hiện bài tập vận động trị liệu ở tư thế đứng tối thiểu 02 lần/ngày.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá xếp loại xuất sắc. Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm cần bổ sung một số thông tin như: thông tin về 03 Công ty được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu (lý do lựa chọn, quy mô lao động); bổ sung cơ sở khoa học để đưa ra 4 bài tập vận động trị liệu ở tư thế đứng và hướng dẫn thực hành bài tập bằng video và biện pháp phổ biến bài tập để đông đảo người lao động biết đến và thực hành, từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đề tài..../.

Mộc Trà (Sở KH&CN Hải Phòng)