Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 18266 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý kinh tế phi chính thức trên địa bàn thành phố Hải Phòng (23/02/2024)
Ở các nước đang phát triển, khu vực Kinh tế phi chính thức (KTPCT) tồn tại như một tất yếu khách quan bên cạnh khu vực kinh tế chính thức. Khu vực này có vai trò rất quan trọng trong xoá đói, giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định xã hội và là vùng đệm, hỗ trợ tích cực cho khu vực kinh tế chính thức. KTPCT được sử dụng để mô tả một khu vực kinh tế truyền thống ở các nước đang phát triển. KTPCT là khu vực mà ở đó tồn tại việc làm phi chính thức, là một tập hợp các đơn vị sản xuất ra sản phẩm vật chất và dịch vụ với mục tiêu chủ yếu nhằm tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho những người có liên quan, đóng góp vào GDP mà khu vực kinh tế chính thức không với tới được.
Quản lý KTPCT là hoạt động nhằm làm cho các thành viên KTPCT tiếp cận dần với kinh tế chính thức, thực hiện kinh doanh theo luật và lành mạnh hoá các hoạt động KTPCT, gia tăng quản lý nhà nƣớc và hiệu quả cho các thành viên KTPCT, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng. Để quản lý và hỗ trợ KTPCT, có nhiều yếu tố tác động quan trọng, cần được chú ý đó là cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh và quản lý, thành tựu khoa học công nghệ và các yếu tố nội tại của thành viên KTPCT (năng lực nghề, vốn, quản lý…).
Mối quan hệ giữa KTPCT, KVPCT, VLPCT.
Trải qua hơn 30 năm mở cửa, đặc biệt kể từ giai đoạn đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Hải Phòng, thành phố cảng biển, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch rất sôi động với đa dạng thành phần kinh tế tham gia. Bên cạnh những doanh nghiệp lớn hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, mang tính dẫn dắt thị trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động, nhạy bén, còn có sự tham gia của rất nhiều cơ sở, thành viên KTPCT. Theo kết quả điều tra dân số, việc làm và kết quả điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể công bố năm 2018, Hải Phòng có trên 100.000 cơ sở kinh doanh cá thể (phi nông lâm nghiệp, thuỷ sản), trong đó trên 75.000 cơ sở KDPCT, cung cấp khoảng 19% việc làm trên địa bàn thành phố (theo số liệu của Cục Thống kê và tính toán của nhóm tác giả).
Các cơ sở KTPCT hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có mặt ở rải rác, rộng khắp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tình trạng hoạt động chộp giật, khó kiểm soát về chất lượng, giá cả, thuế... khá phổ biến, gây bất ổn trong kinh tế và việc làm ở khu vực vốn được cho là khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực. Công tác quản lý nhà nước đối với KTPCT cần minh bạch hoá, tạo điều kiện để khu vực kinh tế này phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tiêu cực của KTPCT và đặc biệt nguy cơ biến tướng hoặc chuyển sang kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp. Khả năng quản lý của các cấp chính quyền địa phương đối với khu vực này hoặc hạn chế hoặc chưa được coi trọng, còn buông lỏng. Song cho đến nay, chưa có một nghiên cứu, đánh giá chính thức nào về KTPCT ở Hải Phòng để đề xuất những chính sách quản lý, hỗ trợ khu vực KTPCT, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Với những yêu cầu cấp thiết trên Trường Đại học Hải Phòng đã thực hiện triển khai đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý kinh tế phi chính thức trên địa bàn Hải Phòng” do PGS.TS Nguyễn Thái Sơn làm chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố ngày 24/6/2020 tại Sở Khoa học và Công nghệ.
Kết quả khảo sát về lĩnh vực hoạt động tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hải Phòng.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá thực trạng về hoạt động và quản lý kinh tế phi chính thức thông qua kết quả khảo sát với gần 1.000 cơ sở kinh doanh và cán bộ quản lý nhà nước về cơ sở kinh doanh phi chính thức (KDPCT), có thể thấy rằng, trong những năm qua, hoạt động cơ sở KDPCT đã có sự mở rộng đáng kể về số lượng và địa bàn. Bên cạnh đó qua khảo sát thực trạng nghiên cứu về lĩnh vực, loại hình khu vực cơ sở KDPCT trên địa bàn thành phố cho thấy phần lớn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ mà chủ yếu là dịch vụ ăn uống, lĩnh vực thương mại… chiếm phần lớn. Và những cơ sở KDPCT cũng có những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thành phố, góp phần tạo công ăn việc làm thu nhập cho người lao động, giảm tệ nạn xã hội của thành phố. Nhóm tác giả đã phân tích, làm rõ thực trạng quy mô, trình độ và công tác đào tạo đối với lao động phi chính thức tại Hải Phòng. Như vậy có thể thấy, số lượng và chất lượng lao động trong khu vực cơ sở kinh doanh phi chính thức là nhân tố tác động trực tiếp đến quy mô manh mún và hiệu quả kinh doanh thấp kém của những cơ sở này. Phần lớn lao động của khu vực này không đảm bảo được cuộc sống của mình và gia đinh, luôn có tâm lý bất ổn, không toàn tâm toàn ý với công việc, không hiểu rõ luật lao động, luật bảo hiểm xã hội cho cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Đa số các cơ sở KDPCT quản lý doanh nghiệp dựa trên kinh nghiệm. Hoạt động ghi chép sổ sách, hạch toán kế toán hầu như không được thực hiện, hoặc chỉ thực hiện hết sức đơn giản. Bên cạnh đó, nhận thức về cơ sở KDPCT của các tầng lớp dân cư trong xã hội còn chưa cao, chưa đánh giá đúng vai trò và vị trí của khu vực kinh tế này trong sự phát triển kinh tế thành phố, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với các lao động phi chính thức còn hạn chế dẫn đến họ chưa thực sự hiểu về quyền và lợi ích hợp pháp mà họ có thể có được; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện còn chưa tiếp cận được đến lao động của khu vực này.
Từ những phân tích thực trạng trên, cùng với những định hướng về phát triển kinh tế - xã hội thành phố và Việt Nam, nhóm tác giả đã xây dựng mô hình lượng hóa, dự báo quy mô KTPCT trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn 2035. Đồng thời xác định các vấn đề đặt ra cho công tác quản lý khu vực kinh tế này ở Hải Phòng.
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực quản lý, hỗ trợ KTPCT trên địa bàn Hải Phòng nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp cụ thể sau: Giải pháp nâng cao nhận thức về KTPCT và quản lý KTPCT; Giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, hỗ trợ KTPCT; Giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với khu vực KTPCT; Giải pháp nâng cao mức độ đóng góp của khu vực KTPCT đổi với sự phát triển kinh tế thành phố; Các giải pháp hỗ trợ các cơ sở KDPCT gồm: (Giải pháp khuyến khích, hạn chế chuyển đổi loại hình, lĩnh vực hoạt động của khu vực cơ sở KDPCT và lành mạnh hóa KTPCT; Giải pháp nâng cao kết quả hoạt động của các cơ sở kinh doanh và lành mạnh hóa KTPCT); Giải pháp hỗ trợ việc làm phi chính thức bao gồm: Giải pháp về giải quyết việc làm, nâng cao trình độ nhân lực lao động, công tác đào tạo trong khu vực cơ sở KDPCT; giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động trong khu vực cơ sở KDPCT.
Kết quả của đề tài nhằm đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm trên địa bàn thành phố. Đồng thời kết quả nghiên cứu có thế sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương trong quản lý, hỗ trợ KTPCT và các nhà khoa học chuyên ngành liên quan.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)