Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 21341 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường, tăng cường hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch Hải Phòng đến năm 2030 (12/01/2024)
Hải Phòng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch như: vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực và chính sách phát triển du lịch. Du lịch Hải Phòng ngày càng khởi sắc, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và hấp dẫn hơn như: du lịch văn hóa, du lịch biển đảo, du lịch MICE, du lịch ẩm thực… Du lịch Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, du lịch Hải Phòng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình, đặc biệt là số lượng, chất lượng du khách và hiệu quả, tác động của du lịch đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là công tác phát triển thị trường, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng đó, Sở Du lịch Hải Phòng chủ trì thực hiện đề tài: "Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường, tăng cường hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch Hải Phòng đến năm 2030". Đề tàido TS. Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch làm chủ nhiệm, được tư vấn đánh giá kết quả thực hiện vào tháng 12/2022 tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng.
Hải Phòng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo.
Theo nghiên cứu thực trạng phát triển thị trường, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch Hải Phòng, Hải Phòng là địa phương có đa dạng khách quốc tế cũng như khách nội địa đến du lịch. Các nhu cầu du lịch nổi trội của du khách khi đến Hải Phòng là: du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo ở 2 phân khúc đẳng cấp cao và bình dân; du lịch trải nghiệm, tận hưởng đặc sắc văn hoá vùng biển phía Bắc; du lịch khám phá sinh thái độc đáo vùng duyên hải; du lịch giải trí, thể thao và gặp gỡ, giao thương. Qua khảo sát du khách cho thấy, mục đích nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí chiếm 66,9%; mục đích trải nghiệm, khám phá chiến 66,2%; thưởng thức đặc sản và ẩm thực địa phương chiếm 63,2%; phục vụ nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng chiếm 40,6%. Để phát triển du lịch, nhiều hoạt động hợp tác song phương giữa Hải Phòng - Quảng Ninh, đa phương giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hợp tác trong nội bộ, ngành được triển khai. Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như: đổi mới nhận thức, nội dung, phương thức quảng bá, xúc tiến; xây dựng, hoàn thiện các công cụ, phương tiện quảng bá, xúc tiến; phối kết hợp với các tổ chức quốc tế, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được tổ chức. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, Hải Phòng còn thiếu một quy hoạch và kế hoạch dài hạn cho phát triển du lịch thành phố, phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển du lịch trong nước và trên thế giới. Đây là điểm yếu cần khắc phục sớm để du lịch thành phố có thể cất cánh đúng với tiềm năng của mình.
Dựa trên đánh giá thực tiễn, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất 4 nhóm giải pháp phát triển thị trường, tăng cường hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch Hải Phòng đến năm 2030 nhằm tăng số lượng và mức chi tiêu của khách du lịch khi tới Hải Phòng, gồm:
Một là, nhóm giải pháp chung về phát triển du lịch Hải Phòng gồm phương hướng, giải pháp tổng quát; giải pháp đột phá và các giải pháp cụ thể. Trong đó các giải pháp cụ thể tập trung vào phát triển du lịch Hải Phòng theo hướng bền vững; Quy hoạch phát triển du lịch thành phố trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế; Thực hiện đổi mới, cơ cấu lại ngành du lịch Hải Phòng, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch Hải Phòng; Phát triển sản phẩm đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới và làm mới các sản phẩm du lịch cũ; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Hải Phòng, phát triển thị trường du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Quang cảnh Hội nghị tư vấn, đánh giá kết quả thực hiện đề tài.
Hai là, nhóm giải pháp phát triển thị trường Hải Phòng gồm giải pháp phát triển cầu du lịch (Xác định giá trị cốt lõi, điểm nhấn của sản phẩm du lịch của Hải Phòng; Phát triển thị trường du lịch nội địa; Phát triển thị trường du lịch quốc tế; Tác động trực tiếp vào các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa sản phẩm du lịch của du khách; Nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến, phù hợp với đặc điểm tiêu dùng của thị trường mục tiêu; Các giải pháp truyền thông và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch) và giải pháp phát triển cung du lịch (Giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường du lịch; Giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch; Tăng nguồn cung du lịch cả về quy mô và chất lượng; Nâng cao năng lực hoạt động của các chủ thể kinh doanh trên thị trường du lịch thành phố Hải Phòng; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Hải Phòng; Phát triển nguồn nhân lực du lịch).
Ba là, nhóm giải pháp tăng cường hợp tác phát triển du lịch với 03 giải pháp: Tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước (Hợp tác phát triển du lịch giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch; Đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa các Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch; Tăng cường hợp tác công - tư trong phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch Hải Phòng); Tăng cường hợp tác phát triển du lịch với một số địa phương nước ngoài và Tăng cường hợp tác trong nội bộ ngành du lịch (gồm hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ và hợp tác giữa các doanh nghiệp không cùng lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ).
Bốn là, nhóm giải pháp tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Hải Phòng, gồm: Giải pháp đổi mới nhận thức, nội dung, phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch; Giải pháp xây dựng, hoàn thiện các công cụ, phương tiện quảng bá, xúc tiến du lịch.
Theo đại diện Ban chủ nhiệm đề tài, các giải pháp trên có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó giải pháp về phát triển thị trường là mục tiêu, then chốt, các giải pháp hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hải Phòng vừa là giải pháp quan trọng để phát triển du lịch nói chung, đồng thời là công cụ, phương tiện để phát triển thị trường du lịch nói riêng. Bên cạnh đề xuất 4 nhóm giải pháp, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất lộ trình triển khai thực hiện các giải pháp đến năm 2025 và 2030 nhằm cụ thể và hiện thực hóa các giải pháp này.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)